Trong bối cảnh Covid-19 tác động đa chiều, đợt dịch thứ 4 bùng phát, một số khu công nghiệp-khu chế xuất bị phong tỏa-cách ly, đe dọa đứt gãy chuỗi cung ứng… cơ quan thống kê quốc gia công bố những chỉ số kinh tế tháng 5 và 5 tháng đầu năm với nhiều điểm sáng, tạo ra luồng thông tin trái chiều trong dư luận: đồng thuận và băn khoăn. Nên nhìn nhận những con số thống kê mới theo chiều hướng nào là hợp lý? Quan trọng, động lực nào cho toàn nền kinh tế khi chúng ta không thể xác định điểm dừng của đại dịch?
Cách đây 2 tháng, ngay sau khi có số liệu thống kê tình hình kinh tế Quý 1 với GDP ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ 2020, các chuyên gia khuyến nghị: “Nỗ lực kéo giảm sự lây lan của dịch bệnh; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; nâng cao chất lượng bộ máy quản lý nhà nước… là những giải pháp cần tiếp tục quan tâm, đặc biệt từ cấp địa phương - trên tinh thần tôn trọng các xu thế mới, tôn trọng thị trường nhiều hơn và đặt người dân vào trung tâm. Có như vậy, kinh tế đất nước mới sớm phục hồi và phục hồi bền vững sau đại dịch”.
Điều này có dần hiện hữu trong thực tế hay không, khi mà đợt dịch thứ 4 bất ngờ bùng phát - “đánh thẳng vào 1 số mắt xích quan trọng của nền kinh tế?”
Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Duy Bình cho rằng: “Quan điểm này vẫn còn nguyên giá trị. Những chỉ số duy trì được kinh tế vĩ mô, cơ bản lạm phát thấp so với các năm trước; thu chi ngân sách, cán cân thương mại, cán cân thanh toán, dự trữ ngoại tệ và những chỉ số cân đối lớn ở tầm vĩ mô chúng ta cũng đã duy trì được, đặc biệt là chỉ số sản xuất công nghiệp duy trì được 2 con số - là mức cao hơn so với các năm trước. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân vẫn mạnh trong bối cảnh khó khăn… khẳng định khống chế được dịch bệnh trong khoảng 4 tháng đầu năm đã có tác dụng tốt với sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế”.
Khẳng định nỗ lực từ tầm vĩ mô cùng khả năng thích ứng với tình hình thực tiễn đã và đang mang lại những tín hiệu tích cực cho toàn nền kinh tế giai đoạn tới, chuyên gia Lê Duy Bình lo ngại nguy cơ mất cân đối vĩ mô và tăng lạm phát, khi giá cả 1 số mặt hàng tiêu dùng và nguyên-nhiên, vật liệu vẫn thay đổi theo chiều hướng tăng.
Theo quy luật thông thường, những yếu tố mất cân đối này sẽ tác động ảnh hưởng đến đời sống người dân, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của giới doanh nhân-doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực ngành nghề và tác động thay đổi kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công – một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Chưa kể, chính sách tiền tệ-chính sách tài khóa cũng còn ít dư địa sau khi dốc lực cho các hoạt động phòng, chống dịch.
“Kinh tế Việt Nam đã trải qua 5 tháng đầu năm tương đối lạc quan. Xuất khẩu tăng trưởng so với cùng kỳ, ngoại thương duy trì được sự tăng trưởng, công ăn việc làm được phục hồi, GDP tiếp tục tăng trưởng. Thế nhưng từ nay đến cuối năm tình hình sẽ đi về đâu là điều rất khó lường. Chúng ta vẫn có thế mạnh trong xuất khẩu. Nhiều thị trường trên thế giới đang bị tác động mạnh bởi dịch bệnh nhưng rất nhiều nhu cầu hàng hóa đặc biệt là hàng nông sản, tiêu dùng vẫn cao, mà chúng ta mạnh về nông sản, tiêu dùng, điện tử… cần tiếp tục phát triển trong những tháng tới. Tuy nhiên, phải kiểm soát được dịch bệnh thì mới phát triển được” - TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế khẳng định.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Huân – Chủ tịch HĐQT Công ty Halcom Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân tư nhân Việt Nam nhìn nhận: “Nước nào bị ảnh hưởng nặng nề thì chuỗi cung ứng sẽ chuyển hướng sang các nước ổn định. Chúng ta đang xử lý tốt trong khi toàn cầu bị ảnh hưởng nặng. Tất nhiên trong trường hợp này chúng ta không thể lấy những bất lợi của đối tác thành thuận lợi của mình, nhưng rõ ràng cần phân tích tình hình để nắm bắt cơ hội. Về lâu dài có lẽ dịch không chỉ dừng ở đây, và những thắng lợi trong năm qua hoặc 5 tháng vừa rồi, chưa chắc đã là bài học tốt nhất cho thời gian tới.
Những tín hiệu phát triển kinh tế Việt Nam là đáng mừng, quan trọng là phải duy trì được nhịp. Chỉ cần phòng chống dịch không tốt, các hệ lụy khác sẽ nảy sinh. Ứng phó mệt hơn rất nhiều so với việc đoán trước, chuẩn bị trước để không phải chạy theo ngăn chặn”.
Không đơn thuần nhìn nhận động lực từ những con số thống kê, trong bối cảnh nguồn lực không dư dả, khó khăn bộn bề do dịch bệnh gây ra, PGS TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, niềm tin cùng sự nỗ lực trong doanh nhân-doanh nghiệp và sự đồng thuận của người dân chính là tín hiệu cộng hưởng - là động lực cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn đầy khó khăn phía trước.
PGS TS Phạm Thế Anh khuyến nghị: “Thực hiện mục tiêu kép, tôi cho rằng vai trò của chính sách vĩ mô quan trọng. Bởi vì đối với doanh nghiệp các yếu tố khách quan họ không thể kiểm soát được. Chính sách vĩ mô nếu không làm tốt, gây ra những bất ổn về bong bóng giá tài sản hay lạm phát, khả năng hồi phục nền kinh tế sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Trong mọi tình huống cần phải giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, giữ được môi trường lạm phát và lãi suất thấp. Thứ hai nữa là tiếp tục đẩy nhanh cải cách môi trường kinh doanh để khi bệnh dịch gần chấm dứt hoặc chấm dứt hoàn toàn sẽ tạo đà hồi phục nhanh cho khu vực doanh nghiệp”.
Nhìn nhận khách quan về những giải pháp đang được đốc thúc triển khai nhằm hỗ trợ nền kinh tế, ngay từ cấp bộ, ngành, tỉnh, thành, nhiều chuyên gia cho rằng, không nên triển khai hỗ trợ đồng loạt. Cần khoanh vùng - xác định rõ những đối tượng cần được hỗ trợ: đó là người lao động và các doanh nghiệp, nhưng nên là những doanh nghiệp đang duy trì được hoạt động - đang tạo ra được việc làm và góp phần đảm bảo đời sống vật chất cho người lao động”./.
Thu Trang/VOV1