Tự do ngôn luận, tự do báo chí là những quyền cơ bản của con người đã được Việt Nam cam kết thực hiện theo những nguyên tắc chung của Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề nhạy cảm mà các thế lực thù địch, phản động, bất mãn chính trị thường lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhân ngày báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, phóng viên VOV phỏng vấn Phó Giáo sư - Tiến sĩ Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người về đấu tranh chống các quan điểm xuyên tạc tự do báo chí ở Việt Nam:
PV: Thưa Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tường Duy Kiên, trước hết ông có thế cho biết là “tự do báo chí, tự do ngôn luận” nhìn từ góc độ của luật pháp quốc tế thì được quy định như thế nào?
PGS.TS Tường Duy Kiên: Tự do báo chí trên bình diện quốc tế được quy định cả trong tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 và sau này là Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 đã quy định trong Điều 19 rất rõ. Đó là mọi người giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp, tức là mình suy nghĩ như thế nào là quyền tuyệt đối, không ai có quyền bắt phải thay đổi quan điểm. Nhưng khi suy nghĩ của mình được bày tỏ ra mà lại được thể hiện ra là tự do ngôn luận thì quyền này là quyền bị hạn chế. Hạn chế này theo quy định của quốc tế là để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự công cộng, bảo vệ sức khỏe, đạo đức của xã hội.
Trong tuyên ngôn thế giới về quyền con người, người ta cũng khẳng định rõ, khi thụ hưởng những quyền tự do cá nhân thì phải chịu những hạn chế do luật quy định để nhằm mục đích bảo đảm thừa nhận tôn trọng quyền tự do của người khác. Trên thế giới người ta đều cấm các tự do mà xâm phạm đến trật tự công cộng, đến đạo đức và đến an ninh quốc gia.
Những quan điểm phủ nhận tự do báo chí ở Việt Nam là cố tình xuyên tạc và kích động dư luận
PV: Ở Việt Nam, chúng ta có quan điểm như thế nào về tự do báo chí?
PGS.TS Tường Duy Kiên: Theo quy định ở Điều 25, Hiến pháp năm 2013, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và có quyền được tiếp cận thông tin. Chúng ta đã xây dựng được Luật Báo chí năm 2016, quy định rất rõ quyền tự do báo chí của công dân. Công dân có quyền được sáng tạo các tác phẩm báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí, tiếp cận thông tin báo chí.
Về quyền tự do ngôn luận trên báo chí, pháp luật Việt Nam quy định rất rõ đó là công dân có quyền phát biểu ý kiến của mình về tình hình đất nước, thế giới; người dân có quyền góp ý, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội.
Tuy nhiên, theo Luật Báo chí của ta cũng như các quy định của luật pháp Việt Nam, nếu anh đăng phát những thông tin chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, trong đó có việc xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân, gây chiến tranh tâm lý, đăng những thông tin gây chia rẽ các tầng lớp nhân dân, những nội dung kích động chiến tranh, chống lại độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Nhà nước CHXHCN Việt Nam, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm dân tộc, tiết lộ thông tin thuộc bí mật Nhà nước...là những hành vi pháp luật Việt Nam cấm.
Các quy định của Luật Báo chí của chúng ta là phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế
PV: Như vậy, luật pháp quốc tế cũng như luật pháp của Việt Nam đều có những quy định, xác định rất rõ về quyền tự do báo chí của công dân, vậy tại sao trong thời gian qua một số người luôn lớn tiếng phủ nhận tự do báo chí ở Việt Nam?
PGS.TS Tường Duy Kiên: Có nhiều lý do, theo chúng tôi, một là họ không hiểu, hoặc là họ biết nhưng cố tình không hiểu và xuyên tạc. Theo tôi, những quan điểm cho rằng chúng ta không có tự do báo chí là cố tình xuyên tạc và kích động dư luận.
PV: Như vậy, những người cố tình vu cáo Việt Nam, không phải là họ không hiểu thế nào là tự do báo chí mà thực chất ẩn sau đó là một động cơ chính trị?
PGS.TS Tường Duy Kiên: Không phải là họ không hiểu về tự do báo chí mà họ hiểu nhưng họ cố tình xuyên tạc. Đây là họ lợi dụng vào những sơ hở, những thiếu sót trong việc chúng ta thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước để họ vu cáo.
Khi trao đổi với nhiều giáo sư nước ngoài tôi có nói khi họ đến Việt Nam, họ có thể sử dụng Internet tự do thoải mái mà không có vấn đề gì. Nhưng ở một số nước, việc tiếp cận Internet còn khó khăn gấp nhiều lần so với Việt Nam. Cho nên, ở đây, một số thế lực cố tình đưa ra những nhận định, đánh giá sai lệch, thiếu khách quan về tự do báo chí để vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, vi phạm quyền con người hòng hạ thấp Việt Nam trên trường quốc tế.
Minh chứng sinh động nhất về tự do báo chí
PV: Theo ông, đâu là những thành tựu nổi bật trong việc bảo đảm quyền tự do báo chí ở Việt Nam, đặc biệt trong những năm gần đây?
PGS.TS Tường Duy Kiên: Thành tựu trên lĩnh vực bảo đảm quyền con người, quyền tự do báo chí của Việt Nam chúng ta là rất lớn. Tôi chỉ nói đến các cơ quan thông tấn báo chí, 857 cơ quan báo chí tính đến cuối năm 2016; rồi hệ thống Internet của chúng ta phát triển rất nhanh. Đi các nước trên thế giới chúng ta thấy vào khách sạn, đến các nơi công cộng sử dụng Internet còn phải trả phí nhưng ở Việt Nam, hiện nay nhiều thành phố lớn, các nhà hàng, nơi công cộng chúng ta phổ cập Internet, mọi người dân có quyền truy cập, thậm chí là miễn phí, tự do.
Ở Việt Nam, báo chí trong thời gian qua thực sự trở thành cầu nối giữa “ý Đảng lòng dân” đã tạo sự đồng thuận trong xã hội, thúc đẩy công cuộc xây dựng đất nước, là phương tiện để người dân kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật, đóng góp ý kiến phản biện đối với các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Và đây là công cụ xã hội bảo vệ quyền của người dân. Đó là minh chứng sinh động nhất cho việc bảo đảm tự do báo chí ở Việt Nam.
PV: Như ông vừa chia sẻ, chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu trong việc bảo đảm quyền con người, quyền tự do báo chí. Nhưng các thế lực thù địch, phản động vẫn cố tình phớt lờ để chống phá đất nước chúng ta. Vậy, theo ông, báo chí cần có sự vào cuộc như thế nào để góp phần đẩy lùi những thông tin xấu độc?
PGS.TS Tường Duy Kiên: Trước những quan điểm sai trái, các thế lực thù địch lợi dụng để vu cáo chúng ta, theo chúng tôi, các phóng viên phải nắm vững quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước của chúng ta về quyền con người, về quyền tự do báo chí và nhất là phải nắm thật vững các quy định của pháp luật.
Mỗi nhà báo phải không ngừng học tập, trau dồi đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn, tự giác học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, tấm gương Hồ Chí Minh nhất là nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, đạo đức cách mạng để mà chúng ta phản bác các luận điệu tuyên tuyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch phản động vì quyền lợi của nhân dân, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Văn Lực/Trung tâm PT-TH Quân đội (Thực hiện)