Các chuyên gia kinh tế nhận định, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu “tác động kép” từ các yếu tố tiêu cực, khó dự báo từ kinh tế thế giới và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm. Trong khi đó, xuất - nhập khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu, thế giới chưa ra khỏi vòng xoáy của lạm phát, biến động tiêu cực của thị trường ngoại hối, các đồng tiền biến động mạnh, dòng chảy thương mại bế tắc, nhiều đối tác chủ lực sụt giảm…
Do đó, những hỗ trợ từ chính sách tài khóa tiếp tục giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế, bởi sức lan tỏa rộng hơn và tác động tích cực đến đại đa số đối tượng trong nền kinh tế. Điều quan trọng là với nguồn lực ngân sách còn eo hẹp của nước ta, phải triển khai các hỗ trợ từ chính sách tài khóa sao cho hiệu quả nhất, phát huy cao nhất từng đồng vốn ngân sách bỏ ra hỗ trợ nền kinh tế.
Hỗ trợ tài khóa qua việc gia hạn thời hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 được cộng đồng DN đón nhận. Nhưng về bản chất, đây chỉ là khoản nợ chưa thu và cuối năm vẫn thu vào ngân sách, nên mới giúp giải quyết khó khăn trước mắt về dòng tiền lưu động cho DN.
Nhưng bắt đầu từ ngày 1/7, 2 khoản hỗ trợ từ chính sách tài khóa là giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, láp rắp trong nước; giảm 2% thuế VAT đối với hầu hết mặt hàng đang chịu thuế VAT 10%, chính là những khoản “tiền tươi thóc thật” mà DN được hưởng.
Ông Đậu Anh Tuấn, phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ, đây là chương trình rất có ý nghĩa trong bối cảnh DN và người dân đang hồi phục sau dịch. “Trong nhiều nhóm hỗ trợ, VCCI đánh giá cao giảm thuế VAT 2%. Về hiệu quả các chương trình như vốn, lao động… việc giảm thuế VAT thiết thực, tác động trực tiếp đến đông đảo người dân và DN, trong khi các chương trình khác hướng đến 1 nhóm nhất định, diện thực hiện rộng. Đây là ưu việt của chính sách, tổ chức thực thi không phức tạp như một số hỗ trợ khác, thể hiện Chính phủ đồng hành với DN, người dân", ông Tuấn nói.
Tất nhiên, đã là hỗ trợ “tiền tươi thóc thật” thì ngân sách Nhà nước sẽ chịu sức ép hụt thu nhất định. Theo tính toán của Bộ Tài chính, khoản hỗ trợ giảm lệ phí trước bạ cho ô tô ước khoảng 6.000 tỷ đồng, giảm thuế VAT khoảng 24.000 tỷ đồng. Tính chung, ngân sách Nhà nước nửa cuối năm sẽ giảm thu khoảng 30.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng của Công ty chứng khoán SSI đánh giá, về ngân sách sẽ không quá lo, như năm 2022 giảm thuế VAT nhưng tăng trưởng tốt nên mức thu VAT còn hơn dự toán. Năm nay kinh tế tăng trưởng chậm hơn nên có thể làm ngân sách giảm hơn chút, nhưng chúng ta đang thiên về chính sách tiền tệ mà tài khóa hơi ít nên làm mạnh VAT không có vấn đề và hàm lượng chính sách tài khóa cần nhiều hơn.
“Về tác động VAT với các ngành kinh tế, tôi cho rằng với khó khăn hiện nay, hàm lượng hỗ trợ và số lượng ngành hỗ trợ tương tự năm ngoái, nên giảm VAT giúp giá cả mặt bằng giảm, kích thích tiêu dùng, nhưng chỉ là bớt khó khăn hơn chứ chưa phải các ngành được hỗ trợ sẽ tăng trưởng tốt", ông Hưng nhìn nhận.
