Kinh tế tăng trưởng dương
Dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, năm 2020, Việt Nam vẫn là một trong số rất ít quốc gia có mức tăng trưởng dương (đạt 2,91%). Đây là minh chứng cho sự quyết liệt, hiệu quả trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa nỗ lực duy trì tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm 2020, cho thấy dịch Covid-19 ngày càng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến “sức khỏe” của nền kinh tế. Tuy vậy, vẫn có những con số đáng ghi nhận, như là chỉ dấu để thúc đẩy phục hồi kinh tế mạnh mẽ khi dịch bệnh được kiểm soát. Đó là, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng qua đạt 240,5 tỷ USD, tăng 18,8%; vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 22 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020; chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng được khống chế ở mức tăng 1,82%...
Đánh giá về kinh tế 9 tháng năm 2021, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng, mức tăng 1,42% tuy thấp nhưng là thành công trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi lĩnh vực kinh tế. Đáng chú ý, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, với tốc độ tăng 6,05%, đóng góp 1,53 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chứng tỏ được vai trò là "bệ đỡ" của nền kinh tế trong đại dịch, với mức tăng 2,74%, đóng góp 23,52% vào tổng sản phẩm trong nước.
Thực tế cho thấy, quan điểm chống dịch hiệu quả nhằm bảo vệ sản xuất và bảo đảm sản xuất để có nguồn lực chống dịch được triển khai linh hoạt ở các địa phương. Điển hình như tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, sản xuất được khôi phục nhanh chóng ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Tại Hà Nội, với việc phân vùng, "vùng đỏ" - nguy cơ cao, việc chống dịch được ưu tiên, nhưng với "vùng xanh" - vùng an toàn, được nới lỏng các biện pháp chống dịch để tạo điều kiện khôi phục nhanh sản xuất, kinh doanh.
Thành phố đã hướng dẫn doanh nghiệp phương án sản xuất an toàn, chỉ đạo các địa phương không phát sinh thêm thủ tục trong quá trình hỗ trợ phục hồi sản xuất. Tại kỳ họp thứ hai HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, 8 tháng của năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng thành phố đã hoàn thành 3 nhiệm vụ rất quan trọng, trong đó phòng, chống hiệu quả dịch Covid-19 và tập trung tháo gỡ khó khăn, duy trì được chuỗi liên kết sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, gần 2 năm qua, kinh tế thế giới lao dốc, rơi vào đình trệ, suy giảm sâu. Việt Nam cũng không là ngoại lệ, nhưng chống dịch thu được kết quả đáng ghi nhận chính là sự hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư, để họ tiếp tục xác định Việt Nam là điểm đến đáng tin cậy cho dòng vốn quốc tế.
Tiếp tục hành động quyết liệt
Thực tế cũng cho thấy, chống dịch và duy trì phát triển kinh tế là hai “mặt trận” song hành. Chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 vào ngày 23-9 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu, “kinh tế là cơ sở, là nền tảng” trong việc thực hiện mục tiêu vừa chống dịch, vừa sản xuất kinh doanh, phấn đấu phục hồi tốc độ tăng trưởng.
Trên nguyên tắc là an toàn đến đâu nới lỏng đến đó, từng khu vực, địa phương cập nhật tình hình để ứng phó kịp thời nhằm tạo điều kiện tối đa cho việc thiết lập trạng thái “bình thường mới”. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển kinh tế, Bộ đang xây dựng, trình Chính phủ xem xét, ban hành Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023. Bên cạnh đó, các địa phương xây dựng và công bố kế hoạch phục hồi kinh tế trong tình hình mới gắn với phục hồi các ngành, lĩnh vực trọng tâm trên địa bàn, kết hợp an sinh xã hội và đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế.
Hiện các bộ, ngành, địa phương đang tiếp tục hành động quyết liệt, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng với tinh thần sẻ chia. Đơn cử, Bộ Giao thông - Vận tải phối hợp với Bộ Công an, các địa phương thống nhất ứng dụng phần mềm khai báo thông tin cho phương tiện vận chuyển hàng hóa trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19. Ngành Tài chính kịp thời triển khai chính sách miễn, giảm thuế, phí cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ngành Ngân hàng tiếp tục chia sẻ lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, giúp doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn...
Tại Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cho biết, thành phố phấn đấu với kịch bản cơ sở là quý IV-2021 tăng trưởng 6,98% và cả năm 2021 đạt 4,54%. Thành phố phân công nhiệm vụ đến từng ngành, đơn vị để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tăng cường các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút nguồn lực; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp...
Chính phủ đang xây dựng hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19”, trong đó có giải pháp giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh và đã đề xuất Quốc hội sửa một số luật để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Cùng với việc chống dịch đã có dấu hiệu khả quan, đó là những tiền đề để cả nước khẩn trương chuyển động phục hồi sản xuất, kinh doanh trong trạng thái "bình thường mới", duy trì và gia tăng nguồn lực để tiếp tục phòng chống dịch hiệu quả, bền vững hơn.
Theo Hanoimoi.com.vn