Đến thời điểm này, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bầu cử đã được các cấp, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị triển khai tích cực. Khi nhập quốc tịch Việt Nam, người dân rất phấn khởi tham gia bầu cử. Các ngành chức năng cũng phát huy hết trách nhiệm đảm bảo để người dân thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ bầu cử của mình.
Từ năm 2019, gia đình ông Hồ Văn Ven, ở thôn A Dơi Đớ, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa cũng như nhiều người ở đây được nhập quốc tịch Việt Nam. Sau khi nhập quốc tịch, ông Ven cũng như bà con được cấp đất, có thẻ bảo hiểm y tế, được thụ hưởng nhiều chế độ, chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Ông Hồ Văn Ven cho biết: “20 năm qua, tôi chưa tham gia bầu cử lần nào, nhưng năm nay, tôi rất phấn khởi và tự hào vì được nhập quốc tịch và cũng là lần đầu tiên cả thôn ở đây được bầu cử. Chúng tôi được chọn các cán bộ có khả năng, có năng lực để làm việc cho nhân dân, hướng dẫn nhân dân lao động, sản xuất để phát triển thêm cuộc sống của mình”.
Không riêng gì anh Ven, tại 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông, tỉnh Quảng Trị đã có 756/855 người Lào được nhập quốc tịch Việt Nam. Ai cũng vui khi lần đầu tiên được thực hiện quyền và nghĩa vụ của một cử tri Việt Nam.
Tại huyện miền núi Hướng Hóa, lực lượng cán bộ, chiến sĩ Biên phòng phối hợp với Phòng Tư pháp huyện Hướng Hóa, các cấp chính quyền, các ngành chức năng tăng tổ chức các buổi tuyên truyền đến tận thôn bản.
Trung tá Trần Đức Tứ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ba Tầng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết: “Đồn đã phối hợp chặt chẽ với địa phương tổ chức tập huấn cho các thành viên trong tổ bầu cử với các hình thức tuyên truyền thông qua họp dân, phát tờ rơi, tuyên truyền trên hệ thống loa của đơn vị và địa bàn. Chúng tôi cử lực lượng phối hợp với công an, quân sự xã tổ chức tuần tra lưu động trên địa bàn đảm bảo tốt nhất an ninh trật tự trước, trong và sau khi diễn ra bầu cử”.
Huyện miền núi Đakrông là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế còn khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, đồi núi hiểm trở nên việc tuyên truyền về bầu cử gặp không ít khó khăn.
Ông Thái Ngọc Châu, Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết, huyện đã triển khai nhiều hoạt động chuẩn bị cho công tác bầu cử, hiện đã thành lập các tổ bầu cử từ huyện đến cơ sở: “Trong thời gian vừa qua, có 96 cư dân tự do biên giới đã được nhập quốc tịch Việt Nam, trong đó, có 81 người trong độ tuổi đảm bảo quyền công dân đi bẩu cử theo luật pháp Việt Nam”.
Hiện nay, ngành Công an tỉnh Quảng Trị phối hợp chặt chẽ với các địa phương vùng biên giới tăng cường công tác quản lý hành chính dân cư biên giới, phục vụ công tác bầu cử. Lực lượng công an chú trọng công tác rà soát, quản lý tốt địa bàn vùng biên, tiếp tục phối hợp với Sở Tư pháp nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ nhập tịch. Với những người di cư tự do, các ngành chức năng tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung rà soát, lập danh sách cụ thể các trường hợp công dân là cử tri, phục vụ tốt công tác bầu cử tại địa phương.
Thượng tá Phạm Hồng Hải, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Quảng Trị cho biết: “Chúng tôi tham mưu vận dụng linh hoạt, hiệu quả các hình thức tổ chức bầu cư phù hợp với tình hình đặc điểm dân cư, địa bàn vùng biên góp phần giữ vững an ninh trật tự và thực hiện tốt chính sách đối với nhân dân vùng biên giới”./.
CTV Nguyên Bảo/VOV-Miền Trung