Tháng 7 này, lần đầu tiên tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ hội Vì hòa bình với chủ đề “Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình”, xây dựng Quảng Trị trở thành một không gian văn hóa vì hòa bình, là điểm đến vì hòa bình, nơi hội ngộ của bạn bè bốn phương yêu chuộng hòa bình.
Nằm trong khuôn viên bờ Bắc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải có một vườn cây mang tên rất đặc biệt, đó là “Vườn cây hòa bình”. Năm 2020, đúng dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ, UBND tỉnh Quảng Trị và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cùng Đoàn Ngoại giao Nhân dân PeaceTrees Việt Nam đã thực hiện ý tưởng trồng “Vườn cây hòa bình” tại cụm Di tích tích lịch sử này. Vườn cây đó mang thông điệp hòa bình, gác lại quá khứ, hướng đến tương lai. Nhiều cựu chiến binh của Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam mỗi lần đến đây đều tự mình lấy cuốc xẻng trồng một cây xanh tại “Vườn cây hòa bình” với mong muốn vườn cây mãi xanh tươi, yên bình.
Sau 4 năm trồng và chăm sóc, “Vườn cây hòa bình” đã xanh tốt, nhiều cây ra hoa và tạo bóng mát cho du khách nghỉ ngơi, xua đi cái nắng nóng oi bức của mùa hè Quảng Trị.
Bà Lê Thị Tố Hoài, Trưởng Ban Quản lý Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải cho rằng, vườn cây có ý nghĩa mang thông điệp hòa bình nên phải chăm sóc đặc biệt để cây mãi xanh tốt: “Sau chiến tranh, tất cả các di tích ở Quảng Trị đều bị tàn phá, không có một cây xanh nào cả. Việc trồng cây xanh tại di tích là một việc làm rất có ý nghĩa. Vào năm 2020, một số cây xanh đã được trồng tại điểm di tích Hiền Lương - Bến Hải. Nhận thấy đây là một việc làm ý nghĩa nên chúng tôi rất chú trọng vào công việc chăm sóc để cây luôn xanh tốt và tạo nên màu xanh ở khu vực di tích”.
Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải từng mang trong mình nỗi đau chia cắt đất nước. Lần đầu tiên sau gần 45 năm kết thúc chiến tranh, trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Trị cuối tháng 8/2019, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink đã đến viếng Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. Đây cũng là lần đầu tiên một Đại sứ Mỹ đến dâng hương mộ liệt sỹ sau ngày kết thúc chiến tranh tại Việt Nam.
Dịp đó, Ngài Đại sứ Mỹ cũng đến thăm Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải ở vĩ tuyến 17. Cây cầu Hiền Lương sơn 2 màu xanh - vàng từng là "nhân chứng" của nỗi đau chia cắt 2 miền đất nước suốt 21 năm trời. Ngài Đại sứ Mỹ cùng Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị đi bộ qua cây cầu Hiền Lương. Họ dừng lại chính giữa cây cầu, ngay vạch phân cách 2 miền Nam - Bắc trước đây rồi nắm chặt tay nhau. Hôm ấy, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink nói như thế này: “Thông điệp chính của chúng tôi là chúng ta, 2 nước đã hàn gắn những vết thương chiến tranh, cùng nhau giải quyết những hậu quả còn sót lại thời chiến tranh. Chuyến thăm của tôi để bày tỏ sự kính trọng đối với những người đã hy sinh vì lòng yêu nước”.
Còn ông Chuck Searcy, cựu sĩ quan tình báo của Quân đội Mỹ, từng tham chiến tại Việt Nam, bây giờ là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh vì Hòa bình (Mỹ), Cố vấn quốc tế Dự án RENEW nay vẫn còn "ám ảnh" bởi sự tàn khốc trong cuộc chiến ở Việt Nam. Sau khi trở về Mỹ, ông tham gia Hội Cựu chiến binh phản đối chiến tranh. Năm 1995, ông đã quay lại Việt Nam như để nói lời xin lỗi. Suốt 25 năm qua, ông đi khắp đất nước Việt Nam giúp đỡ những người bị khuyết tật, nạn nhân da cam, thực hiện dự án rà phá bom mìn...Sau mỗi lần rà phá bom mìn ở nơi nào đó trên đất Quảng Trị thì tổ chức "Cây Hòa Bình" đưa tới những phái đoàn ngoại giao công dân, bao gồm người Mỹ đến trồng cây lên các vùng đất đã dọn sạch bom mìn, nguyện cầu hòa bình cho nhân loại và xây dựng lòng tin, vun đắp mối quan hệ với người dân Việt Nam.
Ông Chuck Searcy, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh vì Hòa bình (Mỹ), Cố vấn quốc tế Dự án RENEW tâm nguyện, sẽ dành quãng đời còn lại của mình cho việc hàn gắn vết thương chiến tranh: “Một điều không còn nghi ngờ gì nữa Quảng Trị là mảnh đất đã quá nổi tiếng về mất mát, thương đau vì chiến tranh gây ra. Cũng chính mảnh đất này đã chứng minh cho tất mọi người trên toàn thế giới sự nỗ lực, vượt qua nỗi đau khôi phục chiến tranh. Là đại diện Hội Cựu chiến binh của Hoa Kỳ, tôi sẽ kêu gọi những cựu chiến binh Mỹ đến đây để chiêm nghiệm, lan tỏa khát vọng hòa bình. Đây thực sự là việc làm rất ý nghĩa đối với cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam. Thông qua festival kết nối người lính 2 phía như biểu trưng cho hòa bình”.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó 2 Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 và Trường Sơn là nơi an nghỉ của gần 60.000 Anh hùng liệt sĩ trên khắp cả nước. Với gần 500 di tích lịch sử cách mạng, Quảng Trị được xem như bảo tàng sinh động về di tích chiến tranh cách mạng của Việt Nam.
Cán bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị đã dành nhiều tâm huyết cho việc xây dựng Đề án tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình từ 5 năm trước. Lễ hội này có ý nghĩa nhân văn lớn lao nhằm tôn vinh giá trị của hòa bình; tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự trường tồn của Tổ quốc, tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh; góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam; xây dựng Quảng Trị từng bước trở thành không gian văn hóa vì hòa bình, điểm đến vì hòa bình, truyền đi thông điệp yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam, kêu gọi nhân loại chung tay xây dựng nền hoà bình bền vững trên thế giới.
Sau nhiều năm chuẩn bị, lần đầu tiên Lễ hội Vì Hòa bình được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày ký hiệp định Geneva về đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình Đông Dương (20/7/1954 - 20/7/2024), kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024), hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, trong bối cảnh thế giới hiện nay đang còn có những điểm xung đột, Lễ hội Vì hòa bình được tổ chức trên vùng đất Quảng Trị từng nhiều đau thương, mất mát bởi chiến tranh, nơi “đất thiêng nở hoa hòa bình”' sẽ truyền đi thông điệp về sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, kêu gọi nhân loại chung tay xây dựng nền hoà bình bền vững trên thế giới, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh con người, đất nước Việt Nam.
“Chương trình lễ hội được thiết kế với nhiều hoạt động, tổ chức nhiều không gian khác nhau với nhiều cung bậc khác nhau, hướng đến đối tượng khác nhau với mong muốn tạo nên một dòng cảm xúc truyền tải các thông điệp nhân văn tới tất cả mọi người, tạo ra một đến hòa bình, vượt lên trên đau thương, mất mát để mọi người được hòa đồng, sống bằng phát triển”- ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay.