Phát triển nông thôn toàn diện với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc. Ảnh minh họa: Internet
Cụ thể hóa và triển khai thực hiện quan điểm, chủ trương và giải pháp tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh". Xây dựng nền nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, năng suất bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, đồng thời chủ động tham gia đóng góp vào các nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, phù hợp với khả năng và điều kiện của Việt Nam. Phát triển quy mô sản xuất hàng hoá nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước.
Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, trình độ và năng lực làm chủ của người dân, để nông dân và người dân nông thôn thực sự là trung tâm, chủ thể, động lực, mục tiêu của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Không ngừng nâng cao vị thế làm chủ của người dân nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển của đất nước. Phát triển nông thôn toàn diện với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; bảo đảm mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản và có chất lượng; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.
Thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào khu vực nông nghiệp nông thôn; xây dựng cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả, hợp lý.
Để thực hiện mục tiêu trên, Chính phủ đưa 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:
Một là, đổi mới công tác truyền thông, thống nhất nhận thức, hành động về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Xây dựng, tổ chức các chương trình tuyên truyền, học tập, quán triệt thông qua các phương tiện truyền thông, các hội nghị, hội thảo và các hình thức khác để phổ biến, nâng cao nhận thức về các mục tiêu, định hướng và giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TW và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn và các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn cho các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân.
Hai là, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống của nông dân và cư dân nông thôn. Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, rút ngắn khoảng cách tỷ lệ lao động qua đào tạo giữa khu vực nông thôn và thành thị. Xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, khu vực nông thôn.
Ba là, thực hiện đột phá chiến lược trong phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hoá; xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa khu vực nông thôn; phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
Bốn là, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Nghiên cứu hoàn thiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, cá nhân, nhất là doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Xây dựng các chương trình, đề án mang tính đột phá về khoa học công nghệ, đặc biệt trong ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ chế biến phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chủ động thích ứng biến đổi khí hậu.
Năm là, hoàn thiện thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành bảo đảm phù hợp với các chủ trương, định hướng, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 19-NQ/TW và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn để đề xuất điều chỉnh và tổ chức triển khai toàn diện, có hiệu quả. Hoàn thiện đồng bộ, toàn diện thể chế kinh tế thị trường về huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thu hút, thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nghiên cứu những cơ chế, chính sách mới hoặc sửa đổi, bổ sung những chính sách hiện có để tạo động lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là các chính sách về đất đai, đầu tư, bảo hiểm, tín dụng, tổ chức sản xuất, mở rộng thương mại nông, lâm, thủy sản.
Sáu là, đổi mới tổ chức, hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển thị trường trong nước và nâng cao hiệu quả xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đẩy mạnh đổi mới và tổ chức lại sản xuất ngành nông nghiệp theo mô hình hợp tác xã hợp tác, liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, tích hợp đa giá trị, liên ngành, liên vùng. Xây dựng, thực hiện các chương trình, đề án tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới có hiệu quả; chuyển mạnh từ sản xuất lấy số lượng làm mục tiêu sang nâng cao chất lượng, hiệu quả, đáp ứng được các tiêu chuẩn cao của khu vực và thế giới
Bảy là, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đối khí hậu. Xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa về tài nguyên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, có cơ chế và chế tài cho việc cập nhật thường xuyên và phân quyền truy cập phù hợp. Triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng gắn với các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, bảo vệ môi trường và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tám là, tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế. Xây dựng, thực hiện các chương trình, đề án nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế về nông nghiệp, nông thôn cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan. Chủ động, tích cực tham gia các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế có liên quan, thúc đẩy các sáng kiến do Việt Nam đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt, góp phần nâng cao vị thế, tạo điều kiện để lồng ghép các ưu tiên, thúc đẩy lợi ích của đất nước.
Chín là, giám sát đánh giá. Xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án đào tạo nâng cao năng lực công tác thống kê, dự báo đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành và phục vụ sản xuất, kinh doanh ngành nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ quản lý của các bộ, ngành trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Giám sát, đánh giá các chương trình, đề án, dự án tiến hành định kỳ 5 năm, hàng năm hoặc đột xuất./.
Theo Kinh tế và Dự báo