PGS, TS Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực 3 cho rằng, khu vực miền Trung đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức ở những mức độ khác nhau trong việc phát triển bền vững kinh tế biển; đặc biệt là trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu.
Bên cạnh đó, việc khai thác tài nguyên biển như hiện nay dẫn tới sự suy giảm, cạn kiệt nhiều nguồn lợi từ biển mà không biết đến bao giờ mới có thể tái tạo lại được như trước đây. Môi trường biển đang chịu nhiều thách thức và các mối đe dọa trầm trọng khi các địa phương, các cư dân ven biển ngày càng gia tăng các hoạt động kinh tế ven biển. Nhiều cửa sông ven biển bị ô nhiễm do nước thải từ các khu công nghiệp, khu đô thị thải ra; cùng với đó là sự gia tăng về mức độ ảnh hưởng của bão, lũ do biến đổi khí hậu đối với bờ biển...
Một đoạn kè biển ở bãi tắm Mân Thái (quận Sơn Trà) bị sạt lở sau bão số 13. Ảnh: Đà Nẵng online
Ông Nguyễn Văn Hải Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết: bờ biển miền Trung bị nhiều thiệt hại vì tình trạng nước biển dâng do bão, triều cường, sóng biển cao, xâm thực sâu làm nhiều đoạn kè bị sóng biển tàn phá đe dọa cơ sở hạ tầng và nhà dân ở bên trong, nhà dân bị đổ sập, khu vực kinh doanh ven biển bị xâm thực. Hiện có đến 88 vị trí sạt lở với tổng chiều dài hơn 129km. Sau đợt bão, lũ kéo dài trong tháng 10 và 11, tình trạng xói lở diễn ra với quy mô, tốc độ ngày càng gia tăng, trầm trọng hơn với thêm 20,3km bờ biển bị sạt lở. Kinh phí cần để đầu tư khắc phục sạt lở là hơn 12.000 tỷ đồng.
Bên cạnh ảnh hưởng liên tiếp của các cơn bão mạnh, tác động bởi các yếu tố thời tiết cực đoan, việc xói lở bờ biển còn xuất phát từ nguyên nhân mất cân bằng, thiếu hụt bùn cát; khai thác cát sỏi quá mức trên sông, khai thác cát ven biển; lấn chiếm, phá hoại đụn cát ven biển, rừng phòng hộ ven biển; khơi thông, nạo vét luồng lạch khu vực cửa sông; xây dựng các công trình đê ngăn cát, giảm sóng chưa phù hợp.
Đặc biệt, nguyên nhân sạt lở bờ biển còn do việc phát triển dân sinh, kinh tế ven biển thiếu quy hoạch, không bảo đảm tính bền vững; chẳng hạn: xây dựng nhà cửa, khu du lịch, công nghiệp, công trình, hạ tầng sát biển thậm chí lấn biển; tình trạng xử lý sạt lở tự phát, manh mún, áp dụng giải pháp kỹ thuật chưa phù hợp; thiếu đồng bộ từ quy hoạch đến thiết kế, thi công và quản lý sau đầu tư....
Ông Nguyễn Văn Hải khuyến nghị các địa phương tăng cường công tác quản lý các dải cồn cát ven biển, rừng ngập mặn khu vực cửa sông, các công trình bảo vệ bờ hiện có; tổ chức giám sát, cập nhật các vị trí sạt lở để kịp thời cảnh bảo, hướng dẫn người dân di dời ra khỏi khu vực sạt lở... Đồng thời, rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch dân cư, phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven biển; xây dựng giải pháp quản lý tổng hợp vùng bờ biển, giám sát chặt chẽ việc xây dựng các công trình du lịch, dân sinh ven biển; tổng hợp, đề xuất Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tăng cường khả năng chống chịu khu vực ven biển...
Theo nhóm nghiên cứu Nguyễn Thanh Hùng, Vũ Đình Cương, Nguyễn Văn Hùng thuộc Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về động lực học sông biển (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam), tình trạng xói lở bờ biển đang gây ra những hậu quả nặng nề, nhất là thiệt hại trực tiếp về sinh mạng, tài sản và đất đai; phát triển kinh tế-xã hội kém bền vững do hiệu quả đầu tư thấp, hạn chế khả năng đầu tư lớn và dài hạn, tâm lý không ổn định trong đời sống và sản xuất của người dân ven biển miền Trung...
Nhóm nghiên cứu đề nghị, việc triển khai các giải pháp phòng chống xói lở bờ biển cần được tiến hành đồng bộ và toàn diện từ vĩ mô đến cụ thể, từ trực tiếp đến gián tiếp, từ phi công trình đến giải pháp công trình và các giải pháp cần được nghiên cứu phù hợp với từng đoạn bờ biển cụ thể. Đồng thời cần đưa ra giải pháp tổng thể nằm trong khuôn khổ quản lý tổng hợp dải ven biền miền Trung kết hợp với quản lý theo lưu vực sông và xây dựng chiến lược lâu dài...
Các đơn vị chức năng ép cọc cừ bảo vệ tuyến đường Võ Nguyên Giáp tại khu vực phía trước cửa xả Mỹ An. Ảnh: Đà Nẵng online
PGS. TS Trương Minh Dục, Học viện Chính trị khu vực 3 đề nghị, việc phát triển kinh tế ở khu vực ven biển miền Trung phải gắn với bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu. Theo đó, cần coi trọng công tác nghiên cứu, dự báo và thực hiện các giải pháp ứng phó với quá trình biển đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên và bảo vệ môi trường phù hợp với đặc điểm từng vùng, địa phương nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân và xã hội.
Đồng thời tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển trên tất cả các lĩnh vực như: kinh tế hàng hải, thủy sản, du lịch... ; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, đặc biệt là quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất, nước, khoáng sản và các nguồn tài nguyên khác./.
Theo Đà Nẵng online