Trước những biến động bất ổn của thị trường xăng dầu gần đây, Bộ Công Thương đã nhanh chóng thành lập các đoàn công tác tiến hành thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, có biểu hiện “găm hàng”, thậm chí rút giấy phép kinh doanh của một số doanh nghiệp. Đây được cho là việc làm cần thiết, thể hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý, nhưng biện pháp xử phạt thực ra mới chỉ giải quyết được phần ngọn.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là vì sao nhiều đại lý, cửa hàng kinh doanh xăng dầu “hết hàng” hoặc chỉ bán nhỏ giọt, nhất là khi có biến động về giá, trong khi nguồn cung như khẳng định của Bộ Công Thương là không thiếu? Nguyên nhân từ đâu?
Trước thực tế đã nêu, theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu nằm ở “dòng chảy” xăng dầu giữa doanh nghiệp đầu mối và các thương nhân phân phối, tổng đại lý, đại lý, cửa hàng đến người tiêu dùng đã có lúc bị gián đoạn…
Và trong bối cảnh giá xăng dầu tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều ý kiến cho rằng, việc cân đối lại nguồn cung, cân nhắc giảm các loại thuế, phí và xem xét cách tính lại giá cơ sở xăng dầu phù hợp với thực tiễn;… là hết sức cấp thiết nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Thông tin với báo chí, TS Nguyễn Văn Hiến - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing đề xuất, cần có cơ chế đặc biệt hỗ trợ lưu thông xăng dầu. Bởi thực tế hiện nay, nguồn cung xăng dầu không thiếu, nhưng vẫn có nhiều cửa hàng hết xăng. Điều này là do mức chiết khấu thấp, có những thời điểm, mức chiết khấu cho đại lý bán lẻ là 0 đồng khiến các đại lý thua lỗ và đóng cửa. Do đó, Nhà nước cần có quy định mức chiết khấu đặc biệt để ổn định lưu thông xăng dầu trong nước.
“Bộ Tài chính cần ban hành cơ chế tính toán mức chiết khấu. Sau đó, liên Bộ Tài chính - Công Thương cần ngồi lại với nhau để tính toán, đảm bảo mức chiết khẩu ổn định cho doanh nghiệp”, TS Nguyễn Văn Hiến chia sẻ.
Bên cạnh đó, để ổn định thị trường xăng dầu, một số chuyên gia cũng cho rằng, các doanh nghiệp nhập khẩu và các hệ thống phân phối cần có sự chia sẻ. Và Bộ Tài chính cần xem xét mức chiết khấu phù hợp để đảm bảo được cả doanh nghiệp nhập khẩu, hệ thống phân phối và cuối cùng là các đại lý bán lẻ có thể tồn tại. Bởi, có làm được như vậy, về lâu dài khi chuỗi cung ứng xăng dầu duy trì ổn định thì hoạt động sản xuất kinh doanh mới ổn định được.
Để ổn định thị trường xăng dầu, cần có cơ chế đặc biệt hỗ trợ lưu thông xăng dầu - Ảnh minh họa: Internet
Theo các chuyên gia, chuỗi kinh doanh xăng dầu có nhiều mắt xích khác nhau, từ đầu mối nhập khẩu, thương nhân phân phối, đại lý bán lẻ. Mỗi mắt xích họ có những vấn đề, nhiệm vụ khác nhau, Bộ Tài chính là cơ quan có đầy đủ cơ sở dữ liệu về từng mắt xích, do đó, đơn vị này cần rà soát và tính toán lại mức chiết khấu phù hợp, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên để duy trì sự ổn định trong cả chuỗi kinh doanh.
Ngoài những vấn đề đã nêu, nhiều ý kiến trước đó cũng cho rằng, muốn thị trường xăng dầu phát triển bền vững, góp phần ngăn chặn đứt gãy nguồn cung xăng dầu thì không thể không có dự trữ quốc gia. Bởi, thực tế hiện nay, chúng ta gần như không có dự trữ chiến lược về xăng dầu mà chỉ là dự trữ lưu thông để đảm bảo nguồn cung không bị gián đoạn trong vài ngày hoặc vài chục ngày.
Xoay quanh vấn đề này, chuyên gia kinh tế - Vũ Vinh Phú cho hay, ở một số nước, dự trữ xăng dầu lên tới hàng chục triệu lít. Khi giá xăng dầu thấp, họ mua vào để dự trữ, khi giá cao, họ lấy nguồn dự trữ ra để bình ổn giá, nguồn dự trữ xăng dầu của họ có thể đáp ứng nhu cầu thị trường từ 3 - 6 tháng. Trong khi đó, nguồn xăng dầu dự trữ ở nước ta hiện chỉ đáp ứng được khoảng 5 ngày là quá thấp.
“Việc xây dựng các kho lưu trữ xăng dầu phải được đầu tư và làm nhanh nhất có thể. Theo tôi, Nhà nước phải bỏ tiền ra xây các kho lưu trữ để có thể phục vụ nhu cầu thị trường trong vòng 3 - 6 tháng, nguồn dự trữ này sẽ tăng khả năng đối phó với những diễn biến khó lường của giá thế giới”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Cũng theo ông Phú, xăng dầu phải được coi là một mặt hàng thiết yếu, do đó cần bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu để góp phần ổn định giá cả. Khi giá xăng dầu bình ổn lâu dài ở ngưỡng 20.000 - 22.000 đồng/lít, các doanh nghiệp có thể trụ vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời đời sống tiêu dùng của dân bớt khó khăn.
Được biết, giữa tháng 8/2022 vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đề xuất Chính phủ đầu tư dự án tổ hợp lọc hóa dầu và kho dự trữ dầu thô, xăng dầu quốc gia với vốn đầu tư gần 19 tỷ USD tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thực tế, vấn đề kho dự trữ xăng dầu chiến lược quốc gia không phải câu chuyện mới, mà việc này đã từng làm nóng nghị trường, khi Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Văn Thành đề cập tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 3/2022, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới liên tục “nhảy múa”./.