Những chính sách hỗ trợ đồng bộ, toàn diện của Nghị quyết 39/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đã góp phần đưa nông nghiệp Ninh Bình chuyển sang giai đoạn mới với tiêu chí sản xuất hàng hóa, công nghệ cao cùng các hình thức liên kết, tổ chức sản xuất hiệu quả, bền vững.
Có nhiều tiềm năng, lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu, Ninh Bình xác định mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, thông minh, với các sản phẩm đặc hữu để phục vụ tiêu dùng nội tỉnh và phát triển du lịch.
Thực tế thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách quan trọng, là đòn bẩy thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng này, trong đó có Nghị quyết số 39/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững đến năm 2020.
Sau 2 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết, hơn 200 mô hình, dự án, nhiệm vụ đã được đầu tư thực hiện, trọng tâm là xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn vệ sinh thực phẩm, cơ giới hóa… đã tác động, làm thay đổi căn bản, mạnh mẽ ngành nông nghiệp tỉnh nhà.
Trên lĩnh vực trồng trọt, từ năm 2019, do áp dụng các chính sách của Nghị quyết 39, các vùng lúa đặc sản nếp Cau quy mô lớn liên tục được mở rộng, tổng diện tích đến nay đạt trên 2.000 ha. Đặc biệt, tỉnh ta đã xây dựng thành công các mô hình 300 ha sản xuất lúa theo hướng hữu cơ.
Từ hạt nhân là 21 mô hình, dự án được hỗ trợ, Ninh Bình cũng đã hình thành, phát triển được các vùng sản xuất rau, củ, quả hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn thực phẩm tại huyện Yên Khánh, Yên Mô, Gia Viễn, thành phố Tam Điệp, thành phố Ninh Bình với nhiều gia trại, trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác đang sản xuất rau an toàn hoặc theo tiêu chuẩn GAP, có truy xuất nguồn gốc.
Diện tích sản xuất rau năm sau cao hơn năm trước; đặc biệt giá trị kinh tế và thị trường tiêu thụ của các vùng sản xuất rau này khá cao và ổn định.
Là một đơn vị có truyền thống thâm canh rau màu, đặc biệt là rau vụ đông, HTX Liên Dương, xã Khánh Dương, huyện Yên Mô được thụ hưởng dự án đầu tư hệ thống tưới tự động theo Nghị quyết 39.
Ông Đinh Xuân Phương, Phó Giám đốc HTX phấn khởi cho biết: Trước kia, bà con phải gánh nước tưới rau rất vất vả. Từ khi được Nhà nước đầu tư 2 trạm bơm và hệ thống tưới tự động công nghệ cao thì chỉ cần một thao tác nhỏ, trong 1 tiếng đồng hồ, cả 10 ha rau màu đã được tưới xong.
Do đó, ngoài việc tiết kiệm công lao động, năng suất, chất lượng nông sản cũng tăng lên. Ngoài ra, chúng tôi còn được cán bộ kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn sản xuất theo hướng an toàn, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học nên rau của HTX đảm bảo được các yêu cầu nghiêm ngặt từ phía đơn vị xuất khẩu.
Nếu như năm 2018, giá trị vụ đông của HTX là 145 triệu đồng/ha thì năm 2019 đạt tới 200 triệu đồng/ha, riêng năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên sản phẩm chỉ tiêu thụ nội vùng, giá trị giảm đi đôi chút nhưng nhìn chung hiệu quả vẫn khá cao.
Mô hình trồng rau trong nhà lưới ở thị trấn Yên Thịnh (Yên Mô). Ảnh: Báo Ninh Bình
Trong chăn nuôi, Nghị quyết 39 cũng tạo động lực, giúp hình thành nhiều vùng, cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn theo chuỗi giá trị như: Gà đẻ trứng ứng dụng công nghệ cao ở xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp; chuỗi giá trị gà lai Đông Tảo 20 nghìn con/năm ở xã Đồng Phong, huyện Nho Quan, sản xuất gà, lợn hữu cơ tiêu chuẩn châu Âu tại xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn; các chuỗi giá trị con nuôi đặc sản ở thành phố Tam Điệp, Nho Quan…
Đặc biệt, việc hỗ trợ dự án chăn nuôi lợn an toàn sinh học đã góp phần khống chế dịch bệnh tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh. Đến nay, dịch chỉ xảy ra tại các hộ chăn nuôi lợn nhỏ, lẻ, còn các trang trại, gia trại chăn nuôi lớn vẫn giữ an toàn, góp phần phát triển đàn lợn so với năm 2019, ổn định giá lợn hơi trên địa bàn.
