Ngày 6-4, Báo Thanh Niên tổ chức tọa đàm “Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt” tham gia có Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, UBND tỉnh, thành phố, chuyên gia, doanh nghiệp để đưa ra định hướng phát triển nông sản quốc gia.
Hiện nay, các quốc gia đều có một thương hiệu nông sản riêng như cá hồi Na Uy, bò Kobe của Nhật, táo Mỹ, kiwi New Zealand... Trong các quốc gia châu Á, Việt Nam cũng có sầu riêng, nhưng sầu riêng Malaysia có thương hiệu nên giá rất cao, trong khi chất lượng sầu riêng Việt Nam không kém thì giá rẻ hơn.
Theo GS Võ Tòng Xuân, câu chuyện xây dựng thương hiệu nông thủy sản cần phải bắt nguồn từ các bên. Đầu tiên là nhà nước chú trọng đến việc quảng bá thương hiệu cho nông sản Việt. Về phía doanh nghiệp, phải tổ chức được việc trồng trên diện tích rộng, nguyên liệu đồng nhất, bao bì…
Bên cạnh đó, nhà nước cần có chính sách quy tụ ruộng đất. Việt Nam cần chọn lựa một vài nông sản đại diện cho quốc gia, sau đó các bộ ngành để chung tay quảng bá như Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Bộ VH-TT-DL, Bộ Ngoại giao…
Cung cấp thông tin tại hội thảo, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) chia sẻ, hiện nông sản Việt Nam chủ yếu xuất thô hoặc sản phẩm thành phẩm dưới thương hiệu của nước ngoài để vào các cửa hàng nhỏ lẻ của người Việt Nam ở nước ngoài mà chưa vào được các hệ thống siêu thị lớn. Để xây dựng thương hiệu nông sản Việt, các sản phẩm cần phải có nền tảng vững chắc từ trong nước cho đến thị trường nước ngoài.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần liên kết với nông dân sản xuất chất lượng ổn định, xây dựng sở hữu trí tuệ, công nghệ chế biến… Để đạt được thương hiệu quốc gia, nhà nước cần phải hỗ trợ xúc tiến thương mại phát triển sản phẩm xuất khẩu./.
Nguồn SGGP