Những năm kháng chiến chống Mỹ, đồng chí Lê Quang Đạo được cấp trên tin tưởng cử làm Chính ủy nhiều chiến dịch nóng bỏng như: Đường 9-Khe Sanh 1968, Đường 9-Nam Lào 1971, Chiến dịch Quảng Trị 1972…Tuy ở cách xa gia đình hàng nghìn cây số, nhưng chỉ cần có thời gian rảnh rỗi dù rất ít ỏi, ông sẽ viết thư về nhà. Ngược lại hằng tuần, ông cũng sẽ đều đặn nhận được thư của vợ. Khoảng cách địa lý và bom đạn chiến tranh đã không thể chia cắt tình yêu đẹp và cuộc sống hạnh phúc, đong đầy yêu thương của họ.
Cục trưởng Cục Tuyên huấn Lê Quang Đạo (bên phải) trong lần tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Bảo tàng Lịch sử Quân sự, năm 1958. Ảnh tư liệu |
Đồng chí Lê Quang Đạo (tên thật là Nguyễn Đức Nguyện) và bà Nguyễn Thị Nguyệt Tú (con gái lớn của danh họa Nguyễn Phan Chánh) gặp nhau lần đầu tiên vào một ngày thu năm 1946 tại Hà Nội. Khi đó, ông đang là Bí thư Thành ủy Hà Nội, còn bà là cán bộ phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh ra Hà Nội, đến báo cáo công tác với đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội. Từ mối quan hệ công việc, thường xuyên gặp mặt trong nhiều sự kiện, hai người dần nhận ra tình cảm dành cho nhau.
Đồng chí Lê Quang Đạo và nhà văn Nguyệt Tú thời trẻ. |
“Tháng 9-1948, nhân bữa cơm tiễn đoàn cán bộ Trung ương do anh Lê Đức Thọ dẫn đầu vào Nam công tác, đám cưới của chúng tôi cũng diễn ra. Hội chị em đi tìm những bông hoa rừng được hái về làm hoa cưới. Chú rể vẫn mặc bộ quần áo nâu thường ngày. Cô dâu quấn đuôi sam, mặc chiếc áo nâu, quần lụa đen mượn được của bạn do hành lý bị thất lạc sau đợt tấn công lên chiến khu Việt Bắc của thực dân Pháp cuối năm 1947. Trong đám cưới, anh Đạo hát bài “Cây trúc xinh” đúng chất quan họ Bắc Ninh quê anh rất hay!’-bà Nguyệt Tú nhớ lại.
Gia đình Trung tướng Lê Quang Đạo. Ảnh tư liệu |
Chuyện của ông bà, ngoài tình yêu, nghĩa vợ chồng, còn có cả tình đồng chí. Thời gian ông ra trận, là những tháng ngày bà thấp thỏm, âu lo nhưng luôn tinh tế giấu đi điều thầm kín ấy mà hết lòng động viên chồng yên tâm làm nhiệm vụ.
Theo lời kể của nữ nhà văn, tháng 12-1967, đồng chí Lê Quang Đạo nhận nhiệm vụ chuẩn bị đi chiến dịch Đường 9-Khe Sanh. Dù lúc đó ông không nói cụ thể là đi đâu nhưng khi chuẩn bị hành trang cho chồng, thấy có võng dù, chăn chiên, dép cao su… bà đã biết ông sẽ đi B. Bà lẳng lặng đi mua thêm một số đồ dùng thiết yếu, trong đó có đôi bốt màu xanh do Đức sản xuất nhét vào balo mà lúc vào tới chiến trường ông mới biết. Lá thư đầu tiên gửi về tới nhà, ông nhỏ nhẹ góp ý: “Việc chuẩn bị ở nhà như thế là tốt, nhưng có thứ không hợp với anh như đôi bốt màu xanh, cái áo mưa thì đỏ quá. Để khỏi bị chú ý quá nhiều, anh liền đi dép và khoác áo mưa nilông như mọi người. Vậy mà chiến sĩ ta tinh lắm, vẫn đoán được anh là một cán bộ chỉ huy”.
Ở tuổi ngoài 90, sự sắc sảo và trí nhớ mẫn tiệp của nữ nhà văn vẫn khiến người đối diện không khỏi khâm phục. Và điều đặc biệt là trong mỗi câu chuyện kể, luôn thấy bóng dáng của Trung tướng Lê Quang Đạo cùng tình cảm thủy chung son sắc bà dành cho chồng, cho dù ông đã rời xa cõi tạm hơn 20 năm. Bà kể: “Thời kỳ kháng chiến, gia đình tôi xa nhau biền biệt. Trong thư gửi về nhà, những chuyện gian khổ ác liệt anh ít kể nhưng sau này tôi cũng được biết, vào chiến trường, anh không ít lần bị trúng bom nhưng may mắn không sao. Nhớ lá thư anh viết ngày 23-1-1968, tôi đọc mà không hề biết mấy hôm trước anh Đạo và các đồng chí vừa thoát chết. Hồi đó, Mặt trận Đường 9-Khe Sanh kéo dài, ta quyết tâm vây hãm Tà Cơn. Mỹ hoàn toàn không biết đây là một chiến dịch nghi binh. Về phía ta, ngoài Tư lệnh và Chính ủy chiến dịch, không ai biết nhiệm vụ chiến lược thực chất của Mặt trận Đường 9-Khe Sanh là thu hút và giam chân càng nhiều lực lượng tinh nhuệ của Mỹ càng tốt, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam. Sau này, anh Đạo nói với tôi: “Khe Sanh, đó là một đòn nghi binh chiến lược”.
