Đợt dịch COVID-19 thứ 4 tại Việt Nam bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay đã gần 4 tháng, được xem là đợt dịch phức tạp và nguy hiểm nhất kể từ khi đại dịch xuất hiện, với đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa biến chủng, đặc biệt có tốc độ lây lan nhanh, mạnh, và khó lường hơn. Số người mắc Covid-19 đã vượt qua con số 10.000 người/ngày và số người tử vong cũng tiếp tục tăng cao ở các tỉnh phía Nam.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, quân đội luôn là lực lượng đi đầu
Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong các đơn vị quân đội, Bộ Quốc phòng xác định trong bất cứ hoàn cảnh nào, quân đội luôn là lực lượng đi đầu, cùng toàn Đảng, toàn dân, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương quyết tâm dập tắt dịch bệnh.
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần cho biết, khi dịch bệnh bùng phát, việc truy vết nhanh, thần tốc được xác định là hết sức quan trọng. Quân đội trước hết là lực lượng quân y đã kiện toàn gần 2.000 tổ lấy mẫu, 500 tổ xét nghiệm cùng hệ thống máy xét nghiệm, kết hợp với y tế địa phương chẩn đoán nhanh người bị mắc. Lực lượng của Học viện Quân y, Bệnh viện 175, các bệnh viện 7A, 7B với hơn 1.000 người được huy động tham gia các tổ lấy mẫu và xét nghiệm, mỗi ngày xét nghiệm khoảng 10.000 mẫu.
Tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam, ngay khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân khu 7, Quân khu 9 và các đơn vị đóng quân trên địa bàn chủ động triển khai sớm các điểm cách ly tập trung; cử lực lượng tham gia quản lý các điểm cách ly do địa phương tổ chức. Đồng thời thành lập hàng trăm tổ, đội cơ động, tổ chuyên khoa, tổ truy vết COVID-19 và hàng trăm tổ lấy mẫu xét nghiệm. Các bệnh viện dã chiến của Bộ Quốc phòng cũng nhanh chóng được thành lập để điều trị cho bệnh nhân COVID-19…
Hiện nay tại thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai bệnh viện dã chiến số 5A tại Sư đoàn 317 Quân khu 7 và triển khai Bệnh viện dã chiến số 5B tại Trung tâm giáo dục quốc phòng tỉnh Bình Dương; đồng thời chuyển đổi công năng của bệnh viện Quân dân y Miền Đông thành bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID, địa bàn Quân khu 9 cũng đã triển khai Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 6 với quy mô 500 giường và sẵn sàng nâng lên thành 1.000 giường.
Được giao trọng trách chỉ huy tại bệnh viện dã chiến số 5, Thượng tá Phạm Hồng Hà, Giám đốc Bệnh viện, cho biết, việc thu dung, cấp cứu điều trị bệnh nhân COVID thời gian đầu triển khai gặp không ít khó khăn, dù đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện đã được tập huấn trước, nhưng thực tế khác hoàn toàn. Lượng bệnh nhân nhập viện có lúc lên đến hơn 200, rồi nhập viện lúc trời mưa to, lúc nửa đêm, nên lực lượng bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện rất vất vả trong việc tiếp nhận bệnh nhân.
Gánh vác nhiệm vụ trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, lực lượng nhân viên mỏng, cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế; bệnh nhân đông, áp lực công việc lớn, nhưng Đảng ủy, Ban giám đốc BV dã chiến số 5 luôn xác định bảo đảm sức khỏe cho nhân viên y tế phải đặt lên hàng đầu.
Nhớ lại thời điểm dịch bùng phát nặng nề ở 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thiếu tướng Nguyễn Hùng Thắng, Phó Chủ nhiệm, Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần, cho biết, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hàng trăm cán bộ, y bác sỹ và học viên Học viện Quân y, cán bộ, nhân viên xét nghiệm của Trung tâm nhiệt đới Việt-Nga, Viện Y học dự phòng Quân đội đã về với đồng bào vùng tâm dịch trên những chuyến xe xuyên đêm. Tiếp đó, các y bác sỹ của các Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y), Bệnh viện Quân y 354 (Tổng cục Hậu cần), Bệnh viện Quân y 110 (Cục Hậu cần, Quân khu 1), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cùng nhiều cơ sở Quân y khác cũng đã lên đường vào tâm dịch.
Biên phòng căng mình tại hơn 1.900 chốt chặn ở biên giới trên bộ, trên biển
Nếu như lực lượng quân y “chiến đấu” ở vòng trong, thì ở vòng ngoài, lực lượng biên phòng cũng tăng cường lực lượng, căng mình tổ chức kiểm soát chặt chẽ biên giới; cùng với các đơn vị trong toàn quân rà soát, dồn dịch doanh trại để tổ chức thành các điểm cách ly công dân về nước.
Từ đầu tháng 1/2021 đến nay, Bộ đội Biên phòng thường xuyên duy trì hơn 1.900 tổ chốt chặn (trong đó, hơn 1.500 chốt cố định, gần 400 chốt lưu động) với hơn 8.000 cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng phối hợp các lực lượng khác, triển khai dọc tuyến biên giới bộ, trên biển. Trung bình mỗi ngày làm thủ tục xuất nhập cảnh cho 4.000-5.000 người, phát hiện hàng trăm trường hợp xâm nhập trái phép, bàn giao cho y tế địa phương cách ly, quản lý.
Toàn quân đã triển khai 180 điểm cách ly công dân, trong đó có 75 điểm đang có công dân. Đến nay đã tiếp nhận, cách ly là 229.580 người, đã hoàn thành cách ly 216.429 người, đang cách ly 13.151 người. Tại các điểm cách ly này có sự góp mặt của bộ đội địa phương, quân y, nhân viên y tế của Trung tâm y tế các quận, huyện... hàng ngày thực hiện việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe, phục vụ ăn uống cho công dân được cách ly.
Quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, nhiều cán bộ, chiến sĩ bộ đội Biên phòng thực hiện tuần tra, chốt chặn biên giới trong thời gian rất dài, phải tạm hoãn việc cưới vợ, có người không thể về chịu tang bố, mẹ... Nhiều đồng chí liên tục phục vụ tại các cơ sở cách ly tập trung trong một thời gian rất dài.
Quân đội tổ chức mai táng cho những người mất vì COVID-19
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca tử vong tăng cao, nhất là tại thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống y tế quá tải. Việc mang tái cho người dân cũng gặp khó khăn, nhất là bệnh nhân tử vong vì Covid-19. Trước thực tế đó, một lần nữa, trọng trách lại được giao cho quân đội.
Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TPHCM, từ ngày 8/8, Bộ Tư lệnh TPHCM bắt đầu triển khai nhiệm vụ tiếp nhận, thắp hương và chuyển giao các phần tro cốt của bệnh nhân COVID tử vong đến từng gia đình.
Theo đó, các hũ tro cốt Bộ Tư lệnh thành phố nhận về an vị và làm lễ truy điệu tại Nhà Tang lễ thành phố, sau đó ban chỉ huy quân sự các quận huyện và thành phố Thủ Đức sẽ tiếp nhận để chuyển đến tận gia đình người quá cố một cách nhanh nhất và trang trọng nhất. Trường hợp gia đình chưa có điều kiện nhận, thì tro cốt vẫn được an vị tại trụ sở ban chỉ huy quân sự quận huyện, được thực hiện các nghi thức tưởng niệm nghiêm trang.
TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện quyết định nhân văn này. Và quân đội tiếp tục là lực lượng được thành phố tin tưởng giao nhiệm vụ. Như vậy, không chỉ bảo vệ, chăm lo cho người mắc COVID-19, những người yếu thế ảnh hưởng bởi đại dịch, quân đội tiếp tục được giao trọng trách chăm lo cho người đã khuất vì dịch bằng sự trân trọng và thành kính. Đây không chỉ là bổn phận, là trách nhiệm mà còn là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi người lính đối với nhân dân.
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, với tinh thần “Coi chống dịch là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”, cán bộ, chiến sỹ toàn quân luôn sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ, hỗ trợ các địa phương, nhân dân phòng, chống dịch COVID-19 với một trách nhiệm, niềm tin, và đặc biệt với tinh thần người chiến sĩ, tinh thần của Bộ đội Cụ Hồ, để giúp nhân dân khắc phục những hậu quả an ninh phi truyền thống đang xảy ra ở mọi miền của Tổ quốc. Đây là những điều mà Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, người chỉ huy quân đội cảm thấy rất tự hào, yên tâm khi giao nhiệm vụ cho chiến sĩ của mình./.
Thanh Hà/VOV.VN