Tình hình giãn cách nghiêm ngặt kể từ tháng 7 để đối phó với dịch bệnh bùng phát mạnh cùng những biện pháp kiểm soát đi lại gắt gao đã khiến các chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy nghiêm trọng. Trong khi hầu hết doanh nghiệp nhỏ lâm cảnh bức bí đầu ra cho sản phẩm thì phía người tiêu dùng cũng thiếu thốn thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, dẫn đến giá cả nhiều mặt hàng tăng đột biến.
Sống cùng nỗi trăn trở của doanh nghiệp và những lo toan của người tiêu dùng, Câu lạc bộ Thị trường (trực thuộc Sài Gòn Times Club) đã triển khai chương trình “Thực phẩm bình ổn lưu động” nhằm hỗ trợ doanh nghiệp/hộ nông dân có thêm kênh bán hàng, mặt khác giúp người dân ở vùng cao điểm dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) mua hàng an toàn, tiết kiệm tại nhà.
Chuỗi lớn đứt gãy, chuỗi nhỏ ra đời
Bà Nguyễn Thị Mỹ Trang, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thị trường, kể: “Cùng lúc với chủ trương tổ chức bán hàng lưu động của Sở Công Thương TPHCM, chúng tôi quyết định lập trang web của chương trình. Nền tảng bán hàng trực tuyến được Latido hỗ trợ xây dựng”. Bà cho biết chương trình không chỉ huy động hàng hóa của các nhà cung cấp uy tín mà còn thu mua sản phẩm từ các nhà vườn, các nông hộ ở các tỉnh khác. Và để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chương trình chọn thêm nguồn hàng từ các hộ nuôi trồng trực tiếp có đăng ký chứng nhận VietGap hoặc qua kiểm định của ban tổ chức gồm những thành viên có kinh nghiệm của câu lạc bộ (CLB).
Các tình nguyên viên cùng đội xe tham gia chương trình “Thực phẩm bình ổn lưu động” của CLB Thị trường. Ảnh: TBKTSG
Một vấn đề quan trọng khác và cũng thuộc tiêu chí của chương trình, đó là cân đối giá bán ở “mức bình ổn”. Theo bà Trang, chương trình không chỉ mang sứ mệnh thông thương hàng hóa mà còn nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống trong dịch bệnh để họ an tâm tuân thủ các biện pháp chống dịch, qua đó chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Chương trình cũng muốn tổ chức, vận hành một chuỗi cung cấp thực phẩm đến tận tay người mua với phí ship 0 đồng và không hạn chế địa chỉ giao hàng trên địa bàn TPHCM. Giữa lúc mọi thứ đều trở nên khó khăn, đây hẳn là mong muốn đầy thử thách.
Việc cân đối được “giá bán bình ổn”, theo bà Trang, đó là nhờ chương trình nhận được sự đồng hành thiết thực của các đơn vị tài trợ. “Họ, người giúp tiền, người giúp kho bãi tập kết hàng hóa; nơi hỗ trợ xe chở hàng, nơi cung cấp các đội tình nguyện viên…”, bà nói.
Một số mặt hàng của chương trình thậm chí còn có mức giá tốt. Ví dụ giá bán trứng gà chỉ khoảng 28.000 đồng/chục nhờ mua tận gốc từ các trang trại ở Đồng Nai. Hay như thương hiệu gà San Hà đã nhiệt tình ủng hộ chương trình với mức độ… siêu ưu đãi, nên một con gà làm sạch nặng gần 2 ký chỉ có giá bán… 50.000 đồng đã trở thành mặt hàng thu hút không ít đơn hàng đặt cùng lúc 5-6 con.
Song có lẽ vấn đề gặp thách thức hơn cả nằm ở việc vận chuyển hàng khi xe thiếu, giá thành vận chuyển tăng, thời gian vận chuyển dài do phải qua nhiều chốt kiểm tra… Anh Thái Mạnh Cường, một thành viên ban vận hàng, cho biết hàng từ nhà cung cấp giao đến kho hoặc đến bến xe, chành xe… có lúc nửa đêm, có lúc sáng sớm và nhân viên trực kho cũng như tài xế đi nhận hàng đều phải làm việc bất kể thời gian để có thể chuyển hàng về kho bãi và chuyển đến với người dùng nhanh nhất có thể. Khâu giao hàng cuối đến tay người mua càng không đơn giản.
