Sát cánh cùng nông dân
Tại Đồng Tháp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều hoạt động đưa nông dân đến gần với chính quyền địa phương hơn, để có tiếng nói chung trong quản lý và duy trì mã số vùng trồng.
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp cho biết, hàng tháng, để giúp thắt chặt mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cập nhật thông tin vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản có nguồn gốc thực vật đã được cấp mã số phục vụ thị trường tiêu thụ, đăng tải trên website của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Việc liên kết được thực hiện thông qua hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp và đại diện vùng trồng có xác nhận của chính quyền địa phương. Chủ sở hữu vùng trồng khi bán nông sản cho doanh nghiệp xuất khẩu phải có Giấy xác nhận sản lượng vùng trồng được sử dụng mã số vùng trồng thông qua UBND cấp xã xác nhận. Với các trường hợp vi phạm, Công an tỉnh Đồng Tháp sẽ vào cuộc xác minh và làm rõ hành vi để có biện pháp ngăn chặn.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Vũ Minh, để hỗ trợ người sản xuất có thể duy trì mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói lâu dài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp tăng cường tuyên truyền, tập huấn cập nhật các kiến thức về các quy định an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật nhằm đáp ứng theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Đồng thời, Sở cũng kiểm tra, giám sát duy trì mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói theo quy định, kiểm soát chặt chẽ sinh vật gây hại tại vùng trồng, cơ sở đóng gói đặc biệt là các đối tượng kiểm dịch thực vật mà nước nhập khẩu quy định. Các địa phương cũng lên kế hoạch kiểm tra, phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại vùng trồng, cơ sở đóng gói nhằm kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm.
Việc mạo nhận mã số cần có quy định chế tài, xử lý vi phạm hành chính đối với tổ chức/cá nhân vi phạm. Bên cạnh đó, đòi hỏi cơ quan quản lý ngành nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương phải phối hợp chặt chẽ trong tuyên truyền, quản lý chặt chẽ vùng trồng và cơ sở đóng gói cũng như doanh nghiệp xuất khẩu để nông sản đến tay người tiêu dùng được đảm bảo an toàn và minh bạch, tạo niềm tin đối với nông sản của Việt Nam. Để người tiêu dùng dễ dàng tra cứu thông tin sản phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cũng đã đẩy mạnh việc ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.
Tại Vĩnh Long, ông Nguyễn Minh Dũng - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long khẳng định, ngay từ bây giờ phải tuyên truyền các quy định liên quan đến mã số vùng trồng để các tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức, nâng cao văn hóa sản xuất - kinh doanh.
Bên cạnh đó, cần xác định nông sản chủ lực và tổ chức sản xuất theo quy trình... Đồng thời, tỉnh Vĩnh Long cũng tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; thực hiện tốt thông tin, dự báo thị trường, các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng nông sản của từng thị trường tiêu thụ. Cùng đó, triển khai giải pháp kết nối mở rộng thị trường và kênh phân phối cho nông sản của tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia chuỗi cung ứng, thương mại điện tử; đầu tư kết cấu hạ tầng tại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Khắc phục khó khăn
Mặc dù xây dựng vùng trồng và cấp mã số vùng trồng mang lại hiệu quả lớn cho nông dân trong xây dựng thương hiệu và tiêu thụ nông sản, nâng cao uy tín sản xuất và chất lượng sản phẩm đối với người tiêu dùng quốc tế, nhưng hiện vẫn còn nhiều khó khăn trong việc quản lý vùng trồng, quản lí cơ sở đóng gói thực hiện đúng tôn chỉ, mục tiêu của ngành nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp cho biết, hiện nay, việc quản lí mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói còn gặp nhiều khó khăn như vẫn còn một số ít các địa phương sản xuất mang tính tự phát, manh mún nhỏ lẻ, chưa liên kết sản xuất theo quy trình chung; chất lượng sản phẩm không đồng đều.
Bên cạnh đó, việc xây dựng kinh phí giám sát lấy mẫu phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại vùng trồng, cơ sở đóng gói của địa phương còn hạn chế. Hơn nữa, nhân lực quản lý thực hiện các tiêu chí mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói ít và thay đổi thường xuyên ảnh hưởng đến thiết lập, cấp cũng như giám sát.
Mặc dù ứng dụng chuyển đổi số đã có bước chuyển biến mạnh mẽ tại Đồng Tháp, tuy nhiên một số địa phương vẫn còn hạn chế; áp dụng phần mềm quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói chưa nhiều. Một số nông dân còn chưa tiếp cận đầy đủ thông tin về mã số vùng trồng. Một số chủ sở hữu vùng trồng chưa có ý thức bảo vệ mã số. Người sản xuất chỉ quan tâm đến việc cấp mới, chưa thực sự quan tâm đến việc duy trì các điều kiện đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu.
Để giải quyết những khó khăn còn tồn tại, các địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long đã vận dụng nhiều giải pháp khác nhau để thúc đẩy hoạt động quản lý vùng trồng. Ông Nguyễn Văn Vũ Minh cho biết, với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay, việc quản lý vùng trồng của ngành nông nghiệp Đồng Tháp xác định một số nhiệm vụ đột phá của ngành. Chẳng hạn như đẩy mạnh chuyển đổi số, chuẩn hóa từ giống, quy trình canh tác; quy trình thu hoạch và sau thu hoạch; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết, thị trường, sản xuất an toàn, tăng tỷ lệ sản phẩm bảo quản, chế biến sau thu hoạch, nâng cao giá trị nông sản và tăng thu nhập cho người sản xuất.
Tỉnh cũng phát huy vai trò ứng dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất, không chỉ tạo ra nông sản đạt chất lượng đảm bảo an toàn mà còn giúp cho người sản xuất tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận và giá trị nông sản. Ngoài ra, giúp bảo vệ môi trường sinh thái và tăng lợi ích xã hội.
Mặt khác, tỉnh còn chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đăng ký, cấp và quản lý mã số vùng trồng, tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng, hiệu quả cho các tổ chức, cá nhân liên quan đến vùng trồng, đơn vị quản lý địa phương thực hiện cấp và quản lý mã số vùng trồng trên địa bàn tỉnh. Khi có mã số vùng trồng, nông dân quan tâm hơn đến mã số định danh cho vùng trồng; tự nguyện đăng ký tham gia các vùng trồng; tuân thủ các yêu cầu của nước nhập khẩu.
Quản lý mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói có vai trò lớn trong giao thương liên vùng. Ông Nguyễn Văn Vũ Minh nhấn mạnh, Sở thường xuyên thông tin với các cơ quan quản lý về vùng trồng, nhà đóng gói cũng như quản lý hàng hóa xuất khẩu từ những mã số của mình. Từ đó, doanh nghiệp xuất khẩu chủ động vùng nguyên liệu bằng cách liên kết với các vùng trồng đã được cấp mã số để giữ vững và nâng cao chất lượng nông sản.
Tại Vĩnh Long, theo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long - Lữ Quang Ngời, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp trọng tâm. Cụ thể, nghiên cứu bổ sung các chỉ tiêu về mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói vào nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch hành động phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; tập trung chỉ đạo phát triển vùng cây trồng theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Song song đó, chỉ đạo ngành chức năng xây dựng kế hoạch tổ chức thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói theo đúng hướng dẫn của Trung ương. Đặc biệt chú trọng các quy định, điều kiện sản xuất phục vụ truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu; thực hiện các chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; thực hiện nghiêm việc quản lý, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số.
Nguồn TTXVN