Tại huyện Kim Sơn, kết thúc nhiệm kỳ 2015-2020, một loạt cán bộ chủ chốt của địa phương nghỉ hưu, có đồng chí được luân chuyển đi nơi khác. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ kế cận tại chỗ chưa tích lũy đủ tiêu chí, chưa đủ thời gian công tác để bổ nhiệm lên vị trí cao hơn. Trước tình hình trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình quyết định luân chuyển, điều động 3 cán bộ từ tỉnh về đảm nhiệm các chức danh bí thư, phó bí thư thường trực, chủ tịch UBND huyện; qua đó kịp thời tăng cường cán bộ cho những địa phương, đơn vị khó khăn, có nhu cầu cấp bách về cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Đánh giá về đội ngũ cán bộ khi được điều động, luân chuyển về huyện Kim Sơn, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình khẳng định, các đồng chí cán bộ được luân chuyển đã khẳng định được năng lực, phát huy tốt sở trường, tinh thần năng động, sáng tạo và có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển của huyện. Cùng với sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, Kim Sơn đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực với 11/12 mục tiêu chủ yếu đạt và vượt tiến độ. Một trong những kết quả nổi bật là Kim Sơn đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong năm 2023 và đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, đề nghị Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới. Đây là tiền đề quan trọng để toàn tỉnh Ninh Bình phấn đấu đạt mục tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.
Cán bộ xã Yên Hòa, huyện Yên Mô vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. |
Thực hiện các quy định của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ (Quy định số 98-QĐ/TW ngày 7-10-2017, Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28-4-2022), ngay từ đầu nhiệm kỳ, sau khi xây dựng quy hoạch cán bộ, Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 39-KH/TU ngày 1-11-2021 về luân chuyển cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Tỉnh ủy Ninh Bình xác định, luân chuyển cán bộ vừa để đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả cán bộ, vừa tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng được rèn luyện thực tiễn. Quan điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình là luân chuyển cán bộ phải bảo đảm tính liên thông, có luân chuyển dọc, luân chuyển ngang giữa các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị toàn tỉnh. Luân chuyển cán bộ từ tỉnh về huyện, thành phố; từ huyện, thành phố sang địa phương khác; luân chuyển cán bộ giữa các cơ quan, đơn vị khối Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội...
Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Quốc Toản, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Ninh Bình cho biết, Ninh Bình có khó khăn là địa bàn nhỏ, đơn vị hành chính ít nên dư địa luân chuyển rất hạn chế so với các địa phương có nhiều đơn vị hành chính. Từ thực tiễn cho thấy, khi luân chuyển cán bộ về cơ sở sẽ mang lại hiệu quả rõ nét hơn là luân chuyên ngang từ khối này sang khối kia. Nhất là cán bộ trẻ luân chuyển về cơ sở sẽ phát huy trí tuệ, năng lực, tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để thúc đẩy địa phương phát triển; đồng thời, đây cũng là môi trường tốt để cán bộ được rèn luyện, thử thách và tích lũy kinh nghiệm thực tiễn từ cơ sở. Có đồng chí khi luân chuyển về địa phương được tín nhiệm cao và phát triển tại chỗ lên vị trí cao hơn.
Một trong những yêu cầu quan trọng trong công tác luân chuyển cán bộ được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát đó là công tác đánh giá cán bộ luân chuyển. Để bảo đảm đánh giá khách quan, thực chất, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình yêu cầu định kỳ hằng năm hoặc đột xuất, cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị nơi có cán bộ luân chuyển đến phải tiến hành nhận xét, đánh giá cán bộ luân chuyển theo các tiêu chí quy định. Việc đánh giá cán bộ luân chuyển theo kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đảng bộ và gắn với lĩnh vực cán bộ được phân công phụ trách. Song song với việc đánh giá cán bộ theo các tiêu chí của Trung ương, tỉnh Ninh Bình còn tiến hành đánh giá cán bộ hằng năm theo tiêu chí riêng của tỉnh, một số huyện đánh giá cán bộ hằng tháng. Bên cạnh đó, thông qua việc phân công từng đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, phụ trách đảng bộ các huyện, thành phố sẽ bảo đảm việc đánh giá cán bộ luân chuyển được tiến hành khách quan, toàn diện, thường xuyên qua nhiều kênh thông tin.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Quốc Toản, công tác luân chuyển cán bộ ngoài những mục đích, yêu cầu trên còn nhằm bảo đảm thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy không là người địa phương. Từ năm 2016 đến nay, Ninh Bình đã luân chuyển, điều động 71 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Đến nay, toàn tỉnh có 7/8 bí thư, 6/8 chủ tịch UBND huyện, thành phố không là người địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Bình còn đẩy mạnh sắp xếp, bố trí, luân chuyển bí thư, chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn. Trong đó, các địa phương thực hiện luân chuyển cán bộ từ huyện, thành phố xuống xã, phường, thị trấn; luân chuyển từ xã, phường này sang xã, phường khác. Đến nay, tại các xã, phường, thị trấn của nhiều địa phương như các huyện Yên Mô, Nho Quan, TP Ninh Bình... đều có cán bộ luân chuyển. Toàn tỉnh Ninh Bình phấn đấu đến hết nhiệm kỳ 2020-2025, cơ bản sắp xếp bí thư cấp ủy không là người địa phương từ tỉnh đến cấp xã, phường, thị trấn...
Nguồn QĐND