Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV khai mạc vào 9h sáng nay (20/5), tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Tại Kỳ họp này, Quốc hội cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội; xem xét thông qua 10 dự án luật; cho ý kiến 11 dự án Luật; cũng như quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Kỳ họp lần này cũng được cử tri và nhân dân quan tâm, kỳ vọng Quốc hội thông qua Nghị quyết cho phép Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Diễn ra ngay sau khi kết thúc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 9, nội dung trọng tâm ngay trong ngày làm việc đầu tiên Kỳ họp thứ 7 là Quốc hội nghe Tờ trình giới thiệu để Quốc hội bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội. Mong muốn của cử tri và nhân dân là sớm kiện toàn các chức danh lãnh đạo để ổn định đất nước, tập trung phát triển kinh tế-xã hội. Trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước gặp nhiều khó khăn, việc sớm kiện toàn các chức danh lãnh đạo sẽ giúp củng cố thêm niềm tin, tạo động lực để cả hệ thống chính trị tập trung hoàn thiện công việc còn nhiều khó khăn phía trước.
10 dự án luật dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, đáng chú ý là dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản...Các dự án luật này đều đã được thảo luận kỹ lưỡng qua nhiều kỳ họp, lấy ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu. Điểm đáng chú ý, nội dung cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế quy định trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ hiện vẫn nhận được nhiều ý kiến khác. Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An nêu rõ quan điểm của Ủy ban là ủng hộ việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông.
Trong 11 dự án Luật cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7, đáng chú ý như Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)... Đây là những dự án luật quan trọng, cấp thiết cần thiết sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Bùi Hoài Sơn cho rằng: "Trong kỳ họp thứ 7 lần này vấn đề rất quan trọng đó là Luật di sản văn hóa (sửa đổi). Thứ hai là Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Đây là những vấn đề hết sức quan trọng đối với sự phát triển văn hóa nước nhà. Nếu chúng ta sửa đổi Luật di sản lần này sẽ bao quát hết được những vấn đề đang bức xúc hiện nay trong di sản; không chỉ là di sản được phát triển tốt, được bảo vệ và phát huy tốt mà còn lan tỏa sang sự phát triển kinh tế, xã hội".
Tại Kỳ họp này Quốc hội cũng quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác như: Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước);.... và tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
Đáng chú ý, Quốc hội cũng cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cho phép Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Luật Đất đai 2024 có hiệu lực sớm sẽ có lợi rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Đại biểu Trần Hữu Hậu, đoàn Tây Ninh cho rằng: Chính phủ đã rất nỗ lực đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật. Khi các văn bản đảm bảo chất lượng, Chính phủ hoàn toàn có thể trình Quốc hội quyết định cho phép luật có hiệu lực sớm hơn.
"Việc Chính phủ đề xuất Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/7/2024 là điều hết sức phù hợp với lòng dân. Luật mới sẽ tháo gỡ rất nhiều vấn đề. Đây là mong mỏi đi vào cuộc sống càng sớm càng tốt. Mong mỏi của doanh nghiệp của người dân. Tôi nghĩ rằng Chính phủ đã lường trước tất cả những việc đấy. Bởi vì có hiệu lực của Luật mà lại chưa có đầy đủ như Nghị định hướng dẫn thi hành" - đại biểu Trần Hữu Hậu cho hay.
Cử tri và nhân dân mong muốn Luật Đất đai năm 2024 sớm đi vào cuộc sống nhằm khơi thông nguồn lực đất đai, kịp thời giải quyết, xử lý dứt điểm các tồn đọng về đất. Nếu được Quốc hội cho phép thực hiện Luật Đất đai từ 1/7/2024 thì sẽ thực hiện sớm hơn so với quy định nửa năm.
Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ xem xét cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Nghệ An và Thành phố Đà Nẵng. Việc có thêm các cơ chế, chính sách đặc thù, nhất là cơ chế đột phá, vượt trội áp dụng cho một số địa phương trong bối cảnh hiện nay là cần thiết bởi mỗi địa phương có tầm nhìn, phương hướng phát triển và "sứ mệnh" riêng trong tổng thể phát triển chung của đất nước. Để đạt tối đa các mục tiêu đề ra, nhất là mục tiêu thúc đẩy sự phát triển chung của cả vùng, khu vực và cả nước, từng chính sách phải có điều kiện bảo đảm để được thực hiện, gắn trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan; bảo đảm lợi ích chính đáng của người dân, hài hòa lợi ích của Nhà nước, của nhà đầu tư; bảo đảm an ninh, quốc phòng, ổn định trật tự xã hội, đời sống nhân dân.
Diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang đứng trước nhiều thách thức, cử tri và nhân dân kỳ vọng các đại biểu Quốc hội phát huy trách nhiệm, trí tuệ, cùng bàn thảo, tích cực hiến kế nhằm tìm ra giải pháp tối ưu tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế - xã hội được Quốc hội đề ra cho năm 2024, tạo nền tảng vững chắc cho việc hoàn thành các mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn 2021 - 2025.