Quốc hội thống nhất giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, trong các trường hợp chống dịch cấp bách Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được quyết định áp dụng biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết. Đồng thời, tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch COVID-19.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng có thể đưa các biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc và sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất.
Tiêm vắc xin cho người cao tuổi tại Trung tâm Y tế Quận 3 TPHCM. Ảnh: Bộ Y tế
Đối với việc mua sắm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có thể quyết định số lượng sẽ cao hơn so với nhu cầu thực tế nhằm dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh. Tuy nhiên phải có giải pháp không để xảy ra tiêu cực, hạn chế tối đa lãng phí trong hoạt động này.
Ngoài ra, Quốc hội cho phép chuyển nguồn 1.237 tỷ đồng kinh phí chi sự nghiệp y tế còn lại năm 2020 của Bộ Y tế để mua vaccine phòng dịch COVID-19 và quyết toán vào chi ngân sách Nhà nước năm 2021...
Tất các các nội dung thông qua trong Nghị quyết của kỳ họp thứ nhất sẽ được triển khai cho đến cuối năm 2022. Trong đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải báo cáo nội dung thực hiện trong các kỳ họp gần nhất.
Có thể thấy, với tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp và có khả năng còn kéo dài, việc giao quyền quyết định tổ chức, thực hiện cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có thể mang lại nhiều lợi ích trong việc đưa ra các biện pháp chống dịch cấp bách.
Việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm không cần phải báo cáo tình hình, trình Quốc hội xem xét, thảo luận, phê duyệt,... có thể rút ngắn thời gian báo cáo, triển khai được các biện pháp phù hợp với thực tế.
Đặc biệt, các quyết định được thực hiện đặc cách cũng sẽ tiết kiệm thời gian hơn cho công tác phòng, chống dịch. Trong thời gian Quốc hội không họp, nếu cần ban hành các quy định ngoài luật Chính phủ chỉ cần báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục.
Tính “đặc biệt” này sẽ được thể hiện qua những nội dung làm việc giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các Bộ, ngành và địa phương. Trong đó, người đứng đầu Chính phủ thể hiện quyết tâm trong công cuộc chống COVID-19 một cách cao nhất. Hơn thế nữa, quyền quyết định, tổ chức thực hiện của người đứng đầu Chính phủ sẽ được bộc phát cao hơn trong bối cảnh cấp thiết.
Bình luận về vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Đáng - Học viện CTQG Hồ Chí Minh cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực không để tình huống tương tự diễn ra trên phạm vi toàn quốc.
"Tình hình gần đây cho thấy, thay vì chỉ hệ thống công quyền gồng mình ứng phó dịch bệnh, chúng ta đã nhanh chóng chuyển sang phương châm “chính quyền và nhân dân” cùng phòng chống đại dịch. Phương châm này cũng thể hiện rõ trong Nghị quyết mới đây của Quốc hội khi cho phép chính phủ “huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng, chống dịch Covid-19” để tạo nên một sức mạnh tổng hợp, nhằm đẩy lùi dịch bệnh". - TS. Nguyễn Văn Đáng nói.
Đúng vậy, trong bối cảnh hiện tại, tính cấp bách để đưa ra các quyết định và tổ chức thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 là cực kỳ thiết yếu. Bởi, giai đoạn này cần nhiều hơn nữa các giải pháp mang tính chiến lược, sớm đưa COVID-19 vào vòng kiểm soát. Trong đó, người đứng đầu Chính phủ chủ động, linh hoạt triển khai các nội dung đề ra.
Rõ ràng, thời gian qua vai trò của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được phát huy có hiệu quả rất rõ rệt. Các nội dung kết luận tại các cuộc họp luôn được triển khai nhanh chóng, các biện pháp thực hiện cũng được áp dụng ngay sau khi được quyết định.
Để các biện pháp đi vào thực tế có hiệu quả, Thủ tướng đã sát cánh cùng với địa phương trong việc tháo gỡ những vướng mắc, kịp thời tăng cường hỗ trợ, kêu gọi, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương hỗ trợ lẫn nhau. Do đó, việc trao đặc quyền tăng cường chống dịch cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng thời cũng đã công nhận những thành quả, nỗ lực của đơn vị trong suốt thời gian qua.
Từ những quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhân dân có thể đặt niềm tin vào việc xoay chuyển tình thế chống dịch, “chủ động tấn công” đưa dịch bệnh vào tầm kiểm soát như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã từng nói. Tinh thần tự quyết, tinh trần trách nhiệm cũng sẽ tích cự thúc đẩy lực lượng thực thi các quyết định, biện pháp làm việc cống hiến, tích cực.
Một Chính phủ quyết liệt sẽ đưa công cuộc chống COVID-19 về đến hồi kết như mong đợi. Khi trách nhiệm được giao về đúng nơi, đúng người hiển nhiên quá trình thực hiện, triển khai có hiệu quả là tất yêu, là yếu tố quyết định thắng lợi trong “cuộc chiến trường kỳ”.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện “đặc quyền” của mình, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng cần quản lý chặt chẽ các hoạt động được tiển khai. Trong đó, chú trọng đến quyền lợi của nhân dân, bài trừ tiêu cực trong việc giải ngân, mua sắm vật tư y tế, thuốc men, cơ sở vật chất,... Tránh huệ lụy từ việc ban hành các quy định chống chéo, gây khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch tại các địa phương./.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp