Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, phải vượt qua rào cản nể nang, né tránh, ngại va chạm thì mới tinh gọn được bộ máy. Đồng thời vận động, nắm bắt tâm tư, tình cảm của cán bộ, công chức, viên chức trước khi đưa họ ra khỏi vị trí công vụ, chứ không phải theo cách "vắt chanh bỏ vỏ".
PV: Từng nhiều năm tham gia quản lý về công tác công chức, viên chức, ông đánh giá thế nào về việc tinh giản biên chế trong thời gian qua?
Ông Thang Văn Phúc: Vấn đề sắp xếp và tinh giản biên chế là một chủ trương lớn trong chương trình tổng thể cải cách hành chính từ giai đoạn 2001-2010, 2011-2020 và hiện nay vẫn đang tiếp tục. Đây là một cuộc cải cách không dễ dàng vì liên quan trực tiếp đến bộ máy và con người, chính vì thế, khó khăn kéo dài trong nhiều năm. Và có một bước tiến rất quan trọng đó là trong 10 năm nay, tỷ lệ giảm biên chế hành chính đã tăng lên, đặc biệt giai đoạn 2015-2021, chúng ta đã vượt mục tiêu tinh giản 10%.
Giai đoạn vừa qua, chúng ta có các chủ trương, giải pháp cụ thể; các hệ thống, hướng dẫn, kiểm tra chặt chẽ, các cấp cũng đã chủ động tích cực hơn trong việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Vừa rồi, sau Đại hội XIII của Đảng, nhất là Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Thủ tướng cũng đang yêu cầu sắp tới sẽ tiếp tục giảm 5% biên chế khối hành chính. Việc này được tiến hành cũng có nhiều thuận lợi vì chúng ta đang tiếp tục sắp xếp lại các cơ quan sau khi kiện toàn Chính phủ khóa 2021-2026. Vì vậy, mục tiêu giảm 5% biên chế khối hành chính sẽ thực hiện được.
Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công; chuyển khu vực công sang khu vực tự chủ, tự chịu trách nhiệm và cho các cơ chế, chính sách. Như vậy vừa khuyến khích được sự sáng tạo, ý thức phục vụ của cán bộ, cũng như kết quả dịch vụ tốt hơn, qua đó chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức cũng tích cực hơn.
Các nhà khoa học phải sống bằng sản phẩm, bằng sáng tạo, còn nếu vẫn hưởng theo phụ cấp hành chính bao cấp thì sẽ không vượt khỏi yêu cầu của thời kỳ phát triển mới cũng như đòi hỏi của sự tự chủ, sự sáng tạo, năng động.
Vì vậy, quan trọng nhất vẫn là chủ trương, chính sách, giải pháp thực sự tích cực, vừa giải quyết được quyền lợi Nhà nước, quyền lợi của đơn vị và quyền lợi của chính người lao động, cán bộ, công chức. Và dần dần khu vực công không còn là vấn đề cấp bách nữa, cán bộ, công chức, viên chức sẵn sàng làm việc ở các tổ chức mà ở đó họ có thể phát triển được, làm việc tốt được. Kết quả tinh giản biên chế giai đoạn vừa qua đã và đang mở ra những cơ hội để chúng ta thực hiện được mục tiêu cho giai đoạn mới.
PV: Mặc dù giai đoạn 2015- 2021 lần đầu tiên chúng ta đã vượt được chỉ tiêu tinh giản 10 %. Thế nhưng, nhìn tổng thể, việc thực hiện chủ trương vẫn còn một số hạn chế như tổ chức bộ máy chưa khắc phục được triệt để những chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, nguyên tắc một việc chỉ giao cho 1 cơ quan chủ trì, thực hiện, và chịu trách nhiệm chính chưa phát huy mạnh mẽ, thưa ông?
Ông Thang Văn Phúc: Thực tế chúng ta mới giảm biên chế theo con số kế hoạch, các bộ ngành giảm biên chế nhưng cơ cấu bên trong của các bộ, các tổ chức lại phình ra. Rõ ràng, việc tinh giản biên chế cần phải kiên quyết hơn, như trước những năm 2000 đã có những quy định rất cụ thể, ví dụ như cấp phó ở các đơn vị bộ, ngành có 3 người, đơn vị nào có 4 thứ trưởng là phải giải trình. Ở địa phương cũng vậy, các tỉnh, thành phố có 1 chủ tịch, 3 phó Chủ tịch, địa phương nào có nhiều phó chủ tịch thì phải giải trình. Tất cả những việc đó được kiểm soát chặt chẽ. Song có giai đoạn chúng ta buông lỏng, không thực hiện được nên hiện nay vẫn còn bộ có đến 6- 7 Thứ trưởng.
Tôi cho rằng, phải đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Trong mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính từ những năm 2000 trở đi có một sứ mệnh rất quan trọng đó là cải cách để làm thay đổi, điều chỉnh các chức năng, nhiệm vụ của các bộ, chuyển sang quản lý vĩ mô toàn xã hội bằng chính sách pháp luật, chứ không phải cầm tay chỉ việc như thời bao cấp.