Chính ủy Lê Quang Đạo (giữa) tại Quảng Trị năm 1972. |
Đầu năm 1972, Mỹ leo thang ném bom trở lại Hà Nội, Hải Phòng. Đến giữa năm đó, ta vừa giải phóng Quảng Trị thì kẻ thù lại đưa quân ồ ạt phản công tái chiếm. Đồng chí Lê Quang Đạo lại được phân công làm Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận. Khoảng thời gian này được ông kể lại khá chi tiết trong cuốn nhật ký mà dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (1921-2021), nhà văn Nguyệt Tú và các con đã dày công biên soạn, tổ chức xuất bản. Nhật ký viết:
Ngày 25-7 (1972): Hôm nay địch liên tiếp mở các đợt tấn công vào thành Quảng Trị. Tin Thùy báo cáo lúc 20 giờ địch đã chiếm làng Tri Bưu, ta không còn sức phản kích lấy lại... Địch đã ở sát đông bắc, đông và nam thành. Rất lo. Hội ý Bộ tư lệnh đề ra các biện pháp cấp bách để đối phó với tình hình.
Ngày 11-8: Được tin tình hình gay go, địch chiếm đầu cầu Quảng Trị, chiếm chùa Bà Năm, tiến đến góc đông nam thành 50m. Chiếm một số điểm ở tây thôn Thạch Hãn...
Ngày 27-8: Hết hôm nay là vừa tròn 2 tháng đánh địch phản công ra Quảng Trị. Ta đã đánh cho địch thiệt hại nặng cả 2 sư đoàn thủy quân lục chiến và dù, giữ được thị xã Quảng Trị, La Vang... Nhưng nhìn chung chưa thực hiện được kế hoạch, chưa có chuyển biến gì đáng kể. Sức bộ đội ta vẫn bị giảm đi. Hà Nội thì đang giục và nay mùa khô ở đây sắp hết, mưa đến nơi rồi.
11 đến 14-9: Mấy ngày nay tình hình lại gay go. Bộ đội bảo vệ thành chiến đấu cực kỳ anh dũng, pháo binh ta chi viện rất đắc lực. Hy vọng giữ vững được thị xã Quảng Trị rất mong manh. Vì tấn công không được, chỉ phòng ngự, chống giữ một cách bị động thì rất khó…
Từ những trang nhật ký của Chính ủy Lê Quang Đạo, thì giờ phút căng thẳng, diễn biến liên tục ở chiến trường Quảng Trị kéo dài cho đến chiều 15-9-1972. Lúc này, địch đã vào trong Thành cổ ở góc đông nam và uy hiếp sát cả 3 mặt thành, chỉ còn phía tây thành, nhưng địch cũng đang cố tiến lên để bao vây, bịt đường rút của ta. Rất may, bộ đội ta đã được lệnh rút ra cơ bản, chỉ còn một số ổ chiến đấu chưa biết tin vẫn ở lại. 81 ngày bom đạn ác liệt, Chính ủy Lê Quang Đạo và đồng đội đã chiến đấu hết sức anh dũng, làm tròn nhiệm vụ, xứng đáng với chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Sau này, ông kể cho vợ: “Thực ra thị xã Quảng Trị bấy giờ đã chẳng còn gì, tan nát hết. Trước khi bộ đội ta rút đi, ta cũng chỉ còn giữ Thành cổ, khu vực phía tây và một phần khu vực phía nam thành, tất cả chỉ hơn 0,5km2. Do yêu cầu chính trị phải giữ như vậy một thời gian. Tiếp tục giữ thì thương vong của ta hằng ngày khá cao nhưng cũng không cần thiết phải giữ nữa. Quân Giải phóng đã làm tốt nhiệm vụ trên giao. Và Chính ủy Lê Quang Đạo luôn tự hào về những chiến sĩ của mình. Họ đã kiên trì chịu đựng bom đạn tập trung ở mức độ "khủng khiếp" với tư tưởng, tình cảm không hề dao động, giành và giữ đến cùng từng bức tường thành cho đến phút nhận lệnh rút đi!”.
Nhà văn Nguyệt Tú (bên phải) và nhà văn Mỹ Lady Borton, năm 2019. Ảnh: TUẤN TÚ |
Cuối tháng 10-1972, đồng chí Lê Quang Đạo lên đường về Hà Nội nhận nhiệm vụ mới. Từ đây, thời gian xa nhà đi chiến đấu không còn thường xuyên nhưng việc quân vẫn níu chân ông. Vợ xa chồng, con xa cha vẫn là “chuyện cơm bữa”. Phải đến khi kết thúc chiến tranh, ông bà mới có điều kiện ở gần nhau hơn, cùng nuôi dạy con cái trưởng thành. Khi nhà văn Nguyệt Tú làm Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ, lo vợ thiếu kinh nghiệm trong công tác quản lý nên trong những bữa ăn, ông tranh thủ trao đổi kinh nghiệm công tác cán bộ với vợ. Ông phân tích, dặn dò nhiều đến nỗi chính bà còn phải nhắc “không nói chuyện chính trị trong bữa ăn”. Khi bà được nghỉ công tác theo chế độ, ông vẫn làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, để vợ vơi bớt cảm giác hụt hẫng, ông động viên bà viết báo, làm sách. Bà cười kể, nhiều khi tác phẩm của mình xuất bản, ông Đạo còn vui hơn cả tác giả. “Tôi và anh Đạo cùng lớn lên trong môi trường học sinh, cùng đi hoạt động cách mạng, cùng thích thơ văn. Ngoài tình yêu chân thành, thì sự kiên nhẫn, bao dung và thấu hiểu lẫn nhau đã giúp chúng tôi có những ngày hạnh phúc như thế!”-Nhà văn Nguyệt Tú cho biết.
Nguồn QĐND