Mang lại thương hiệu, giá trị cho du lịch
Hiện khoảng 120 di tích, di sản đã nằm trong các điểm tour, tuyến du lịch cố định của Quảng Ninh, trong đó có những di tích được các đơn vị lữ hành lựa chọn để thiết kế nhiều sản phẩm riêng, trọn gói để đưa vào khai thác. Vào dịp Tết Nguyên đán mỗi năm (từ mồng 1 - 6/1 âm lịch), Quảng Ninh đón khoảng 70 - 100 vạn du khách, thì 70% trong đó là lượng du khách có mặt tại các di tích, di sản trên địa bàn.
Bên cạnh đó, du lịch Quảng Ninh đã hình thành sản phẩm du lịch cộng đồng như: trải nghiệm, khám phá tại Bình Liêu, trung tâm du lịch văn hóa lịch sử tại Quảng Yên, Vân Đồn. Các sản phẩm du lịch đặc thù từ văn hóa, di tích, di sản của Quảng Ninh như “Một ngày làm ngư dân trên biển”, “Khám phá Quan Lạn”, “Cốc cốc đảo Hà Nam”, “Hành trình theo dấu chân đức Phật tại Yên Tử”... rất được du khách yêu thích.
Còn nhiều dư địa để phát triển
Theo Sở VH&TT, số di tích lịch sử văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào điểm, tour, tuyến du lịch cố định của tỉnh mới chiếm chưa đến 20% tổng số di tích lịch sử văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể mà tỉnh có. Điều này cho thấy dư địa của di tích, di sản dành cho phát triển du lịch còn rất lớn. Đáng nói một số di tích, di sản có tính chất, giá trị to lớn, hiện còn giữ được những hiện vật, lễ hội, nghi thức tín ngưỡng gốc… song chưa được phát huy một cách đúng mức, chưa biến nó trở thành tài nguyên du lịch.
Đặc biệt Thương cảng cổ Vân Đồn, hiện vẫn còn sự hiện diện của hệ thống các bến sông nối tiếp nhau với dày đặc các tầng hiện vật gốm sứ phát lộ ngay trên bề mặt; dấu vết các cống ngầm, kè đá, neo đậu đỗ nằm dưới mặt nước, có chỗ lấp ló khi triều xuống; các vị trí được cho là kho tàng, bến bãi bốc xếp hàng hóa, các nền móng công trình văn hóa, tín ngưỡng phục vụ người dân khu vực cảng đã từng được khai quật. Thế nhưng lâu nay Thương cảng cổ Vân Đồn gần như bị lãng quên, nhiều năm không được đầu tư, tôn tạo hay phát triển các sản phẩm du lịch liên quan đến di tích này. Những giá trị của di tích này dường như vẫn chỉ nằm trong hồ sơ trích ngang lưu trữ trong kho chứ chưa thực sự được tận dụng và phát huy.
Khu di tích quốc gia đặc biệt Chiến thắng Bạch Đằng cũng là một vốn quý của du lịch Quảng Ninh hiện chưa được phát huy đúng mức. Những năm qua, quá trình đầu tư nhỏ giọt khiến Di tích đặc biệt quốc gia này thay vì rất quy mô như kỳ vọng thì lại chưa có tính tổng thể, chưa có điểm nhấn và đặc biệt chưa phát triển đi kèm hệ thống dịch vụ phụ trợ. Chính bởi vậy mặc dù du khách đến với Bạch Đằng không nhỏ, song chủ yếu là lễ Phật, vãn cảnh. Doanh thu từ du lịch Bạch Đằng hiện chưa phát sinh, không chỉ không tạo được nguồn thu mà mọi hoạt động đầu tư ở đây vẫn trông chờ vào ngân sách nhà nước.
Nhiều di tích, lễ hội khác của Quảng Ninh dù thu hút được đông đảo du khách, tuy nhiên do khâu phát huy giá trị chưa gắn với phát triển du lịch nên chưa thực sự tạo nên giá trị cao như mong muốn. Di tích, di sản và du lịch vẫn phát triển như 2 đường thẳng song song mà chưa kết nối chặt chẽ với nhau...
Hệ thống di tích lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn hiện nay chính là nguồn tài nguyên quý, góp phần tạo nên sức hút, thương hiệu, giá trị của du lịch Quảng Ninh. Hiện Quảng Ninh đã và đang bước đầu khai thác tốt nguồn tài nguyên di tích, di sản, tuy nhiên dư địa phát triển của lĩnh vực này còn lớn, cho phép du lịch Quảng Ninh còn có cơ hội để bứt phá, mang lại giá trị cao hơn trong thời gian tới./.
Theo Báo Quảng Ninh