Với sự cạnh tranh gay gắt giữa các loại nông sản trên thị trường thế giới hiện nay, việc cấp chứng nhận truy xuất nguồn gốc cho nông sản mang tầm quốc tế trở thành điều cấp thiết của ngành trồng trọt. Mã số vùng trồng được xem là tấm vé thông hành quan trọng để nông sản xuất khẩu. Do đó, việc xây dựng mã số vùng trồng đang là việc làm rất cần thiết nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng với những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo phục vụ nhu cầu thị trường, từ đó góp phần đưa nông sản vươn tầm thế giới.
Xây lòng tin, dựng thương hiệu
Việc cấp mã số vùng trồng không chỉ giúp người tiêu dùng và cơ quan chức năng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu thông qua việc sản xuất theo quy trình nhất định có kiểm soát dịch hại, đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm, mà còn giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành sản phẩm. Đồng thời, có thể xem đây là “chìa khóa” trong việc xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín nông sản Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế cũng như lợi ích kinh tế của người nông dân.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cho rằng, hiện nay điều kiện tiên quyết khi xuất khẩu nông sản ra thế giới là phải thiết lập và được cấp mã số quản lý vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói nông sản. Theo đó, các thị trường đều đòi hỏi sản phẩm xuất khẩu phải bảo đảm truy xuất nguồn gốc bằng cách tham gia chương trình kiểm soát. Hồ sơ ghi chép phải đảm bảo các yêu cầu ghi chép lại đầy đủ, trung thực các khâu trong toàn chuỗi sản xuất; đảm bảo truy xuất nguồn gốc khi có vi phạm; mỗi vùng trồng, cơ sở đóng phải có một mã số riêng.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, cả nước đã có 6.883 mã số vùng trồng và 1.588 mã số cơ sở đóng gói nông sản được cấp. Các mã số này tập trung chủ yếu vào các sản phẩm xuất khẩu chính như: xoài, thanh long, nhãn, lúa, sầu riêng. Thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, New Zealand và Australia là những thị trường nhập khẩu nông sản Việt Nam có số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nhiều nhất. Đặc biệt, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là vùng dẫn đầu về số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, với hơn 3.900 mã số vùng trồng, 626 mã số cơ sở đóng gói; trong đó, Đồng Tháp có mã số vùng trồng lớn nhất cả nước là hơn 2.600 mã số, Tiền Giang có số lượng mã số cơ sở đóng gói lớn nhất cả nước là 850 mã số.
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp chia sẻ, lũy kế đến ngày 18/4/2024, toàn tỉnh có 1.261 vùng trồng nội địa và xuất khẩu, diện tích hơn 113.700 ha; trong đó, 2.637 mã số (857 vùng trồng) với diện tích hơn 62.600 ha phục vụ thị trường xuất khẩu. Với cơ sở đóng gói, trên địa bàn tỉnh có 20 mã số cơ sở đóng gói, trong đó có 12 cơ sở đóng gói xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Australia, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc.
Khi quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, người nông dân thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, thay đổi nhận thức của người nông dân trong cuộc cách mạng phát triển nền nông nghiệp thông minh, tuần hoàn và bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, xây dựng được vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, tạo ra sản phẩm chất lượng, truy xuất được nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đó, nông sản của địa phương được vươn xa sang các thị trường quốc tế, góp phần tăng giá trị nông sản. Việc quản lý chặt mã số vùng trồng cũng giúp thúc đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu trong và ngoài tỉnh đến liên kết, ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản với nông dân.
Tại Vĩnh Long, toàn tỉnh có 117 vùng trồng được cấp mã số xuất khẩu trên các chủng loại trái cây (nhãn, chôm chôm, xoài, thanh long, bưởi, mít, khoai lang, sầu riêng); 26 cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Long chia sẻ, tỉnh quan tâm xây dựng “hộ chiếu nông sản” để đưa nông sản vươn ra thị trường quốc tế.
