Chính phủ Nhật Bản xác định, Việt Nam là đối tác vô cùng quan trọng để thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trên tinh thần thượng tôn pháp luật và luật pháp quốc tế. Cũng theo Đại sứ Ito Naoki, công việc quan trọng nhất của ông trong nhiệm kỳ công tác ở Việt Nam là nỗ lực cụ thể hóa hiệu quả nội hàm mối quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” Việt Nam-Nhật Bản hướng đến 50 năm tiếp theo.
PV: Xin chào Đại sứ Ito Naoki! Thưa Đại sứ, quan hệ hai nước vừa được nâng cấp lên “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới” vào tháng 11 năm ngoái. Theo Ngài, nhìn lại quan hệ song phương trong thời gian qua, hai nước chúng ta đã có những bước tiến gì trong quan hệ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản?
Đại sứ Ito Naoki: Tôi cho rằng, việc hai nước Việt Nam - Nhật Bản nâng cấp quan hệ trong năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao là sự kiện có ý nghĩa biểu trưng. Trong vòng 10 năm, tên gọi của quan hệ hai nước đã được nâng cấp từ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng của châu Á” lên thành “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới”. Điều này có nghĩa là mối quan hệ đối tác đã trở nên sâu sắc từ “vì hòa bình và thịnh vượng của châu Á” đến “vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới”, cho thấy Nhật Bản và Việt Nam đã trở thành hai nước cùng nhau nỗ lực và hợp tác để thế giới trở nên tốt đẹp hơn, góp phần giải quyết những vấn đề chung.
Bước tiến này cũng cho thấy trong vòng 10 năm, vai trò và vị thế của Việt Nam tại ASEAN và trên thế giới đã nâng cao, Việt Nam có nền kinh tế ngày càng phát triển và trở thành đối tác được nhiều nước trên thế giới tin cậy. Việc hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, có nghĩa mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam tiếp tục phát triển toàn diện hơn. Hai nước Nhật Bản và Việt Nam sẽ cùng xây dựng mối quan hệ để có thể hợp tác trên nhiều lĩnh vực rộng hơn nữa so với từ trước đến nay và tôi nghĩ rằng công việc quan trọng nhất của tôi chính là cụ thể hóa các nội dung của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện này hướng đến 50 năm tiếp theo.
PV: Trong quan hệ hợp tác song phương Việt Nam-Nhật Bản, lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư được xem là điểm nhấn đáng chú ý. Thưa Đại sứ Ito Naoki, ông nghĩ gì về hợp tác song phương trong các lĩnh vực trọng điểm này?
Đại sứ Ito Naoki: Hợp tác giữa hai nước trải dài trên các lĩnh vực và cũng cần hợp tác trên các lĩnh vực mới. Đầu tiên là việc thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực an ninh và chính trị. Về thương mại và đầu tư, tôi cũng cho rằng, hai nước chúng ta vẫn còn dư địa, tiềm năng to lớn để chính phủ và doanh nghiệp hợp tác mở rộng. Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ hơn nữa cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam và mong muốn thúc đẩy những hợp tác, viện trợ này, hướng đến mục tiêu to lớn mà Việt Nam đang đưa ra.
Còn về hợp tác Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) giữa hai nước, trong 30 năm qua, ODA Nhật Bản đã đạt được những thành quả vô cùng to lớn với con số hơn 3 nghìn 260 tỷ Yên. Và tôi mong muốn làm sôi động trở lại hợp tác thông qua ODA và không chỉ dừng lại việc vận dụng công nghệ, kỹ thuật của Nhật Bản trong hợp tác hạ tầng mà hợp tác trong những lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, y tế, giáo dục và mở rộng hợp tác trong những lĩnh vực này là điều quan trọng.
Vào tháng 12 năm ngoái, trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính, hai nước đã thống nhất về danh mục hợp tác về những dự án quy mô lớn. Việc Nhật Bản hợp tác với Việt Nam để thúc đẩy một cách chắc chắn các dự án này là vấn đề vô cùng quan trọng, vì thế trong nhiệm kỳ của mình, tôi sẽ “tập trung sức lực để thúc đẩy và hoàn thiện những dự án trong danh mục” này.
PV: Thưa Đại sứ Ito Naoki, với kinh nghiệm 40 năm trong ngành ngoại giao và gần đây nhất là Đại sứ phụ trách ngoại giao công chúng, ông sẽ dành sự quan tâm thế nào về lĩnh vực ngoại giao nhân dân giữa hai nước?
Đại sứ Ito Naoki: Năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao hai nước với các sự kiện nổi bật như chuyến thăm của Hoàng Thái tử Nhật Bản Akishino và công nương; công chiếu vở Opera “Công nữ Anio”. Tôi cho rằng việc thúc đẩy hơn nữa giao lưu văn hóa, giao lưu học thuật, giao lưu nhân dân dựa trên những thành công của năm kỷ niệm 50 năm vừa qua là điều quan trọng. Để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực như tôi vừa nêu thì sự thấu hiểu và ủng hộ của người bạn thân thiết là nhân dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ là điều không thể thiếu.
Chúng tôi mong muốn Đại sứ quán Nhật Bản ở Hà Nội sẽ trở thành nơi rộng mở tiếp đón người dân Việt Nam. Mới đây, Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội đã mở cửa một trung tâm văn hóa để tăng cường các hoạt động giao lưu, tạo cơ hội cho những người trẻ trải nghiệm văn hóa Nhật Bản thông qua việc mặc thử các bộ quần áo truyền thống của Nhật Bản, đọc sách, truyện tranh và tìm hiểu trà đạo.
Tôi vừa bắt đầu nhiệm kỳ từ giữa tháng 5 vừa qua, nhưng tôi đã dành thời gian đi tham quan các di tích ở Hà Nội như Văn miếu Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long. Tôi nhận thấy Hà Nội có bề dày văn hóa và sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại. Bên cạnh đó, tôi cũng cảm nhận ở Việt Nam một nhịp sống sôi động với dân số rất trẻ. Tôi mong muốn có nhiều trải nghiệm văn hóa ở Việt Nam trong nhiệm kỳ của mình.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!