Xuất khẩu nông nghiệp- bức tranh nhiều màu sắc
Có thể nói một cách hình ảnh ví von rằng kết quả sản xuất, xuất khẩu của ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 là một bức tranh gồm nhiều gam màu sáng tối. Trước hết xin được nói về sản xuất, mặc dù nhiều bất thuận từ thời tiết (nhuận 2 tháng 2), diện tích xuống giống lúa giảm thế nhưng sản lượng lúa gạo của Việt Nam chẳng những không giảm mà lại tăng khá do năng suất tăng, bình quân đạt 67 tạ/ha, tăng 1,8 tạ/ha. Xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay thu về 2,3 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Sở dĩ, lúa gạo đạt kết quả này là do chúng ta đã chủ động đưa các giống lúa xác nhận (giống tốt), đảm bảo chất lượng, cùng với đó là kiểm soát dịch bệnh trên cây lúa tốt. Không chỉ sản lượng lúa tăng, xuất khẩu mặt hàng này ra các thị trường cũng tăng mạnh. Thêm vào đó gạo bán được ở mức giá cao khoảng từ 480-505 USD/tấn, cao hơn giá của một số quốc gia xuất khẩu mặt hàng này đã giúp gạo của Việt Nam giành chiến thắng “kép”.
Đặc biệt, do tác động của tình trạng El Nino nên sản xuất lúa gạo từ nay đến cuối năm dự báo có thể gặp nhiều khó khăn ở một số quốc gia trong đó có Ấn Độ-quốc gia xuất khẩu gạo chiếm khoảng 40% thị phần xuất khẩu mặt hàng này trên thế giới năm 2022. Vì thế, mới đây Ấn Độ đã quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo do lo ngại nguồn cung gạo nội địa có khả năng thiếu hụt, giá bị đẩy lên cao. Thông tin này ngay lập tức đã đẩy giá gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới lên mức 530-535 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất trong vòng một thập kỷ qua trên thị trường gạo thế giới. Như vậy, với mức như hiện nay là cơ hội tốt cho mặt hàng lúa gạo của Việt Nam xuất khẩu. Vì thông thường các nước chỉ có thể sản xuất 2 vụ lúa gạo/năm thì tại Đồng bằng sông Cửu Long có thể sản xuất 3,5 vụ/năm (2 năm 7 vụ). Cũng bởi vậy mà Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã đầy tự tin: Nếu duy trì được sản xuất, giá bán tốt như hiện nay nhu cầu của các nước nhập khẩu gạo đang tăng thì năm 2023, Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu 8 triệu tấn gạo, giá trị khoảng 4-4,2 tỷ USD.
Lúa gạo Việt Nam được mùa lẫn được giá xuất khẩu. (Trong ảnh: Nông dân huyện Thoại Sơn, An Giang thu hoạch lúa) |
Gram màu sáng nữa mang tính đột phá và đạt kỷ lục chính là từ mặt hàng rau quả và trái cây khi kim ngạch xuất khẩu tăng tới 64% so với cùng kỳ năm 2022, đạt khoảng 2,75 tỷ USD. Với những mặt hàng chính: Thanh long, sầu riêng, vải, nhãn, chôm chôm. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng thiết lập kỷ lục khoảng 850-876 triệu USD, tăng gần 20 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam tăng kỷ lục đạt 876 triệu USD. (Trong ảnh: Vườn sầu riêng tại huyện Long Hồ, Vĩnh Long) |
Bên cạnh những gram màu sáng thì vẫn có những mảng màu tối của ngành nông nghiệp từ đầu năm 2023 đến nay. Nguyên nhân chính tạo ra những mảng màu tối này là do cầu yếu từ các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là thị trường Mỹ vốn chiếm khoảng 26-27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam năm 2022. Từ đầu năm 2023 đến nay, thị trường quan trọng và lớn nhất này sụt giảm mạnh giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chỉ còn chiếm 20,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 32,9% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm 7,7%, giảm 5,3% (giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2023 chiếm 21,4% tổng kim ngạch của ngành nông nghiệp, tăng 7,7% so với cùng kỳ.
