Vị đại biểu Quốc hội đoàn Bình Định cho biết, từ giữa năm 2022 trên diễn đàn Quốc Hội, ông từng đề xuất nên xem xét công bố hết Covid-19. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ Y tế chuẩn bị hồ sơ chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B và công bố hết dịch tại Việt Nam. Đến nay, từ kinh nghiệm thực tiễn trải qua các đợt chống dịch, đại biểu cho rằng Việt Nam có thể yên tâm công bố hết Covid-19 bởi đã hội tụ đủ các yếu tố cần thiết. 3 điều kiện cơ bản và cần thiết được chỉ ra là: Covid-19 vẫn còn lây nhiễm trong cộng đồng nhưng không còn nguy cơ gây tử vong cao; Việt Nam đã đạt được tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 cao trên diện rộng; WHO tuyên bố đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi phản ánh nhiều trạm y tế thiếu bác sĩ, nhiều người chuyển sang khu vực tư nhân hoặc đến các đô thị lớn, rất ít sinh viên ra trường chịu về công tác tại y tế cơ sở. Nếu không sớm có chính sách phù hợp thì 10-15 năm nữa, trạm y tế sẽ không có bác sĩ làm việc. Một sinh viên ngành y hiện nay học cũng mất đến 6 năm, chi phí học tập cũng khá cao, có thể gần 200 triệu/năm, nhưng khi ra trường đi làm thì nhận mức lương 5 triệu/tháng. Có nơi phức tạm nên nhân viên y tế, nhất là nữ giới, không dám trực một mình, nên đi trực phải có mẹ, chị, em, hoặc là chồng, con phải đi theo; hoặc là nhờ đồng nghiệp cùng trực rồi chia tiền trực. Tuy nhiên, tiền trực mỗi đêm chỉ 25.000, tiền ăn chỉ 15.000 là rất khiên tốn so với công sức mà đội ngũ này bỏ ra.
Dẫn số liệu cho thấy còn hàng chục 22,1% trạm y tế xa chưa đầu tư kiên cố; nhân lực y tế cơ sở thấp hơn định mức biên chế, thiếu niều so với nhu cầu thưc thế; tình trạng nghỉ việc, thôi việc tăng, việc thu hút bác sĩ về trạm y tế khó khăn,tỉ lệ chi cho y tế cơ sở giảm..., Đại biểu Nguyễn Thành Nam cho rằng chất lượng dịch vụ y tế cơ sở, nhất là tuyến xã không đáp ứng được nhu cầu thực tế. “Nhiều người dân chưa tin tưởng khám chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở nên thường chuyển lên tuyến trên và thực tế không đủ năng lực ứng phó với các tình huống khi dịch bệnh xảy ra” – ông nhấn mạnh và đề xuất nghiên cứu không giảm 10% biên chế y tế cơ sở, có quyết sách quyết liệt, hiệu quả đầu tư cho y tế cơ sở.
Nữ đại biểu cho rằng, khả năng cung ứng và chất lượng dịch vụ y tế của các trạm y tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân. Mặc dù tỷ lệ đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu ở các trạm y tế là khá cao, nhưng số lượng đến khám có xu hướng giảm. Lý do chủ yếu là danh mục thuốc chưa đa dạng, trang thiết bị đã cũ hoặc chưa được trang bị nên người dân còn thiếu tin tưởng. Thực trạng nơi có người làm việc nhưng không có máy móc, nơi có máy móc nhưng lại không có người làm việc, bất cập này vẫn đang xảy ra tại nhiều đơn vị.
Đại biểu dẫn thống kê của Bộ Y tế cho thấy tuổi thọ bình quân của người Việt hiện nay là trên 73 tuổi nhưng tuổi sống khỏe mạnh chỉ là 64, trong đó có 67,2% người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu. Tuổi thọ bình quân của người Việt tăng lên nhưng số năm sống khỏe mạnh lại thấp so với nhiều nước. Số năm sống không khỏe mạnh đồng nghĩa với việc giảm sút chất lượng cuộc sống, chỉ số hạnh phúc không được cải thiện và đồng nghĩa với việc cả cá nhân và xã hội đều phải đối mặt với nhiều áp lực về an sinh và gánh nặng bệnh tật.
Nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương khẳng định Việt Nam là một trong những quốc gia khống chế thành công nhất đại dịch Covid-19 và chìa khoá quan trọng là huy động được nguồn lực vaccine. Tuy nhiên, ông đề nghị ngừng nghiên cứu sản xuất vaccine phòng Covid-19 ở Việt Nam vì đã quá muộn, cần tìm mua loại tốt, giá cả hượp lý để tiêm phòng cho nhân dân. Bộ Y tế cần chú ý sản xuất kit test, vaccine phục vụ chẩn đoán, phòng ngừa nhiều bệnh khác, nhất là các bệnh dịch mới nổi.
Phát biểu trên hội trường, Đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng qua đau thương, mất mát, chúng ta thấy được tinh thần đoàn kết, yêu thương của con người Việt Nam, “lá lành đùm lá rách”, “chia sẻ ngọt bùi”. Tuy nhiên, qua dịch COVID-19 chúng ta thấy rõ hơn lòng tham của một số người, kể cả những người có chức, có quyền đã lợi dụng sự mất mát, đau thương của người dân, của đất nước để cấu kết làm trái quy định pháp luật, làm giàu bất chính và thực tế đã bị pháp luật nghiêm trị.
Đại biểu Dương Văn Phước phản ánh tình hình thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất xảy ra phổ biến ở các bệnh viện và hầu hết ở các địa phương đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Có một thực tế, bệnh viện thiếu thuốc, bệnh nhân phải ra ngoài mua thuốc theo đơn của bác sĩ, vật tư y tế cạn kiệt phải chuyển viện với nhiều phẫu thuật thông thường, máy móc, thiết bị hư hỏng không thể sửa chữa do vướng cơ chế. Việc thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn chưa đến hồi kết.
“Thời gian qua, đất nước đoàn kết vượt qua nhiều khó khăn nhất. Nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, chúng ta đã mát nhiều cán bộ, mà mất người là mất mát lớn nhất” – Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân bày tỏ. Nữ đại biểu cho rằng báo cáo giám sát chưa thống kê, phân tích tổng thể tình hình cả nước số tổ chức, cá nhân vi phạm, nội dung vi phạm và căn cứ pháp luật áp dụng để xử lý vi phạm đó. Đối với những người dám nghĩ, dám làm vì tính mạng, sức khoẻ nhân dân, trong bối cảnh cấp bách, pháp luật chưa có quy định hoặc quy định không rõ ràng, hoặc quy định không thể thực hiện được thì cần được đánh giá toàn diện, thấu tình đạt lý.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề xuất Bộ Y tế tổng rà soát, tham mưu cho Chính phủ Đề án về nguồn nhân lực y tế khu vực công đến năm 2030 một cách căn cơ, chiến chiến lược trong tình hình mới. Điều này rất quan trọng vì số viên chức thôi việc, bỏ việc trong thời gian vừa của ngành y tế chiếm tới 25% trong tổng số hơn 39.000 người thôi việc, nghỉ việc. Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng sẽ phối hợp để tham mưu hoàn thiện tổ chức bộ máy và chính sách tiền lương, sử dụng, đào tạo đảm bảo đúng quan điểm ngành y là ngành đặc biệt thì sử dụng, đãi ngộ cũng phải có chính sách đặc biệt./.
Ngọc Thành - Hà Phương/VOV.VN