Để làm rõ hơn về vai trò của quân đội trong việc huy động lực lượng phương tiện và triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão này, phóng viên VOV phỏng vấn Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu, Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn. Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ chia sẻ những bài học kinh nghiệm quan trọng để nâng cao năng lực ứng phó của quân đội trước các tình huống thiên tai ngày càng phức tạp.
PV: Thưa Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, đến nay cơn bão số 3 đã đi qua được 2 tuần, chúng ta vẫn đang phải tiếp tục triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả mà nó để lại. Đến ngày 25/9, thì bộ đội cũng đã rút khỏi Làng Nủ, bàn giao lại công tác tìm kiếm người mất tích cho địa phương. Nhìn lại những ngày qua thì Thiếu tướng có thể cho biết về các hoạt động của Quân đội trong ứng phó với cơn bão số 3?
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ: Như chúng ta biết, cơn bão số 3 Yagi là cơn bão siêu bão lớn nhất trong vòng 30 năm qua trên Biển Đông và 70 năm qua trên đất niền của đất nước ta. Cơn bão đã gây tàn phá hết sức nặng nề và tổn thất nghiêm trọng về người, tài sản của nhân dân và của nhà nước, đã gây thiệt hại chết nhiều người. Trước yêu cầu và tình hình nhiệm vụ, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân khu 1 và Quân khu 2 duy trì trên 40 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ và dân quân tự vệ với hàng trăm ngàn trang thiết bị phương tiện để tập trung giúp các địa phương khắc phục hậu quả. Trong đó tập trung chủ yếu vào tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích; tập trung vào di rời đưa người dân về các vị trí sau khi sơ tán và dựng lại nhà cửa, khắc phục ô nhiễm môi trường, ổn định đời sống nhân dân.
PV: Cụ thể hơn thì đến nay thì chúng ta đã khắc phục như thế nào, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ: Chúng ta đã thông báo kêu gọi được 51 nghìn phương tiện tàu thuyền hoạt động trên biển với trên 22 nghìn người dân. Đồng thời cũng tích cực chủ động và phối hợp để di rời 96.736 hộ dân với 374.753 người từ nơi nguy hiểm đến nơi an toàn. Và chúng ta đã tổ chức tìm kiếm, cứu nạn được 870 người, 186 thi thể. Đặc biệt, sau khi bão đổ bộ vào Quảng Ninh, sáng ngày hôm sau ngày 8/9, Quân chủng Hải quân và Cảnh sát biển đã điều động các phương tiện tàu chuyên dụng để tổ chức tìm kiếm số tàu thuyền bị va đập và trôi dạt. Chúng ta đã cứu được 53 người và 12 phương tiện ngay sau bão. Đồng thời, chúng ta đã hỗ trợ cho các địa phương 51 tấn lương khô và vận chuyển 200 tấn gạo để cung cấp cho các địa phương với quan điểm không để dân đói và rét.
Đúng như chỉ đạo của Bộ trưởng là Bộ đội chủ động tìm đến dân, chứ không để dân khó khăn tìm đến bộ đội. Có thể nói rằng các đơn vị của chúng ta, đặc biệt là hướng Quân khu 1, Quân khu 2, Quân khu 3 và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã tập trung các lực lượng, phương tiện và đẩy nhanh tiến độ giúp nhân dân, giúp chính quyền địa phương khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống của nhân dân trên các địa bàn đóng quận. Qua đó, thể hiện được trách nhiệm, tình cảm của quân đội đối với nhân dân. Đây cũng chính là trách nhiệm của quân đội trước Đảng và Nhà nước.
PV: Sau bão số 3 chúng ta tiếp tục phải ứng phó với cơn bão số 4, đến nay thì công tác khắc phục hậu quả và tìm kiếm cứu nạn đang được triển khai như thế nào, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ: Để ứng phó với cơn bão số 4, thực hiện 2 công điện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã ban hành 2 công điện để chỉ đạo các đơn vị Quân khu 4 và Quân khu 5 để triển khai các biện pháp, giúp chính quyền và nhân dân các địa phương phòng ngừa và ứng phó với các tình huống do bão số 4 gây ra. Duy trì hơn 300 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ và dân quân tự vệ với gần 6 nghìn trang thiết bị phương tiện chuyên dụng như xe ô tô, xe đặc chủng, tàu xuồng và máy bay. Hướng dẫn di rời hơn 600 nghìn hộ dân đến nơi an toàn, từ nơi nguy hiểm đến nơi an toàn. Đồng thời, hướng dẫn cho gần 70 phương tiện tàu thuyền với trên 300 nghìn người dân đang hoạt động trên biển biết hướng di chuyển của bão để tránh trú.
Kế hoạch, phương án sẵn sàng ứng phó của các đơn vị Quân khu 4, Quân khu 5 và các đơn vị của quân đội đóng quân trên địa bàn của các tỉnh khu vực miền Trung của chúng ta chuẩn bị rất tốt và sẵn sàng xử lý các tình huống kịp thời nếu có xảy ra.
PV: Một vấn đề cũng rất là quan trọng đó là bảo đảm an toàn cho các đơn vị quân đội mà đóng quân trên các địa bàn xảy ra bão lũ, sạt lở đất…Phương án bảo đảm an toàn đã được các đơn vị triển khai ra sao?
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ: Đối với các doanh trại đơn vị của quân đội thì các đơn vị trong toàn quân của chúng ta trong thời gian vừa qua và đặc biệt trong bão số 3 và số 4 thì các đơn vị đã chủ động ra soát toàn bộ, đánh giá thức trạng tình hình địa chất và khu vực đóng quân. Những vấn đề nguy hiểm thì đều đã được triệt tiêu, di chuyển doanh trại các đơn vị ở các vị trí không bảo đảm an toàn, có nguy cơ xảy ra sự cố. Điều đó đã hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với quân đội của chúng ta.
PV Trường Giang: Nhìn lại công tác ứng phó với cơn bão số 3 và bão số 4, việc thông tin tuyên truyền, dự báo và cảnh báo kịp thời có phải là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu để chúng ta có thể giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra?
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ: Đúng vậy, công tác thông tin tuyên truyền, cảnh báo và thông báo đã được triển khai từ sớm và rất quyết liệt. Từ Trung ương đến địa phương đã tích cực chỉ đạo và thực hiện tốt các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí Thư, của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Kịp thời phản ánh các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự quyết liệt của các bộ ngành của trung ương, của địa phương. Đặc biệt là các hoạt động công tác cứu hộ, cứu nạn của các lực lượng, vai trò xung kích của Bộ Quốc phòng.
Quân đội tiếp tục phát huy và thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ là đội quân chiến đấu, đội quân công tác trong thực hiện nhiệm vụ ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống. Và thể hiện bản chất truyền thống tốt đẹp của quân đội. Đó là quân đội của dân, do dân và vì dân.
PV: Xin cảm ơn Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ!