Căn nhà nhỏ giữa thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình yên bình bên dòng Kiến Giang, là nơi lưu giữ nhiều ký ức trong những lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Anh Văn về thăm quê. Người dân Quảng Bình luôn nhớ những cái bắt tay siết chặt, nụ cười hiền và cái gật đầu chào thân thiện, lời căn dặn ân cần mỗi lần Đại tướng về thăm quê nhà.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tên khai sinh Võ Giáp, bí danh là Văn. Ông sinh ra trong một gia đình nhà Nho, vùng quê chiêm trũng làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Tuổi thơ của ông gắn liền với đồng ruộng, cây đa, bến nước, sân đình… Mười ba tuổi, ông khăn gói vào Huế học rồi đến với cách mạng từ rất sớm, đó là khoảng thời gian ông xa quê lâu nhất...
Theo lối rẽ con đường nhỏ dẫn vào nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đập vào mắt là hàng chè tàu xanh mướt, được cắt tỉa gọn gàng. Ngôi nhà cũ gắn liền với bao kỷ niệm tuổi thơ của Đại tướng được con cháu và chính quyền địa phương trùng tu như nguyên trạng. Đấy là ngôi nhà gỗ 3 gian, 2 chái, cửa lợp lá nằm trên nền đất cũ, giữa khu vườn nhiều cây xanh. Cây khế sau nhà hơn 100 tuổi, trải qua bao thời gian, bom đạn chiến tranh vẫn vững vàng. Dưới gốc cây này, ngày xưa Đại tướng hay ngồi học bài cùng những người bạn đồng niên.
Trong mái hiên nhà lưu niệm, ông Võ Đại Hàm, người gọi Đại tướng bằng ông theo vai con cháu trong họ năm nay đã gần 80 tuổi là người ngày đêm trông coi Nhà lưu niệm, chăm lo hương khói trên bàn thờ Đại tướng. Cụ Hàm kể lại, mỗi lần về đến nhà, Đại tướng dâng hương bàn thờ tổ tiên, đi viếng mộ bố mẹ ở nghĩa trang liệt sĩ và thăm bà con lối xóm. Lần cuối cùng Đại tướng về thăm nhà vào năm 2004. Hôm đó, rất đông bà con trong thôn đến nhà Đại tướng thăm chơi và chúc sức khỏe “anh Văn”. Không ai ngờ rằng gần 10 năm sau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở về và mãi mãi nằm lại trên đất Quảng Bình.
Ông Võ Đại Hàm nhớ lại, lần cuối về quê, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có trồng 2 cây thuốc Nam được lấy từ vườn nhà ngoại đem về. 2 cây thuốc này vẫn xanh tốt đến nay. Việc này cũng gợi nhớ đến kỷ niệm ngày xưa cụ thân sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm thầy thuốc Nam, thường xuyên chữa bệnh cứu người. Ông Hàm bảo rằng, xa quê hàng chục năm nhưng giọng nói của Đại tướng vẫn không thay đổi:
“Đại tướng rất thích đua bơi thuyền truyền thống của Lệ Thủy, nhưng mà Đại tướng không bao giờ về quê dịp 2/9, hỏi ra thì cụ nói “ngày 2/9 là ngày vui của toàn dân, mà mình về đúng ngày như thế thì mọi người tập trung vào đón rước, người dân đón Đại tướng thành ra bà con phân tán, không tập trung chú trọng vào xem bơi. Mỗi lần Đại tướng về thì tổ chức Hò khoan Lệ Thủy giữa sân nhà, cả gia đình Đại tướng ngồi ở thềm xem, bà con tới coi rất đông, vỗ tay, hò dô theo vui lắm” - ông Võ Đại Hàm cho hay.
