Sáng 29/2, Tổng Cục Thống kê công bố báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2024. Với sự khởi đầu tốt của nền kinh tế khi cả ba chân kiềng tăng trưởng quan trọng (là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng) đều đang bật tăng mạnh mẽ, cho thấy những tín hiệu tích cực, triển vọng tươi sáng của kinh tế Việt Nam năm 2024 - năm tăng tốc, bứt phá và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thành công Kế hoạch 5 năm 2021- 2025. Tuy nhiên, để kinh tế tăng trưởng gắn với ổn định vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Hàng loạt các công trình, dự án trọng điểm được tăng tốc thi công với tinh thần chủ động "chạy đua với thời gian”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, làm việc “3 ca 4 kíp”, “xuyên lễ, xuyên Tết”, không để tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm tất tả”. Nhờ thế mà ngay sau khi Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công năm 2024, đến nay các bộ, ngành, địa phương đã phân bổ chi tiết được gần 97%.
Với quyết tâm “tiêu hết tiền” đầu tư công của năm nay một cách hiệu quả, các dự án quan trọng quốc gia, có tính lan tỏa, liên kết vùng, với tổng số hơn 688 nghìn tỷ đồng sẽ không chỉ góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu, mà đây còn là nguồn vốn mồi dẫn dắt, thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, động lực quan trọng hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng.
Nhiều đơn hàng xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chủ lực cũng đã trở lại, đưa chỉ số sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo và kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh, ở mức “2 con số”. Trong đó có hàng chục mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng lên tới “3 con số” trong 2 tháng đầu năm. Các sản phẩm mang giá trị “tỷ đô” như điện thoại, máy tính đã lấy lại vị trí số 1 trong các nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất cả nước. Dệt may, da giày và đồ gỗ cũng đã cho những tín hiệu tăng trưởng mạnh mẽ!
Nông nghiệp tiếp tục vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, vừa đảm bảo an ninh lương thực, đa dạng chuỗi thực phẩm phục vụ nhu cầu trong nước, vừa góp phần vào tăng trưởng xuất khẩu, xuất siêu. Nhiều mặt hàng nông sản vẫn giữ được vị trí "top" đầu trong xuất khẩu trên thế giới như cà phê, lúa gạo, hạt điều… Trái thanh long, sầu riêng… tiếp tục cho giá trị gia tăng cao nhờ xuất khẩu chính ngạch và dần khẳng định thương hiệu “tỷ đô”, hứa hẹn cho ngành hàng rau quả Việt Nam có khả năng lập đỉnh mới, vượt qua con số 6 tỷ đô la kim ngạch xuất khẩu trong năm nay.
Thị trường các nhân tố sản xuất, bất động sản, du lịch, dịch vụ gia tăng. Cùng với hơn 13 nghìn doanh nghiệp gia nhập thị trường mỗi tháng, cho thấy niềm tin kinh doanh đã quay trở lại. Các cam kết cắt giảm điều kiện kinh doanh mạnh mẽ thông qua các Nghị quyết đầu năm của Chính phủ cho thấy những tín hiệu hết sức tích cực của nền kinh tế. Với những dự báo tăng trưởng cao của các tổ chức quốc tế và chuyên gia, niềm tin vào một năm 2024 nhiều khởi sắc là hoàn toàn có cơ sở.!
Thế nhưng, làm sao để tăng trưởng gắn với ổn định vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế?! Làm sao để thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng?!
Trước các biến động khó lường của tình hình thế giới, rất cần sự chủ động, chuẩn bị các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước định giá, tránh điều hành giật cục, bị động. Lạm phát thấp so với mục tiêu là dư địa để điều hành chính sách. Kiểm soát làm phát quá mức sẽ kìm chế cơ hội tăng trưởng, thậm chí làm mất đi cơ hội đưa giá nhiều mặt hàng theo quy luật của thị trường.
"Niềm tin đã trở lại nhưng cần vun đắp". Đó là khuyến nghị của cộng đồng doanh nghiệp tới các cấp quản lý. Chỉ có như vậy, tăng trưởng mới tiếp tục bứt tốc theo từng tháng, từng quý, để trái ngọt cả năm 2024 - tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 6%-6,5% như Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đã đề ra!.