Bộ Tài chính cũng nhận định, kinh tế trong nước và quốc tế năm nay vẫn chưa thuận, nên chính sách hỗ trợ tài khóa góp phần chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp và người dân, để sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh, tăng cầu tiêu dùng, giúp thúc đẩy phục hồi kinh tế, cũng là giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách bền vững. Do đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định, ngành tài chính sẽ tiếp tục nỗ lực triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ tài khóa.
“Bộ Tài chính vẫn kiên trì và mong rằng những chính sách tài khóa, cộng với những chính sách khác ở các lĩnh vực khác sẽ giúp nền kinh tế, DN và người dân sớm trở lại quá trình phục hồi và phát triển. Với kết quả đó, thu ngân sách cũng sẽ cải thiện, có thể sẽ thu được nhiều hơn so với những gì chúng ta đã bỏ ra để hỗ trợ. Khi nền kinh tế phát triển, DN cũng phát triển thì đời sống của người dân cũng được cải thiện”, ông Chi bày tỏ.
Đối với khoản giảm thu vào ngân sách Nhà nước, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, sẽ đôn đốc kiểm tra, giám sát, cũng như đẩy mạnh nguồn thu cho ngân sách, chống thất thu thuế, chuyển giá. Đồng thời, thực thi tốt cải cách hành thu, cũng như cải cách các chính sách thuế, từ đó tạo cơ hội tốt nhất cho việc tăng nguồn thu, phòng chống thất thoát, cũng như thu đúng, thu đủ với các ngành nghề, khu vực trong nền kinh tế. Về việc triển khai chính sách hỗ trợ, Bộ Tài chính nhận rõ, nguồn lực ngân sách của nước ta còn eo hẹp nên phải triển khai chính sách sao cho hiệu quả nhất, phát huy cao nhất từng đồng vốn ngân sách bỏ ra hỗ trợ nền kinh tế.
Chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng lưu ý, cần rút kinh nghiệm từ việc triển khai chính sách này trong năm 2022, để làm tốt hơn trong thời gian tới.
"Thực hiện chính sách giảm VAT giai đoạn vừa qua cũng phát sinh nhiều lúng túng, đâu đó có cả khó khăn cho cơ quan quản lý và DN trong tuân thủ, như thay đổi hệ thống hạch toán, hoặc những câu hỏi như giao dịch trước thời hạn nhưng hóa đơn sau thời hạn có được không? Lần này mong rút được kinh nghiệm lần trước, có hỗ trợ và hướng dẫn để việc giảm thuế VAT được thực hiện không gặp khó khăn lúng túng khiến hiệu quả hiệu lực của chính sách bị giảm đi", ông Hiếu lưu ý.
Bên cạnh những chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi kinh tế, một chính sách tài khóa cũng rất quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế, đó là giải ngân đầu tư công. Đây là giải pháp tạo nền tảng hồi phục và phát triển kinh tế, không chỉ trước mắt mà cả lâu dài, vừa cung tiền ra nền kinh tế đúng nơi, đúng chỗ, vừa cải thiện cơ sở hạ tầng tạo nền tảng tăng trưởng về sau.
Do đó, chính sách tài khóa trong những tháng cuối năm nay quan trọng nhất phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công một cách hiệu quả, để có thể chi tiêu hơn 700.000 tỷ đồng nguồn vốn này theo đúng kế hoạch, từ đó tạo ra động lực, nhu cầu hàng hóa, thúc đẩy các ngành nghề trong nền kinh tế tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ. Đây là nhiệm vụ chính trị cực kỳ quan trọng, tạo ra tác động lan tỏa, hiệu quả lớn đối với nền kinh tế.
Như vậy, cả chính sách tài khóa và hỗ trợ tài khóa, sẽ tiếp tục là trụ cột quan trọng trong thúc đẩy hồi phục và phát triển kinh tế năm nay, vừa kiểm soát tốt cung cầu về cung tiền ra nền kinh tế, vừa đảm bảo thực thi kiên định mục tiêu điều hành vĩ mô, là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy hồi phục kinh tế và tạo đà tăng trưởng bền vững cho các năm tới.
Trung Hiếu/VOV1