Năm 1973, lần đầu tiên sau nhiều năm xa cách, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới có dịp về thăm quê hương Quảng Bình. Những lần anh Văn về quê, bà Nguyễn Thị Lý, 67 tuổi, ở thôn Đại Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy thường đến nhà chúc sức khỏe, cùng mọi người biểu diễn điệu Hò khoan Lệ Thủy trước sân nhà Đại tướng. Đến bây giờ, bà Lý vẫn nhớ mãi những cái bắt tay siết chặt, nụ cười hiền và cái gật đầu chào thân thiện mỗi lần Đại tướng về thăm, hỏi han ân cần:
Bà Lý nhớ lại: “Lần đầu tiên gặp Đại tướng, lúc đó vừa mừng, vừa run. Khi ông tới bắt tay, nét mặt của ông dường như không giống một vị tướng mà như một người cha, người ông của quê hương, thân thiện lắm. Ánh nhìn thân thiện, tình cảm và rất thương dân.”
Những lần về quê, Đại tướng cũng đến thăm anh chị em công nhân Đội vận tải Sông Gianh ngày xưa, thăm Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình và căn dặn Hội phải là chỗ dựa vững chắc cho bà con nông dân vươn lên. Tỉnh Quảng Bình tái lập năm 1989, đến năm 1992, Đại tướng về thăm, nói chuyện với lãnh đạo tỉnh, căn dặn cán bộ địa phương tập trung chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, chăm sóc gia đình chính sách, gia đình neo đơn. Đại tướng nhắc địa phương quan tâm về phát triển giáo dục - đào tạo, chăm lo nguồn lực để phát triển bền vững.
Lần cuối về thăm quê, Đại tướng dành nhiều thời gian để làm việc, nói chuyện với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, nhắc nhở tỉnh giải quyết tình trạng bồi lắng cửa biển Nhật Lệ; chấn chỉnh việc khai thác đá ảnh hưởng đến di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; nhắc nhở tu sửa hệ thống suối nước khoáng Bang ở thượng nguồn huyện Lệ Thủy để sau này phục vụ nguồn nước sạch cho người dân…
Những người từng đón và làm việc với Đại tướng vẫn còn giữ nhiều kỷ niệm đẹp. Năm 1998, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm Quảng Bình, lúc đó ông Đinh Minh Thử, ở phường Đồng Phú, thành phố Đồng Hới đang làm Bí thư Huyện ủy Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình vinh dự được đón Đại tướng. Ông Đinh Minh Thử mãi nhớ lời Đại tướng dặn dò về phát triển kinh tế, văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Minh Hóa, đầu tư giáo dục xóa mù chữ, phát triển y tế, chăm cho cho sức khỏe nhân dân. Ông Đinh Minh Thử nhớ lại, lời nhắc nhở của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ý nào cũng hướng về nhân dân, lấy dân làm gốc, vì lợi ích của Nhân dân.
“Những lời căn dặn của Đại tướng đối với lãnh đạo địa phương lúc đó như mở ra cho mình một định hướng, cho những lời khuyên truyền dẫn vào trong mình những tư tưởng, truyền vào niềm tin, nghị lực để thực hiện. Tư tưởng của Đại tướng là “Dĩ công vi thượng”, phải việc công trên hết. Nghĩ đến lời căn dặn của Đại tướng thì chúng tôi thực hiện theo, tập trung cho giáo dục, y tế, xây dựng các trạm xá rất hiệu quả. Từ nguyện vọng của nhân dân và từ thực tế mà làm ra” - ông Đinh Minh Thử cho biết.
Tháng 8 năm nay tròn 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cũng gần 8 năm Đại tướng yên nghỉ trên mảnh đất quê hương Quảng Bình. Ngôi nhà lưu niệm của Đại tướng ở thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy tiếp tục đón nhận những tình cảm ấm nồng của người dân khắp mọi miền Tổ quốc đến viếng thăm. Những ngày này, bà con gần xa tìm về thắp hương, dâng hoa tưởng nhớ, bày tỏ lòng tri ân với Đại tướng tại Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa – Đảo Yến xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình./.
Thanh Hiếu/VOV - Miền Trung