Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm, các chỉ số kinh tế của Việt Nam đạt được khá tích cực. Tổng kim ngạch xuất khẩu khá ấn tượng, được hỗ trợ bởi sự phục hồi của thị trường toàn cầu. Những thị trường là bạn hàng lớn của Việt Nam trong thương mại quốc tế như Mỹ, EU, Trung Quốc… đang phục hồi mạnh mẽ. Một số chỉ số khác như chỉ số phát triển công nghiệp vẫn duy trì được ở mức 2 con số. Đầu tư tư nhân tiếp tục tăng. Các cân đối lớn của kinh tế vĩ mô về cơ bản vẫn được duy trì.
Những con số hoành tráng trong báo cáo 5 tháng đã che lấp hay làm lu mờ những tổn thất kinh tế mà khu vực hộ kinh doanh cá thể, khu vực kinh tế phi chính thức đang phải gánh chịu do những ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 thứ 4. Hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn hộ kinh doanh cá thể, phải tạm thời ngừng kinh doanh hay kinh doanh cầm chừng. Dịch bệnh đi đến đâu, khu vực hộ kinh doanh và kinh tế phi chính thức lập tức bị tạm dừng đến đấy. Chúng ta cần chú ý, khu vực kinh tế trên hiện đang chiếm hơn 30% GDP của Việt Nam và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào sự tăng trưởng của khu vực này.
Tuy trên toàn quốc không phải hầu hết các hộ kinh doanh cá thể đều bị ảnh hưởng nhưng tại những nơi đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo các cấp độ như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang - vốn là những đầu tàu kinh tế hay trung tâm sản xuất công nghiệp, thiệt hại kinh tế đối với khu vực hộ kinh doanh cá thể và khu vực kinh tế phi chính thức, người lao động tự do là vô cùng lớn. Những tổn thất kinh tế này chưa được nêu bật hay được chú ý đầy đủ trong các báo cáo thống kê hoặc bị che lấp bởi những con số hoành tráng về xuất nhập khẩu, chỉ số phát triển công nghiệp, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hay về thu - chi ngân sách. Dịch bệnh lan rộng tới đâu là thu hẹp không gian cũng như dư địa phát triển đến đó, không chỉ là đối với nhà máy, công xưởng của doanh nghiệp trong và ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp, mà còn với khu vực hộ kinh doanh cá thể, khu vực kinh tế phi chính thức.
Cần có các giải pháp hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể trong bối cảnh dịch bệnh. Ảnh: Internet
Trong 5 tháng đầu năm, có 59.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể - tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có gần 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đã vượt quá con số doanh nghiệp gia nhập thị trường - một hiện tượng chưa từng có trong suốt 3 thập niên cải cách vừa qua. Điều này cũng cho thấy sự tàn phá của dịch bệnh và những tổn thất nặng nề mà khu vực doanh nghiệp đang gặp phải, đồng thời cho thấy tính cấp bách của các biện pháp khống chế dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Chính phủ vừa ban hành nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 5. Trong đó, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành trong việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp. Các giải pháp đó, nếu được thực hiện tốt sẽ giúp doanh nghiệp, nền kinh tế vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, cần lưu ý một số điểm.
Thứ nhất, tuy vốn đầu tư công không còn dư dả so với năm 2020 nhưng vẫn được kỳ vọng là một động lực đáng kể đối với tăng trưởng kinh tế năm nay. Thế nhưng, tốc độ giải ngân vốn cho đầu tư phát triển 5 tháng đầu năm chỉ đang đạt hơn 21,4% so với dự toán, thấp hơn mức 26% vào cùng kỳ năm 2020. Điều đó cho thấy, chúng ta cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc giải ngân nguồn lực này một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Thứ hai, như đã đề cập ở trên, Chính phủ, bộ ngành, địa phương cần có sự quan tâm hơn đến các hộ kinh doanh cá thể, khu vực kinh tế phi chính thức bằng việc miễn thuế khoán cho khu vực kinh tế này đúng bằng thời gian phong tỏa, giãn cách khiến họ không kinh doanh được. Cùng với đó là miễn thuế môn bài năm 2022. Giải pháp này sẽ góp phần động viên, hỗ trợ tinh thần, giúp họ trụ vững, vượt qua khó khăn hiện nay./.
Lê Duy Bình (theo SGGP)