Để tạo lòng tin cho người tiêu dùng, Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã ban hành 8 nghị quyết liên quan đến các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, như: đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm; hỗ trợ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; phát triển sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp,... Việc xây dựng mã số vùng trồng nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng nông nghiệp, nâng cao thu nhập người dân.
Tạo thuận lợi trong tiêu thụ
Xác định rõ tầm quan trọng và những lợi ích của mã số vùng trồng mang lại cho người sản xuất và người tiêu dùng, thời gian qua, ngành chức năng các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng cường tuyên truyền, triển khai cho các địa phương, đặc biệt là các vùng trồng có đủ điều kiện và tiêu chuẩn cấp mã số vùng trồng.
Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quan tâm, chỉ đạo sát sao và ban hành nhiều văn bản liên quan đến việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Cụ thể như: Công văn 5841/BNN-BVTV ngày 26/8/2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành về việc tăng cường giám sát, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; Công văn số 2425/BNN-BVTV ngày 27/4/2021 về việc kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói để cấp mã số phục vụ xuất khẩu; Công văn số 1776/BNN-BVTV ngày 23/3/2023 về việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu...
Trong khi đó, người sản xuất cũng ngày càng quan tâm hơn đến mã số vùng trồng; tự nguyện đăng ký tham gia các vùng trồng; tuân thủ các yêu cầu của nước nhập khẩu. Các doanh nghiệp tích cực phối hợp, liên kết xây dựng vùng nguyên liệu; đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho cơ sở đóng gói để đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Tại Vĩnh Long, nhiều hợp tác xã chia sẻ việc được cấp mã số vùng trồng không chỉ giúp tiêu thụ hàng hóa nông sản ổn định hơn, mà còn từng bước chuẩn hóa trong quá trình sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Là một trong những hợp tác xã cây ăn trái đầu tiên được cấp mã số vùng trồng trên địa bàn tỉnh từ năm 2015, đến nay, Hợp tác xã chôm chôm Bình Hòa Phước (Long Hồ, Vĩnh Long) đã có 36/42ha trồng chôm chôm được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, New Zealand…
Ông Nguyễn Ngọc Nhân - Giám đốc Hợp tác xã chôm chôm Bình Hòa Phước cho biết, hiện có gần 80 nông dân tham gia hợp tác xã đều thực hiện canh tác chôm chôm theo chuẩn GlobalGAP. Hợp tác xã đã quản lý mã số vùng trồng bằng cách theo dõi nhật ký ghi chép của thành viên tham gia, sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định. Từ khi có mã số vùng trồng, thị trường xuất khẩu của hợp tác xã đa dạng hơn, uy tín của hợp tác xã được nâng cao. Khách hàng của hợp tác xã ngày càng nhiều, giúp thành viên của hợp tác xã ổn định sản xuất và nâng cao thu nhập.
Còn theo ông Ngô Thanh Bình, ngụ tại xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp, trước đây, do sản xuất nhỏ lẻ nên nông dân gặp nhiều khó khăn từ đầu vào đến đầu ra. Khi có mã vùng trồng và liên kết với Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam để sản xuất giống lúa chất lượng cao Đài Thơm 8, ông được công ty hỗ trợ về giống và kỹ thuật sản xuất theo hướng sạch. Từ đó, mỗi vụ, ước tính năng suất bình quân đạt trên 7 tấn/ha, giảm được số lần phun thuốc bảo vệ thực vật so với những giống khác, góp phần tăng năng suất, giảm chi phí và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn diện tích lúa chưa cấp mã vùng trồng.
Các vùng sản xuất lúa được cấp mã vùng trồng được được nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật như sạ thưa và bón phân vùi vào đất lần cuối trước khi gieo sạ, IPM trong quản lý dịch hại... nhằm giảm giá thành sản xuất lúa, tăng lợi nhuận và nâng cao chất lượng lúa gạo.
Nguồn TTXVN