“Chốt chặn ở khắp nơi, người mua thì ở trong nhà không biết tình hình rào chắn bên ngoài như thế nào để chỉ đường. Mỗi đơn hàng đến được tay khách hàng chúng tôi thường phải gọi ít nhất ba cuộc điện thoại, có khi phải chạy lòng vòng mất 40 phút để giao một đơn hàng trị giá 150.000 đồng”, anh Cường kể.
Tuy vậy, theo anh Cường, đội ngũ giao hàng luôn vui vẻ. “Mục đích cuối cùng là khách hàng có được thực phẩm để dùng trong những ngày giãn cách. Chúng tôi muốn gửi những hình ảnh ấm áp đến với họ. Những tin nhắn cảm ơn, những lời cầu chúc bình an họ gửi sau khi nhận được hàng là nguồn động viên, nguồn năng lượng để chúng tôi tiếp tục hành trình”, anh tâm sự.
Lan tỏa thông điệp kinh doanh tử tế
Một nét đặc biệt của chương trình thực phẩm lưu động được triển khai trong hoàn cảnh rất đặc thù của dịch bệnh là có sự tình nguyện hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe của Jio Health. Nhờ đó, đội ngũ giao nhận hàng được test nhanh Covid hàng tuần; đội ngũ tình nguyện viên, môi trường kho bãi và quy trình làm việc của từng khâu trong chuỗi hoạt động đều được tư vấn để cụ thể hóa an toàn 5K.
Chia sẻ với KTSG, ông Nguyễn Hoài Nam, CEO của Jio Health cho rằng, rất khác với chuỗi cung ứng truyền thống hầu như không có sự xuất hiện của y tế, trong bối cảnh đặc biệt hiện nay, cơ sở y tế cần thiết tham gia vào chuỗi cung ứng với vai trò xét nghiệm, tư vấn sức khỏe, an toàn phòng dịch cho các bộ phận logistics, chuỗi bán lẻ và đội ngũ giao nhận hàng, nhất là các shipper giao hàng đến tận tay người dùng.
Nói về sự đồng hành cùng chương trình thực phẩm bình ổn lưu động, ông Nam cho biết: “Chúng tôi đọc thấy chữ “tâm” và mục tiêu kinh doanh nhắm tới dân sinh (chứ không phải lợi nhuận) từ chương trình này.
Với tư cách đơn vị đồng hành, Jio Health mong muốn chung sức lan tỏa thông điệp “kinh doanh tử tế”, đồng thời hỗ trợ về mặt chăm sóc sức khỏe để đội ngũ của chương trình an tâm làm việc. Đây cũng là hoạt động để chúng tôi góp phần vào công cuộc chống dịch chung”.
Trong khi đó, đại diện của Cityland – đơn vị hỗ trợ các địa điểm tập kết hàng hóa, hỗ trợ phương tiện vận chuyển, một phần nguồn nhân lực, vật lực và kinh phí cho chương trình – cho biết họ cũng muốn được chung vai trong công cuộc đẩy lùi dịch bệnh, được chia sẻ khó khăn trong đời sống của người dân vào thời điểm chống dịch căng thẳng, nhất là tại các khu vực bị phong tỏa. Việc chọn tài trợ cho chương trình thực phẩm bình ổn lưu động là xuất phát từ “sự khâm phục những nỗ lực và hy sinh của các thành viên ban tổ chức”.
Thiết thực cho cả người bán lẫn người mua
Chính trong bối cảnh bất cân xứng mua bán sản phẩm thiết yếu khi cung thấp cầu cao, và trong lúc thị trường rộ lên nhiều thông tin về lối làm ăn “đục nước béo cò”, thông điệp “kinh doanh tử tế” của chương trình thực phẩm bình ổn lưu động đã nhanh chóng ghi điểm trong lòng những người được thụ hưởng.
Ở góc độ người mua hàng, chị Vy sống ở Bình Thạnh cho biết chị khá bất ngờ khi mua một vỉ 30 trứng gà với giá 85.000 đồng. “Ở ngoài chợ, người ta giành nhau mua một chục trứng giá 55.000 đồng. Kênh này bán rẻ quá nên tôi vừa mua trữ cho gia đình mình vừa mua thêm để hỗ trợ cho hai nhà hàng xóm khó khăn. Thật tuyệt vời!”.
