Ngày 31/8 là hạn cuối giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho lao động. Đã có 22 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ giải ngân 100%, bước đầu hoàn thành việc giải ngân gói hỗ trợ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Gần 3 triệu người lao động được nhận hỗ trợ. Cho đến nay những chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã cho thấy hiệu quả. Nếu như quý I vẫn còn gần 17 triệu người bị tác động thì đến quý II đã giảm một nửa chỉ còn 8 triệu người chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh.
Măc dù vậy chăm lo đời sống cho người lao động không chỉ là trong COVID-19. Quan tâm đúng mức đến quyền lợi, đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động... là yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tại Hội nghị "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập" diễn ra mới đây.
Hiện nay số lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp lên tới hơn 5 triệu người. Đây là lực lượng làm ra của cải vật chất cho xã hội và đóng góp lớn vào sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, đời sống vật chất của người lao động vẫn còn nhiều khó khăn. Với họ, mỗi ngày chỉ có 1 điệp khúc là nhà máy - nhà trọ và ngược lại.
Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu đời sống văn hoá, tinh thần càng trở nên cần thiết và nó có khả năng tái tạo sức lao động, tăng cường khả năng sáng tạo của mỗi công nhân. Thế nhưng thực tế đời sống văn hóa tinh thần của người lao động vẫn còn rất đơn điệu, thiếu thốn.
Quan tâm đúng mức đến quyền lợi, đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động... là điều kiện để phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập. Ảnh minh họa.
Một khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho thấy, hơn 60% công nhân ở các khu công nghiệp không xem ti vi, nghe đài; 85% không đọc sách, báo; 80% không tập thể dục, thể thao thường xuyên; 65% không tham gia vào các hoạt động văn nghệ quần chúng… Những con số thể hiện sự nghèo nàn trong đời sống tinh thần của công nhân hiện nay.
Tại các khu công nghiệp của Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện có trên 70.000 lao động, trong đó phần lớn là lao động ở ngoài tỉnh. Trong số này, ngoài một số ít lao động kỹ thuật cao có cuộc sống khá, đại đa số là những lao động nghèo đến Bà Rịa - Vũng Tàu mưu sinh, mong đủ kiếm sống và tích góp để gửi về quê phụ giúp gia đình. Cường độ làm việc tại các doanh nghiệp rất cao, thời gian chặt chẽ chủ yếu theo ca, nên việc tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao cho công nhân hết sức khó khăn.
Mặt khác, công nhân cũng chưa tìm được điểm vui chơi giải trí phù hợp với mình vì thiếu vắng các thiết chế văn hóa công lập, trong khi các điểm vui chơi văn hóa giải trí mang nặng tính dịch vụ lại thường dành cho đối tượng thu nhập cao.
Theo thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chỉ có khoảng 10% trong tổng số gần 12.000 doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng được các công trình văn hóa, thể thao, giải trí phục vụ công nhân.
Người lao động chủ yếu chỉ được tham gia những sân chơi mang tính sự kiện, tổ chức đông người. Tuy nhiên, 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19 các hoạt động do các cấp công đoàn tổ chức đều phải tạm ngưng hoặc hạn chế số người.
Thực trạng kinh tế eo hẹp, thời gian làm việc kéo dài, loại hình giải trí nghèo nàn, thiếu thiết chế văn hóa cơ bản khiến cho công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất không có điều kiện để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần dẫn tới hệ lụy là 28% công nhân có xu hướng và lối sống buông thả, thực dụng; 22% sống ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân.
Công tác chăm lo cho đời sống công nhân luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm nhưng vì sao cho đến thời điểm này, vấn đề này lại được nói đến nhiều hơn? Vai trò của các chủ doanh nghiệp cũng cần phải có chính sách quan tâm, chăm lo cho người lao động nhưng có chỗ làm tốt, có chỗ không - nguyên nhân do đâu?
Xung quanh các vấn đề trên, chương trình Vấn đề hôm nay với sự tham gia của ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có những phân tích, bình luận chi tiết.
Nguồn VTV