Phiên họp được phát thanh và truyền hình để đồng bào và cử tri cả nước theo dõi.
Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022 nêu rõ, thu ngân sách năm 2022 đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng, tăng gần 406.902 tỷ đồng so với dự toán. Tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 19,1% GDP; riêng từ thuế và phí đạt 15,16% GDP.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra một số khoản thu đạt thấp như thuế bảo vệ môi trường đạt 72,2% dự toán giao; thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi Ngân hàng Nhà nước đạt 83,5% dự toán giao (nguyên nhân do số thu hồi vốn NSNN đầu tư tại các tổ chức kinh tế chỉ đạt 12,83% dự toán giao).
Theo Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022, đa số các khoản thu vượt dự toán, song còn một số khoản thu đạt thấp như: thuế bảo vệ môi trường đạt 72,2% dự toán giao; thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi ngân hàng Nhà nước đạt 83,5% dự toán giao (nguyên nhân do số thu hồi vốn ngân sách Nhà nước đầu tư tại các tổ chức kinh tế chỉ đạt 12,83% dự toán giao).
Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, công tác quản lý thu của cơ quan thuế còn hạn chế. Theo đó, trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế còn tình trạng một số cơ quan thuế xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế chưa đầy đủ; chưa kiểm tra đầy đủ các loại hồ sơ khai thuế đối với người nộp thuế lựa chọn kiểm tra tại cơ quan thuế theo quy định; chưa phối hợp với các cơ quan có liên quan để quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử của các hộ, cá nhân có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm.
Cùng với đó, kết quả giám sát từ Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho thấy: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về tài chính, ngân sách Nhà nước. Nhờ đó, việc quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác quyết toán ngân sách Nhà nước có nhiều chuyển biến.
Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ và báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022 của Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế chưa được xử lý dứt điểm, cụ thể như: Việc lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022 còn nhiều tồn tại, hạn chế tại một số bộ, ngành, địa phương. Dự toán chi ngân sách Nhà nước không sát, dẫn đến một số khoản chi thường xuyên, giải ngân đầu tư thực hiện thấp hơn nhiều so với dự toán; phải hủy bỏ hoặc chuyển nguồn sang năm sau lớn...
Cơ quan chủ trì thẩm tra đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính; làm rõ nguyên nhân, lý do việc các tổ chức, cá nhân không chấp hành nghiêm quy trình lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022, số liệu quyết toán thu, chi, bội chi ngân sách Nhà nước điều chỉnh lớn sau thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách Nhà nước; đề xuất sửa đổi các Luật có liên quan để rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách Nhà nước hằng năm.