Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Sáng 18/10, Diễn đàn Kinh tế cao cấp Việt Nam-OECD đã diễn ra với sự tham dự của đông đảo chuyên gia kinh tế, đại diện các tổ chức quốc tế, đại diện doanh nghiệp trong và ngoài nước. Sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) thực hiện.
Phát biểu tại Phiên khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với OECD trong các hoạt động liên quan thuộc khung khổ Biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam và OECD. Quá trình hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan với OECD trong các hoạt động này rất chất lượng, thậm chí có thể đánh giá là “chưa từng có tiền lệ.” Có hoạt động chỉ trong vài tháng, các bộ, ngành Việt Nam đã gửi tới vài chục lượt văn bản góp ý. Các bộ, ngành đều đón tiếp rất thịnh tình và trao đổi cởi mở, thẳng thắn với các chuyên gia của OECD trên tinh thần xây dựng. Có bộ cử gần 30 cán bộ tham gia một phiên họp trực tuyến với OECD.
“Nói như vậy để thấy Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã điều phối, phối hợp rất tích cực, chặt chẽ với các bộ, ngành và OECD trong các hoạt động hợp tác. Bản thân các bộ, ngành cũng kỳ vọng nhiều vào quá trình hợp tác với OECD, đặc biệt là mong muốn lắng nghe những đánh giá, kiến nghị khách quan, 'có giá trị' từ phía OECD,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đang có những bước phục hồi mạnh mẽ sau không ít khó khăn do hệ lụy của dịch COVID-19 và các diễn biến kinh tế, địa chính trị phức tạp trên thế giới.
Trong quá trình này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phát huy vai trò tham mưu rất tích cực. Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Cùng với đó, Bộ tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Mới đây nhất, Bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới.
Bộ cũng tập trung nghiên cứu, kiến nghị với cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ các nội dung nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chương trình, sáng kiến cải cách, mở rộng không gian kinh tế cho khu vực tư nhân, chẳng hạn như Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2030; Quyết định số 687/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam...
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ mong đợi những nội dung tại Diễn đàn lần này, đặc biệt là các kiến nghị về điều hành và cải cách kinh tế, quản trị doanh nghiệp nhà nước và thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao trong bối cảnh tăng trưởng xanh và chuyển đổi số.
Tổng thư ký OECD Mathias Cormann phát biểu. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Chia sẻ một số suy nghĩ về vị trí kinh tế hiện tại của Việt Nam và các cơ hội chính sách trong tương lai, Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann cho rằng, phải ghi nhận những tiến bộ xã hội đáng kể đã đạt được ở Việt Nam trong ba thập kỷ qua. Hiện Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới tránh được suy thoái liên quan đến COVID-19. Ông Mathias Cormann nhận định, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam tương đối mạnh. OECD dự báo tăng trưởng GDP sẽ vượt 6% cả năm nay và năm sau.
Điều này sẽ được thúc đẩy bởi nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài, khi các doanh nghiệp trong OECD tìm đến Việt Nam giúp đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Do đó, trước những thách thức phía trước, Việt Nam cần đẩy mạnh các nỗ lực cải cách để đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Theo ông Mathias Cormann, Việt Nam cần thích ứng khi dân số già đi nhanh chóng, theo hướng thúc đẩy năng suất. Cho rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc mở cửa thương mại hơn nữa, ông Mathias Cormann nhận định, điều này có nghĩa Việt Nam có các cơ hội để tự do hóa hơn nữa thị trường dịch vụ của mình, nhờ đó, sẽ được hưởng lợi từ khả năng kết nối và chuyển giao kiến thức nhiều hơn.
Bên cạnh đó, Việt Nam có thể hưởng lợi từ các công việc đang diễn ra tại OECD về thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài có chất lượng. Việt Nam đã có cam kết đáng hoan nghênh tại COP 26 là đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tổng Thư ký OECD nhấn mạnh, kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn của OECD có thể giúp Việt Nam giải quyết các thách thức và nắm bắt các cơ hội nêu trên. Một trong những ưu tiên hàng đầu của OECD là tăng cường cam kết với các đối tác Đông Nam Á như Việt Nam.
Đại biểu dự diễn đàn đã tập trung thảo luận tại hai phiên: Triển vọng kinh tế vĩ mô và chính sách quản trị doanh nghiệp nhà nước Việt Nam; thu hút FDI chất lượng cao phục vụ tăng trưởng xanh và chuyển đổi số.
Thông qua các phân tích của OECD, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến về triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam với chính sách quản trị doanh nghiệp Nhà nước. Một số chiến lược của Việt Nam trong phát triển xanh và chuyển đổi số cũng được cập nhật nhằm hướng tới xây dựng một nền kinh tế cạnh tranh chiến lược, tự cường và vững chắc, hội nhập quốc tế hiệu quả.
Ngay sau Diễn đàn, một tọa đàm bàn tròn doanh nghiệp về sản xuất và năng lượng tái tạo đã được tổ chức. Cùng với đó, nhiều hoạt động kết nối doanh nghiệp cũng được triển khai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đầu tư tại sự kiện ý nghĩa này./.
Thu Phương (TTXVN/Vietnam+)