Nhiều mô hình hiệu quả
Ngành nông nghiệp ở tỉnh Ninh Thuận những năm qua gặp nhiều khó khăn do sự khắc nghiệt của thời tiết, đặc biệt là tình trạng hạn hán diễn ra gay gắt trên diện rộng và liên tục. Khó khăn là vậy, nhưng tỉnh Ninh Thuận vẫn có sự phát triển vượt bậc về kinh tế, trong đó lĩnh vực nông nghiệp đạt nhiều thành tựu và có đóng góp to lớn.
Theo Sở NN-PTNT Ninh Thuận, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đã có bước phát triển khá toàn diện cả về quy mô, năng suất lẫn sản lượng. Đặc biệt, cơ cấu ngành đã có sự chuyển dịch theo hướng gia tăng giá trị và từng bước hình thành những cánh đồng lớn hay vùng chuyên canh phục vụ công nghiệp chế biến. Các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh này cũng hình thành và phát triển mạnh.
“Nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất đã triển khai ứng dụng công nghệ cao vào một số khâu trong quy trình sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Một số sản phẩm đặc thù của tỉnh đã khẳng định được lợi thế cạnh tranh, thương hiệu và thị trường. Hầu hết diện tích đầu tư sản xuất nông nghiệp theo mô hình ứng dụng công nghệ cao đều cho giá trị đạt trên 300 triệu đồng/ha. Đặc biệt, một số mô hình có thể đạt doanh thu hàng năm từ 600 triệu đến 6 tỷ đồng/ha, lợi nhuận đạt từ 500 triệu đồng đến 3 tỷ đồng/ha mỗi năm”, ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận chia sẻ.
Sơ chế nho sau thu hái. Ảnh: internet
Hiện nay, các mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ở Ninh Thuận phát triển mạnh và đạt doanh thu từ 2-3 tỷ đồng/ha mỗi năm. Trong khi đó, các mô hình như trồng măng tây xanh, nho công nghệ cao, giống mới, trồng táo bao lưới đều cho doanh thu từ 600 triệu đến 1,5 tỷ đồng/ha mỗi năm. Cũng tại địa phương này, các mô hình thu hút đầu tư vào chăn nuôi heo, bò, gà, ốc, tôm... công nghệ cao cũng đạt hiệu quả vượt trội. Đây là những mô hình mang lại nguồn lợi nhuận cao cho người thực hiện. Trong đó, người nuôi tôm chân trắng, ốc hương công nghệ cao đạt nguồn thu nhập từ 4-8 tỷ đồng/ha/năm.
Ông Đặng Kim Cương cho biết thêm, các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã tham gia đầu tư nhiều mô hình mới có hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể như mô hình trồng nho kết hợp du lịch sinh thái do Hợp tác xã Thái An chủ trì liên kết với nông dân ở vùng đất khô nóng huyện Ninh Hải. Tại đây, toàn bộ diện tích 30ha nho được áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm hiện đại nên nho tươi tốt, cho năng suất cao. Các sản phẩm nho của người dân cũng được khách tham quan mua tại vườn với giá cao hơn thị trường từ 20-25%.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng liên kết với người dân trong lĩnh vực chăn nuôi heo, dê, cừu và giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định. Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận cho hay, hiện nay, địa phương có các doanh nghiệp như Công ty chăn nuôi CP, Công ty CJ đang liên kết với hàng chục hộ dân tại các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Phước, Thuận Bắc thực hiện gần 40 trang trại chăn nuôi heo với tổng đàn khoảng 38 nghìn con. Mô hình này tạo chuỗi liên kết từ khâu cung cấp giống đến bao tiêu sản phẩm. Các mô hình liên kết, chăn nuôi dê, cừu thịt cũng hình thành và những người thực hiện đạt hiệu quả cao.
Tập trung thu hút đầu tư sản xuất theo chuỗi
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, địa phương có nhiều lợi thế để phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trên điều kiện khí hậu, đất đai, địa phương phù hợp để phát triển cây trồng, vật nuôi có nguồn gốc nhiệt đới. Trong đó nhiều cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như nho, táo, điều, bò, dê, cừu. Ninh Thuận cũng là địa phương có thể mạnh để phát triển nuôi trồng thủy sản quy mô lớn, phục vụ công nghiệp chế biến. Với điều kiện khí hậu khô nóng, tỉnh này có lợi thế trong sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) nhằm tạo nguồn sản phẩm an toàn để hướng đến phát triển thị trường.
Để ngành nông nghiệp địa phương mà đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có điều kiện phát triển, tỉnh Ninh Thuận đã khuyến khích và thực hiện nhiều chính sách trong thu hút đầu tư. Trong 5 năm gần đây, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về khoa học, công nghệ được tập trung thực hiện để hướng đến mục tiêu phát huy hiệu quả của liên kết sản xuất, tạo chuỗi giá trị. Các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được ưu tiên, hỗ trợ.
Các chuỗi liên kết trong chăn nuôi gia súc đã và đang mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Internet
Đến nay, địa phương đã thu hút được 12 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó có 11 dự án đã đi vào hoạt động. Ngoài ra, 3 dự án khác đang được hoàn thiện thủ tục đầu tư và dự kiến triển khai trong năm 2020. Trong thời gian 5 năm trở lại đây, tỉnh đã hỗ trợ 180 doanh nghiệp về hoạt động nghiên cứu phát triển sẩn phẩm mới, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ. Ngoài ra còn hỗ trợ về bảo hộ, xác lập quyền sở hữu công nghiệp, phát triển thị trường... Đồng thời cũng hỗ trợ 20 doanh nghiệp triển khai ứng dụng dây chuyền công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ 48 doanh nghiệp, tổ chức sản xuất các sản phẩm đặc thù của tỉnh về xây dựng bảo hộ nhãn hiệu, hệ thống nhận diện và thương mại hóa sản phẩm. Hỗ trợ 40 doanh nghiệp, tổ chức áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, phổ biến như VietGap, GlobalGap, ISO, ISO/IEC 17025; HACCP, Organic...
Tỉnh Ninh Thuận đang xây dựng và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển vùng sản xuất tập trung, sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực và phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Vùng sản xuất lúa, bắp, nho, táo tập trung tại huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Ninh Hải và vùng cây ăn quả đặc trưng tập trung tại xã Lâm Sơn (huyện Ninh Sơn) với tổng diện tích khoảng 400ha. Trong thời gian 3 năm (từ 2017-2020), Ninh Thuận xây dựng và hình thành 32 cánh đồng lớn với tổng diện tích gần 4.000ha. Địa phương này cũng có 14 doanh nghiệp tham gia đầu tư, liên kết sản xuất nông nghiệp với hàng chục hợp tác xã và hội nông dân.
Tỉnh cũng hướng đến xây dựng chiến lược phát triển sản xuất nông nghiệp trên nền tảng công nghệ cao thời gian tới. Trong đó, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ vào sản xuất. Đồng thời, phải có chính sách thu hút đầu tư từ các nguồn vốn lớn của doanh nghiệp, vốn ODA, vốn vay các tổ chức tài chính quốc tế cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao ở địa phương./.
Theo Nông nghiệp