Một khách hàng khác là anh Hải ở Nhà Bè, chia sẻ: “Tôi ở xa trung tâm, đặt mua thực phẩm không ai chịu giao. Tình cờ biết tới kênh này, tôi mua hàng mà thật sự xúc động vì đơn hàng của tôi chỉ hơn 200.000 đồng mà các bạn đi giao rất xa, lại nhanh chóng và còn không lấy phí vận chuyển. Rất thiết thực, rất cảm ơn!”.
Còn với chị Huỳnh ở quận 1, là khách hàng thường xuyên đặt nhiều đơn hàng cho đông đảo bạn đồng nghiệp, kênh này có vài mặt hàng giá nhỉnh hơn thị trường nhưng miễn phí giao hàng tận nhà nên khách hàng vẫn rất hài lòng. “Trong lúc hàng hóa khan hiếm, mua bán khó khăn, đi lại bị siết chặt và phí ship hàng nhìn chung khá cao thì đối với nhiều người, đây là chiếc phao cứu họ khỏi sự chới với trong chuyện tìm mua lương thực thực phẩm”, chị nói.
Một nhóm đối tượng được hưởng lợi nữa là các nhà cung cấp. Chị Lê Thị Minh Hiệp, Giám đốc Công ty Nấm Phạm Lê Nguyễn, chia sẻ: “Trang trại của chúng tôi ở tỉnh xa, nhân sự ít, lúc dịch ập đến trở tay không kịp với hàng lưu kho, may mà đã kết nối được với CLB Thị trường trong khâu tiêu thụ”. Chị Phan Nguyễn Thùy Trang trồng nhãn ở Bà Rịa-Vũng Tàu thì ấn tượng rằng chương trình tuy ở vị thế người giải cứu nhưng “không ép giá nông dân, thậm chí còn ra giá nhỉnh hơn mặt bằng thị trường, đủ để chúng tôi trang trải chi phí”.
Và trong cái nhìn của chị Lý Hồng Tiên ở Công ty Tân Hậu Giang, doanh nghiệp dành sự trân quý đối với một chương trình đã sử dụng đội quân tình nguyện trong hoàn cảnh làm việc nhọc nhằn để kịp thời hỗ trợ người bán lẫn người mua. Chị chia sẻ suy nghĩ: “Đây là việc không dễ dàng đối với người không chuyên cung cấp thực phẩm tươi sống, nhưng họ đã xông pha, ngay cả có thể nguy hiểm tính mạng nếu nhiễm bệnh. Nói là bán hàng nhưng nếu tính chênh lệch giá mua – giá bán thì rõ ràng không có lãi, thậm chí không đủ chi phí hoạt động. Đây chính là tâm huyết, là tấm lòng và công sức thì không thể đo đếm”.
Chương trình “Thực phẩm bình ổn lưu động” của CLB Thị trường nhận được sự đồng hành của Cityland, Jio Health, Thắng Lợi Group, Song Mỹ Group, Minh Phát plastic (tài trợ túi nylon tự phân hủy để đựng thực phẩm), Latido, BKScons, Winservice… Sau một tháng triển khai, tính tới trước ngày thực hiện Chỉ thị 16+, chương trình đã giao hàng an toàn, tiết kiệm đến khoảng 5.000 hộ gia đình; kết nối tiêu thụ hơn 50 tấn hàng hóa cho các doanh nghiệp/hộ nông dân từ Long An, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu…Từ nguồn thu của chương trình, CLB Thị trường đã mua bánh mì kết hợp sự ủng hộ của trà trái cây detox Abe, cà phê Vblend, nước chanh muối Bidrico, tiêu Bầu Mây trao tặng 6.000 phần quà đến các chiến sĩ trực chốt chống dịch. Chương trình cũng trích quỹ và cùng với doanh nghiệp Tân Hậu Giang, HTX Tân Long trao tặng 10 bình oxy cho chương trình Oxymap kết hợp với Hội Chữ thập đỏ phát động tại TPHCM.
Theo TBKTSG