Thủy sản có sự phát triển vượt bậc. Nếu như năm 2017, diện tích nuôi tôm thâm canh chỉ có 7 ha thì đến năm 2020 là 280 ha; ngoài ra hiện nay Ninh Bình còn có gần 40 ha nuôi tôm siêu thâm canh. Các trại sản xuất giống nước lợ: ngao, hàu, cua xanh cũng đẩy mạnh hoạt động sản xuất để đáp ứng nhu cầu con giống thủy sản tại địa phương và xuất đi các tỉnh khác như Nam Định, Thanh Hóa, Thái Bình, Quảng Ninh.
Qua việc khuyến khích chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả, đất ruộng trũng sang nuôi thủy sản, diện tích nuôi cá nước ngọt phát triển mạnh cả về diện tích, giá trị. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ của Nghị quyết 39 còn góp phần phát triển vùng cây Bùi (trám) Kỳ Lão trên địa bàn Nho Quan - một sản phẩm đặc hữu của tỉnh.
Đồng thời nâng cao giá trị kinh tế đất rừng qua việc trồng cây dược liệu dưới tán rừng, vừa đảm bảo độ che phủ rừng, vừa tăng thu nhập cho người trồng rừng.
Có thể khẳng định, sau 2 năm triển khai, các chính sách của Nghị quyết 39/2018/NQ-HĐND đã đi vào cuộc sống và nhận được sự ủng hộ, đồng tình của các tầng lớp nhân dân, là hạt nhân, động lực để nông nghiệp Ninh Bình phát triển.
Minh chứng là con số tăng trưởng ấn tượng 2,7% năm 2019 và dự kiến 3,15% năm 2020 của ngành. Giá trị bình quân trên 1 ha đất canh tác liên tục tăng, năm 2019 đạt 130 triệu đồng, năm 2020 ước đạt 135 triệu đồng; vượt 5 triệu đồng/ha so với mục tiêu giai đoạn 2016-2020.
Tuy nhiên, qua nắm bắt tình hình thực tiễn, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 39 vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Mặc dù đã hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung nhưng quy mô còn nhỏ. Số lượng doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm, đầu tư các dự án lớn còn rất ít.
Các hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động chưa hiệu quả, chưa thật sự đóng vai trò hỗ trợ hoạt động sản xuất cho nông hộ. ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi cán bộ kỹ thuật, người sản xuất đủ trình độ để tiếp cận và sử dụng công nghệ, tuy nhiên lực lượng này còn mỏng, cần có thời gian đào tạo nâng cao. Nguồn vốn của các tổ chức tín dụng khó tiếp cận do thủ tục phức tạp, vướng mắc liên quan đến tài sản thế chấp.
Để nông nghiệp Ninh Bình tiếp tục phát triển ổn định, bền vững, tại kỳ họp thứ 21 HĐND tỉnh khóa XIV, HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách quy định tại Nghị quyết số 39/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của HĐND tỉnh Ninh Bình quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến, bền vững trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2019-2020 đến hết năm 2021.
Trong đó, hai chính sách tiếp tục được thực hiện là: Hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ, theo hướng hữu cơ và hỗ trợ phát triển kinh tế gia trại, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao.
Nhiều cử tri quan tâm, theo dõi đánh giá, việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 39 sẽ giúp nông nghiệp Ninh Bình tiếp tục chuyển từ số lượng sang chất lượng và giá trị, giải quyết điểm "nghẽn" trong tiêu thụ nông sản, thay đổi nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, giúp nâng cao nhận thức của người sản xuất và người tiêu dùng về sản phẩm nông nghiệp an toàn, hữu cơ.
Đồng thời, thu hút thêm các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiềm năng liên kết và phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị… qua đó, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của người dân khu vực nông thôn./.
Theo Báo Ninh Bình