Hiệu quả từ các nguồn lực đầu tư
Kỳ Phú là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Nho Quan, có 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc Mường). Năm 2010, khi bắt tay xây dựng nông thôn mới (NTM), xã mới chỉ đạt 6/19 tiêu chí, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, hầu hết các công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn đều xuống cấp và cần được xây mới; các tuyến đường giao thông nông thôn có tỷ lệ đạt chuẩn thấp. Sản xuất nông nghiệp là nguồn thu nhập chính nhưng lại phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, năng suất thấp.
Xác định xây dựng NTM sẽ có nhiều khó khăn, Đảng ủy, chính quyền xã Kỳ Phú đã tập trung huy động mọi nguồn lực, triển khai thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình, dự án hỗ trợ khác trên địa bàn để đầu tư cơ sở hạ tầng.
Theo đó, Kỳ Phú đã huy động 205 tỷ đồng cho xây dựng NTM, trong đó ngân sách Nhà nước 105 tỷ đồng, vốn vay tín dụng 30 tỷ đồng, vốn tham gia của nhân dân là 70 tỷ đồng. Từ nguồn vốn huy động, xã Kỳ Phú từng bước đầu tư, nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ngoài ra, xã đã quy hoạch các vùng sản xuất sản phẩm hàng hóa theo lợi thế, chủ lực và mang tính chiến lược. Trong đó, cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất đại trà. Toàn xã có 7 mô hình phát triển kinh tế con nuôi đặc sản theo vùng miền; có 13 gia trại đạt giá trị bình quân 300 triệu đồng/gia trại/năm. Chăn nuôi gia súc tiếp tục phát triển với 1.012 con trâu; 2.175 con bò; 2.696 con lợn.
Cùng với sản xuất nông nghiệp, Kỳ Phú khuyến khích phát triển các ngành nghề, dịch vụ phi nông nghiệp, dịch vụ du lịch, thương mại. Trên địa bàn xã có 9 doanh nghiệp, 1 HTX và 5 hộ kinh doanh ngành nghề đang hoạt động, thu hút 200 lao động có mức thu nhập ổn định từ 4,5 triệu đồng/người/tháng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng sản xuất công nghiệp - thương mại dịch vụ: Nông nghiệp chiếm 67%; dịch vụ chiếm 33%. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt 21 triệu đồng/năm, tăng gần 7 triệu đồng/năm so với năm 2010.
Theo Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú Vũ Đình Lâm: Đến hết năm 2020, xã đã đạt 20/20 tiêu chí và về đích NTM. Mục tiêu những năm tới là xã tiếp tục duy trì các tiêu chí đã đạt, phấn đấu đến năm 2025 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Để đạt kết quả đó, thời gian tới, Kỳ Phú tiếp tục thực hiện và duy trì các tiêu chí của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Đổi thay ở xã nông thôn mới Cúc Phương, huyện Nho Quan. Ảnh: Báo Ninh Bình
Có thể thấy, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (MTQG XDNTM) tại các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể lãnh đạo, chỉ đạo hết sức quyết liệt, toàn diện; nhiều chính sách đặc thù dành cho phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã phát huy hiệu quả thiết thực.
Tiểu biểu như từ nguồn vốn Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn tỉnh có 5 xã và 24 thôn bản đặc biệt khó khăn được thụ hưởng với tổng số vốn là 66.931 triệu đồng, trong đó vốn hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng 48.863 triệu đồng, vốn sự nghiệp 18.068 triệu đồng.
Các địa phương được thụ hưởng nguồn vốn này đã thực hiện 79 công trình, trong đó 14 công trình giáo dục, 46 công trình đường giao thông nông thôn, 18 công trình nhà văn hóa, 1 công trình thủy lợi. Ngoài ra, nguồn vốn 135 cũng đã hỗ trợ trực tiếp giống vật nuôi, thuốc phòng bệnh cho vật nuôi, phân bón, giống cây trồng cho hộ nghèo, cận nghèo thuộc các xã, thôn đặc biệt khó khăn; trợ giúp đào tạo pháp lý cho cán bộ thực hiện chính sách và đào tạo nâng cao kiến thức phát triển kinh tế hộ gia đình cho hộ nghèo, cận nghèo thuộc các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn, với tổng kinh phí thực hiện 14.359 triệu đồng. Đây chính là "đòn bẩy" giúp các xã nghèo vươn lên phát triển kinh tế.
Cùng với nguồn vốn 135, tỉnh đã huy động các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia khác. Theo đó, lũy kế đến hết năm 2020, toàn tỉnh huy động được 13.120 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 239,3 tỷ đồng; ngân sách địa phương 1.912,5 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình dự án 2.041 tỷ đồng; vốn tín dụng 7.743,2 tỷ đồng; vốn hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp 718,4 tỷ đồng; vốn huy động cộng đồng dân cư 465,6 tỷ đồng.
Sau 9 năm thực hiện Chương trình MTQG XDNTM, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã có 48/54 xã thuộc khu vực miền núi đạt chuẩn NTM. Chương trình MTQG XDNTM đã mang lại diện mạo mới cho các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Cần thêm những lực đẩy
Mặc dù được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, tạo nên những chuyển biến tích cực ở những xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nhưng nhìn chung những đổi thay này vẫn còn chậm, khoảng cách chênh lệch còn lớn so với vùng đồng bằng; sự phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vùng.
Đặc biệt, ở các xã vùng đồng bào dân tộc miền núi cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, sản xuất nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng cao, tập quán canh tác vẫn còn lạc hậu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa nhiều; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ; đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao; chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực trình độ còn thấp, đội ngũ cán bộ y tế cơ sở và trang thiết bị y tế còn thiếu.
Điều đáng nói, nhiều địa phương cũng như ngươi dân còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên việc phát huy nguồn lực tại chỗ còn hạn chế.
Diện mạo nông thôn mới xã Gia Thủy (Nho Quan). Ảnh: Báo Ninh Bình
Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước tuy đã được tập trung nhưng vẫn còn hạn hẹp chưa đáp ứng nhu cầu thực tế tại địa phương trong khi khả năng huy động nguồn vốn xã hội hóa gặp nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào ngân sách Trung ương, nên chưa đáp ứng nhu cầu về cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất, giao thông và sinh hoạt của người dân.
Chính vì vậy, để tập trung xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi rất cần có sự quan tâm hơn nữa của Đảng và Nhà nước để triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Bên cạnh đó, chú trọng phát triển nguồn nhân lực có chất lượng là người dân tộc thiểu số. Ngoài ra cần huy động mọi nguồn lực để đầu tư, gắn phát triển với giải quyết hài hòa lợi ích giữa các vùng, các dân tộc./.
Theo Báo Ninh Bình