Những nhóm mặt hàng xuất khẩu chính vào thị trường Mỹ bị sụt giảm mạnh: Thủy sản, sản phẩm đồ gỗ. Hai nhóm mặt hàng này từ nhiều năm qua xuất khẩu vào thị trường Mỹ luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp nước ta. Sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ 6 tháng đầu năm 2023 cũng lần đầu tiên chính thức “ngắt mạch” tăng xuất khẩu của mặt hàng đồ gỗ và lâm sản suốt hơn 10 năm qua trên các thị trường trên thế giới nói chung và Mỹ nói riêng. Riêng giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản 6 tháng đầu năm chỉ đạt 6,5 tỷ USD, giảm 28,8% so với cùng kỳ năm 2022. Sự sụt giảm kim ngạch của đồ gỗ và lâm sản là một trong hai nguyên nhân chính khiến tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp bị sụt giảm. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này chiếm tới 27-29% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT) cho biết: "6 tháng đầu năm 2023 mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thế nhưng tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp vẫn đạt 3,1%; trong đó, nông nghiệp tăng 3,14% (trồng trọt tăng 2,11%, chăn nuôi tăng 4,88%), lâm nghiệp tăng 3,43%, thủy sản tăng 2,96%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) 6 tháng đầu năm 2023 đạt 24,59 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhóm nông sản chính 12,79 tỷ USD, tăng 12%; sản phẩm chăn nuôi 232 triệu USD, tăng 26,5%; thủy sản 4,13 tỷ USD, giảm 27,4%; đồ gỗ và lâm sản 6,5 tỷ USD, giảm 28,8%; muối 2,4 triệu USD, giảm 14,2%...".
Phấn đấu mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 55 tỷ USD
Theo ông Nguyễn Văn Việt, từ nay đến cuối năm 2023 xuất khẩu sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu theo kế hoạch đã đề ra năm 2023 thì cần phải tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường mới, thị trường ngách. Thị trường chính là “chìa khóa” để tăng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. 6 tháng cuối năm 2023, mỗi tháng còn lại chúng ta phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu phải đạt 7-8% để bù cho sụt giảm 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó cần tổ chức sản xuất tốt để đảm bảo tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Tiếp đó cần phải chú trọng đến công tác phòng, ứng phó thiên tai hiệu quả để giảm thiểu thiệt hại. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công làm cơ sở, tiền đề cho ngành nông nghiệp tăng trưởng không chỉ trong năm 2023 và trong những năm tiếp theo.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) chia sẻ thêm 6 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn từ các thị trường chính: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Thế nhưng từ tháng đầu tháng 7-2023, thị trường xuất khẩu mặt hàng tôm (chiếm khoảng 38-40% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản) đã có dấu hiệu ấm dần lên.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định: Chưa bao giờ xuất khẩu rau quả và trái cây đạt cao như hiện nay. Nếu đà tăng trưởng cứ như thế này, thì chắc chắn năm 2023 sẽ đạt trên 5 tỷ USD. Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ngành NN-PTNT triển khai kế hoạch 6 tháng đầu năm 2023 trong điều kiện có những thuận lợi, thách thức đan xen. Trong đó, khó khăn lớn nhất thuộc về thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản, chủ yếu đối với mặt hàng đồ gỗ và thủy sản. Tuy nhiên, những tháng gần đây thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đã có những tín hiệu tích cực.
Theo đánh giá, nhận xét của các chuyên gia lẫn từ các cơ quan chức năng của Bộ NN-PTNT, dự báo, năm 2023 chúng ta vẫn có thể đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đã đề ra 55 tỷ USD. Để đạt mục tiêu kế hoạch này Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nông, lâm, thủy sản đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Về giải pháp đối với các doanh nghiệp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng yêu cầu Cục Lâm nghiệp tập trung phối hợp với ngành thuế thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, chế biến đồ gỗ xuất khẩu.
Nguồn QĐND