Tại vùng ĐBSCL ngày càng xuất hiện nhiều công trình giao thông có quy mô lớn, đã xóa dần cảnh “qua sông phải lụy phà”, khoảng cách giữa các địa phương như gần lại bởi giao thông thông suốt. Từ cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận, cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, cầu Rạch Miễu đền cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh, cầu Cổ Chiên, cầu Mỹ Lợi...
Đặc biệt, từ đầu năm 2022, khi dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51km chính thức khánh thành đã tạo bức phá về giao thông đường bộ của khu vực và tình trạng ùn tắc giao thông triền miên trên quốc lộ 1 đoạn từ Tiền Giang- Vĩnh Long đã giảm rõ rệt.
Ông Phạm Nguyên Khang, giám đốc công ty TNHH Thép Minh Trang, tại xã Đạo Thạnh, Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Từ khi cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận hoàn thành, xe cộ chạy thông suốt, tránh trường hợp kẹt xe. Lúc trước đi đường quốc lộ 1 vừa bị kẹt vừa bị chậm trễ hàng hóa nữa. Từ khi có đường cao tốc rồi, người dân đi thoải mái, hàng hóa được lưu thông. Hướng tới khi cầu Mỹ Thuận 2 được khơi thông nữa thì kết nối cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận và Mỹ Thuận- Cần Thơ nữa thì khu vực ĐBSCL ngày càng phát triển hơn nữa”.
Bến Tre từng được xem là “ốc đảo” nay đã được xây dựng nhiều cây cầu bắc ngang sông Tiền, sông Hàm Luông và Cổ đã xóa cảnh qua phà nhiêu khê. Hiện nay, tỉnh còn được Chính phủ đầu tư cầu Rạch Miễu 2 và sẽ hoàn thành vào năm 2026 để khắc phục tình trạng quá tải tại cầu Rạch Miễu hiện hữu.
Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, tình hình kinh tế- XH của xứ dừa gần đây phát triển có phần đóng góp quan trọng từ các cây cầu do TW đầu tư: “Cầu Rạch Miễu rất hiệu quả, trong thời gian vừa rồi sự phát triển KTXH của tỉnh Bến Tre (nói riêng) và các tỉnh duyên hải phía Đông này cũng nhờ cây cầu Rạch Miễu và các cây cầu Hàm Luông, Cổ Chiên. Bến Tre sau khi có các cây cầu kinh tế xã hội phát triển rất rõ. Để khắc phục tình trạng xẹt xe hiện nay thì đã có cây cầu Rạch Miễu 2, chắc vài năm nữa khi hoàn thành cây cầu Rạch Miễu thứ 2 thì sẽ giải quyết vấn đề này”.
Tại tỉnh Vĩnh Long, sau gần 3 năm khởi công xây dựng đến nay, dự án cao tốc Mỹ Thuận Cần Thơ đang thi công khẩn trương ở giai đoạn cuối, dự kiến công trình sẽ được thông xe vào cuối năm nay. Trong quá trình thi công các nhà thầu đã động viên cán bộ, kỹ sư, công nhân tăng ca, tăng kíp để nâng hiệu suất lao động lên mức cao nhất. Thậm chí, có nhà thầu còn tăng ca từ 10 giờ/ngày lên 18 giờ/ngày, duy trì nhân công trên công trường 24/24. Nhờ tăng ca, tăng kíp của các nhà thầu, những hạng mục quan trọng của dự án đều đang đạt hiệu suất công việc tốt. Đây là công trình trọng điểm Quốc gia, sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ góp phần quan trọng trong thúc đẩy kinh tế cả khu vực cùng phát triển.
Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nêu rõ: “Các doanh nghiệp Vĩnh Long nói riêng và ĐBSCL nói chung khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa cũng như việc đi lại sinh hoạt. Việc đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận Cần Thơ có ý nghĩa sẽ làm cho điều kiện đi lại sinh hoạt của người dân. Cũng như việc phát triển sản xuất, vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp và người dân sẽ thuận lợi hơn, sẽ làm cho tốc độ phát triển của các tỉnh sẽ nhanh hơn”.
Những năm qua, Quốc Hội, Chính phủ rất quan tâm, ưu tiên đầu tư kinh phí để phát triển hạ tầng giao giao thông; gần đây có nhiều tuyến đường cao tốc được đầu tư xây dựng làm cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Trong giai đoạn 2016-2020, tổng số vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL hơn 65.000 tỷ đồng, chiếm 15,15% tổng vốn đầu tư thực hiện của cả nước. Riêng từ năm 2017 đến nay, Quốc hội, Chính phủ đã bố trí trên 10.600 tỷ đồng để triển khai các dự án: Cầu Mỹ Thuận 2, tuyến tránh TP. Long Xuyên, QL 57 Bến Tre và Vĩnh Long, QL 53 Trà Vinh - Long Toàn, QL 30 Cao Lãnh - Hồng Ngự, nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp.
Đến nay, vùng ĐBSCL đã hoàn thành và đưa vào khai thác 171 km cao tốc theo quy mô phân kỳ giai đoạn 1 (4 làn xe); 8 dự án đang được triển khai, bảo đảm cơ bản hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025, đưa vào khai thác trong năm 2026 với tổng chiều dài 463 km có tổng mức đầu tư khoảng 94,400 tỷ đồng. Như vậy, đến năm 2026, khu vực ĐBSCL sẽ có khoảng 554 km đường cao tốc. Theo kế hoạch vốn ngân sách Trung ương đầu tư cho hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL hiện nay tăng lên đến 86.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 14% so với cả nước, tăng gấp 2,6 lần so với giai đoạn 5 năm trước.
Hạ tầng giao thông đường bộ từng bước hoàn thiện và phát triển là động lực thúc đẩy kinh tế- xã hội vùng Châu thổ Cửu Long ngày càng đi lên. Trong 6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của vùng ĐBSCL đạt 5,47%, cao hơn mức tăng trưởng của cả nước (3,72%).
Đáng ghi nhận là tỉnh Hậu Giang dẫn đầu cả nước và trong vùng ĐBSCL khi đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 14,21%. Tỉnh Cà Mau đứng thứ 2 trong vùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế 8,61%. ĐBSCL là 1 trong 2 vùng kinh tế mà tất cả địa phương đều ghi nhận mức tăng trưởng dương. Đây là thành quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh khó khăn của tình hình suy thoái của nền kinh tế thế giới. Có thể nói “giao thông đi trước, kinh tế sẽ phát triển theo sau”; ĐBSCL xứng tầm là vựa lúa, trái cây và thủy sản lớn của cả nước.
Nhật Trường, Chanh Tuy/VOV-ĐBSCL