Thời gian qua, mặc dù chịu tác động phức tạp của dịch bệnh Covid-19, lo cho cuộc sống và sức khỏe, nhưng cử tri cả nước đã nô nức đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 với niềm tin và hy vọng lớn lao. Với tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao, đạt trên 99%, kết quả cuộc bầu cử đã minh chứng cho sự thống nhất giữa ý Đảng và lòng dân đúng như tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Cử tri cả nước đã sáng suốt lựa chọn bầu được 499 đại biểu xứng đáng, tiêu biểu, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Sau nhiều ngày trông đợi, hôm nay, cử tri cả nước phấn khởi hướng về Ba Đình để chứng kiến kỳ họp đầu tiên, kỳ họp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đặt nền móng cho hoạt động của Quốc hội khóa XV với tinh thần mới, mong muốn và khát vọng mới. Ngoài những nội dung xem xét, thảo luận các báo cáo về kinh tế - xã hội và quyết định một số vấn đề quan trọng khác, trong kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ tiến hành bầu, phê chuẩn kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước.
Cử tri cả nước trông đợi những đại biểu được bầu kiện toàn tại kỳ họp thứ nhất tiếp tục thúc đẩy sự phát triển đất nước lên tầm cao mới, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế xây dựng đời sống văn hóa con người mới, vì tiến bộ công bằng và văn minh; tiếp tục thực hiện những mục tiêu cơ bản mà Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nêu ra.
Thứ nhất, mọi chính sách, pháp luật do Quốc hội xây dựng phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện quan điểm “dân là gốc", thực hiện đúng phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".
Trong nhiệm kỳ qua, công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XIV đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng với 72 luật, 135 nghị quyết được ban hành; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết. Nhiều đạo luật kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, đang có tác động tích cực tới mọi mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, cử tri cả nước vẫn trông đợi Quốc hội khóa XV tiếp tục đưa ra những quyết sách mới, quan trọng để đẩy nhanh hơn nữa sự phát triển đất nước và tăng cường tiềm lực, vị thế quốc tế của nước ta.
Thứ hai, “lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”. Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân”. “Trong chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu đặc biệt quan trọng. Liên tiếp trong 4 năm, từ năm 2016 - 2019, Việt Nam đứng trong top 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Đặc biệt, năm 2020, trong khi phần lớn các nước có mức tăng trưởng âm hoặc đi vào trạng thái suy thoái do tác động của đại dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương 2,91%, góp phần làm cho GDP trong 5 năm qua tăng trung bình 5,9 %/năm, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.
Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên, nếu như năm 1989 mới đạt 6,3 tỷ USD/năm thì đến năm 2020 đã đạt khoảng 343 tỷ USD/năm. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt, năm 1985 bình quân thu nhập đầu người mới đạt 159 USD/năm, thì đến năm 2020 đạt khoảng 3.500 USD/năm. Các cân đối lớn của nền kinh tế về tích luỹ - tiêu dùng, tiết kiệm - đầu tư, năng lượng, lương thực, lao động - việc làm… tiếp tục được bảo đảm, góp phần củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô.
Tỷ lệ nghèo giảm mạnh từ hơn 70% xuống còn dưới 6%, với hơn 45 triệu người thoát nghèo trong giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2019. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2020 được xếp thứ 42/131 nước, đứng đầu nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập. Xếp hạng về phát triển bền vững của Việt Nam đã tăng từ thứ 88 năm 2016 lên thứ 49 năm 2020, cao hơn nhiều so với các nước có cùng trình độ phát triển kinh tế. Xếp hạng về phát triển bền vững của Việt Nam đã tăng từ thứ 88 năm 2016 lên thứ 49 năm 2020, cao hơn nhiều so với các nước có cùng trình độ phát triển kinh tế.
Cử tri cả nước trông đợi Quốc hội khóa XV tiếp tục đưa ra những quyết sách chiến lược mới để thúc đẩy sự phát triển đất nước lên tầm cao mới, hiện thực hóa khát vọng của dân tộc ta là đến “năm 2025: là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030: là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến 2045: trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.
Mặc dù, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, nhưng cử tri cả nước đang thể hiện sự đồng lòng nhất trí và trông đợi những quyết sách của Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV!
Quang Đặng