Nếu chúng ta chuyển một cách mạnh mẽ như vậy, đồng thời làm rõ trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng tổ chức, từng đơn vị và làm chủ những công việc được Nhà nước, pháp luật phân công thì mới có cơ hội thực hiện các mục tiêu tinh giản, kể cả nhân lực lãnh đạo đến cán bộ, công chức, cũng như tinh giản cơ cấu bên trong các bộ.
Ví dụ, vừa qua giảm rất nhiều tổng cục, chỉ còn lại các cục. Đó cũng là hướng cần tích cực làm để có thể tinh giản được, không phải giảm từng con người mà chính là hệ thống tổ chức bộ máy, cơ cấu nguồn lực hợp lý, phù hợp với mục tiêu rõ người rõ việc; bộ, ngành, tổ chức chỉ làm việc chính được phân công và 1 người chịu trách nhiệm chính. Việc phối hợp và kết nối chỉ là chức năng chứ không phải lập quá nhiều ủy ban, ban chỉ đạo chung. Đây là việc đã làm rất kiên quyết từ giai đoạn 2001-2010, từ 200 ủy ban, các ban chỉ đạo chung giảm xuống còn hơn 80 uy ban, ban chỉ đạo. Còn bây giờ có thể lại nhiều hơn khiến bộ máy tiếp tục nặng và tính trách nhiệm không được rõ. Chính vì vậy, cần thiết phải tổng rà soát lại.
Một việc quan trọng nữa là xác định chế độ công vụ, việc làm. Chúng ta phải hiện đại hóa công chức và chuyên nghiệp hóa bằng một hệ thống công chức được tuyển ở tất cả các cấp. Có thể tuyển thẳng công chức ở đơn vị sản xuất, kinh doanh hoặc hoạt động ở khu vực tư vào làm chuyên viên chính hoặc chuyên viên cao cấp.
PV: Ông có nhắc tới yếu tố căn bản là giao trách nhiệm cho người đứng đầu trong thực hiện việc tinh giản biên chế hiệu quả. Vậy trách nhiệm của người đứng đầu như thế nào khi thực tế vừa qua vẫn còn có những cán bộ, công chức không đủ năng lực nhưng vẫn được hưởng lương trong cơ quan Nhà nước?
Ông Thang Văn Phúc: Chính vì vậy, chúng ta mới xác định lại vị trí công vụ, vị trí việc làm, đó cũng là bước để chuẩn hóa cán bộ, công chức. Trên cơ sở đối chiếu với các tiêu chuẩn, với thực tế năng lực của cán bộ, nếu người nào không đảm bảo được thì phải kiên quyết đưa vào diện tinh giản. Một khi đã rõ vấn đề này thì cơ quan quản lý cấp trên cũng phải có ý kiến phê duyệt để tránh việc “quan hệ cá nhân”, ngại đụng chạm.
Để đưa một con người ra khỏi vị trí công vụ không phải là việc đơn giản, không phải anh quyết là xong mà đó là một quá trình vận động, xem tâm tư, tâm lý cán bộ thế nào. Đến giai đoạn năng lực của cán bộ không đáp ứng, không phù hợp với vị trí công vụ thì cũng không thể đưa họ ra ngoài ngay được.
Chủ trương tinh giản có từ đầu những năm 2000 đã đưa ra 3 cách để đưa cán bộ ra khỏi công vụ đó là: tiêu chí không đảm bảo thì cho đi đào tạo; chuyển đơn vị từ khu vực công sang đơn vị tự chủ, tự chịu trách nhiệm; bồi dưỡng họ chuyển ngạch sang lĩnh vực khác, chứ không phải đưa họ ra khỏi công vụ như cách “vắt chanh bỏ vỏ”.
Theo đó, phải đề cao trách nhiệm của tập thể, cá nhân. Nếu đơn vị nào không làm được điều đó thì nhất thiết phải quy trách nhiệm của cơ quan tổ chức nhân sự và người đứng đầu.
PV: Có ý kiến cho rằng, để bộ máy tinh gọn cần phải vượt qua rào cản đó là tình trạng nể nang, ngại va chạm, vì lợi ích riêng của ngành, địa phương? Ý kiến của ông như thế nào?
Ông Thang Văn Phúc: Đúng như vậy. Phải vượt qua rào cản nể nang, né tránh, ngại va chạm thì mới tinh gọn được bộ máy. Bây giờ không phải có nhiều bằng cấp thì mặc định là tốt. Quan trọng nhất, cán bộ, công chức phải là những con người thực tài, thực việc.
Cái chính là phải tôn trọng sự cống hiến, làm việc hiệu quả hay kết quả thực của họ. Để đánh giá đúng cán bộ, đòi hỏi người lãnh đạo, cơ quan tổ chức nhân sự phải công tâm, khách quan.
Nếu không có các giải pháp kịp thời, mau lẹ thì khó đạt được các mục tiêu đã đề ra. Vì vậy, chúng ta cần phải "xắn tay áo" lên, phải quyết liệt, phải làm việc với tinh thần đầy trách nhiệm với dân, với nước thì mới có thể đạt được mục tiêu đề ra.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Kim Anh/VOV.VN