Phát triển lớn mạnh, đóng góp to lớn
Ở nước ta, cộng đồng doanh nghiệp đang ở vào giai đoạn phát triển khá nhanh chóng cũng như được cải thiện dần về chất lượng. Kết quả đó dựa trên 2 trụ đỡ lớn nhất gồm sự tiến bộ tự thân của mỗi doanh nghiệp, doanh nhân và sự hỗ trợ, đồng hành của Nhà nước, xã hội…
Đến nay, Việt Nam đã có hơn 800.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động và con số này sẽ tiếp tục gia tăng qua thời gian. Đặc biệt, bức tranh doanh nghiệp đang trên đà phục hồi rõ nét, cho thấy sự bứt phá, phát triển của đội ngũ này trong bối cảnh hậu dịch Covid-19 mặc dù vẫn đối diện khó khăn, bất lợi. Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 9 tháng năm 2022 là 163.300 đơn vị, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,3 lần mức bình quân trong cùng kỳ giai đoạn 2017-2021.
Đặc biệt, với quan điểm đối xử công bằng, tạo điều kiện cho tất cả doanh nghiệp thuộc thành phần khác nhau nên doanh nghiệp dân doanh Việt Nam đã có bước củng cố, tăng trưởng rất tích cực trong những năm qua. Hiện khu vực này đã đóng góp hơn 40% Tổng sản phẩm trong nước (GDP), tạo việc làm và thu nhập cho 85% lực lượng lao động, trực tiếp thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Đặc biệt, doanh nghiệp cũng ngày càng chủ động tham gia xuất khẩu, giúp Việt Nam mở rộng thị trường cũng như khuyếch trương hình ảnh, thương hiệu quốc gia. Những đóng góp của các doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng to lớn. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022, có đóng góp rất quan trọng của doanh nghiệp, doanh nhân.
Chính các doanh nghiệp dưới sự chèo lái của doanh nhân đã đưa nền kinh tế Việt Nam lọt vào tốp 40 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, đương đầu và vượt qua thử thách của cộng đồng doanh nhân, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu và tiềm lực mang tầm vóc khu vực. Đó là: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam…, bên cạnh những cái tên nổi bật của khu vực tư nhân như: SunGroup, VinGroup, Vinamilk, FPT… Trong giai đoạn khó khăn của dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp cũng đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng, thể hiện rõ trách nhiệm với xã hội.
Tạo điều kiện để doanh nhân đổi mới, sáng tạo
Song, cũng cần nhìn nhận doanh nghiệp Việt vẫn còn không ít hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Đó là, tình trạng thiếu vốn cho hoạt động, mở rộng sản xuất hoặc đầu tư để thay đổi công nghệ, 98% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Cùng với đó, trình độ quản lý, khả năng tiếp thị - xây dựng thương hiệu và kiến thức pháp luật cũng còn hạn chế vẫn là những rào cản rất đáng lo ngại. Những điểm yếu này đang kìm nén, cản bước doanh nghiệp Việt trên đường “vươn ra biển lớn”. Theo chuyên gia kinh tế Vũ Tiến Lộc, đến nay Việt Nam vẫn thiếu nhiều doanh nghiệp tầm vóc đầu đàn, có đủ sức làm điểm tựa để lan tỏa, nâng đỡ những đơn vị nhỏ hơn phát triển và mang tầm ảnh hưởng lớn ở khu vực cũng như thế giới.
Đáng mừng là Chính phủ, các cơ quan chức năng luôn đồng hành, ngày càng quan tâm sâu sát, tạo điều kiện để doanh nhân đổi mới, sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp ra đời và phát triển thông qua nhiều giải pháp thực chất. Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh cho rằng, môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng chuyển biến rõ nét và doanh nghiệp được thụ hưởng một cách thiết thực. Tác phong làm việc cầu thị của đại bộ phận công chức đã mang lại hình ảnh đáng tin cậy, nhận được sự đồng cảm của các doanh nhân, doanh nghiệp. Thêm vào đó, những trợ giúp về đào tạo, công nghệ, thuế, vốn… đang từng bước phát huy hiệu quả, tiếp sức cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đứng trước hoàn cảnh và yêu cầu phát triển mạnh hơn, cả về số lượng và chất lượng, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đang nỗ lực, tự thân vươn lên và cũng để đóng góp nhiều hơn vào đời sống kinh tế - xã hội. Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nhấn mạnh, lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã trưởng thành nhanh chóng, mang theo dấu ấn, bản lĩnh của người Việt. Để đáp ứng với tình hình mới, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đang tiếp tục chuyển mình, hướng tới những giá trị đích thực, bồi đắp tư duy, kiến thức và xây dựng phong cách kinh doanh văn minh, ứng xử nhân văn, trách nhiệm với cộng đồng. Trong giai đoạn hiện nay, 6 tiêu chuẩn cốt lõi về đạo đức, trí tuệ và yêu cầu đối với doanh nhân Việt Nam tiêu biểu là: Tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; tuân thủ pháp luật; minh bạch, công bằng, liêm chính; sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.
Để góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cần “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi”, như văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định.
Theo Hanoimoi.com.vn