Kiểm soát quyền lực, chống tiêu cực đầy đủ và rộng hơn
Ngày 11/7 vừa qua, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã ký ban hành Quy định số 114 về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Quy định 114 sẽ thay thế cho Quy định 205 ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền.
Việc ban hành Quy định 114 có ý nghĩa như thế nào khi nửa nhiệm kỳ khóa XIII đã đi qua và chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đâu là những điểm mới, nổi bật của quy định mới này? Liệu những hành vi được nêu trong quy định đã định lượng, bao quát được các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ hay chưa?
Đây là những nội dung được phóng viên VOV trao đổi với với ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương.
PV: Ông có suy nghĩ gì về sự ra đời của quy định mới này?
Ông Nguyễn Đức Hà: Quy định 114 có 5 chương và 16 điều, nội dung cơ bản tiếp tục kế thừa nội dung đã được quy định trong Quy định 205. Lần này, Quy định 114 có bổ sung, sửa đổi rõ hơn, cụ thể hơn, rộng hơn. Trước đây, xác định chạy chức chạy quyền là một tiêu cực trong công tác cán bộ nhưng bây giờ đã thấy là nếu chỉ chống chạy chức chạy quyền thì chưa hết được tiêu cực, mà còn nhiều tiêu cực khác. Cho nên tên của Quy định 114 là “Kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”, theo tôi như thế đầy đủ hơn, rộng hơn, bao hàm, kín kẽ hơn tất cả các mặt.
PV: Vậy Quy định 114 có những điểm mới đáng chú ý nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Hà: Trước đây, Quy định 205 xác định rõ những tập thể, cá nhân nào có thẩm quyền trong công tác cán bộ thì xác định rõ được đối tượng và quy định, trách nhiệm anh phải làm việc gì, anh không được làm gì, phải thực hiện những gì. Còn ở Quy định 114 tiếp cận dưới góc độ vẫn là những chủ thể đó, bây giờ trách nhiệm, quản lý của anh thế nào. Trước đây đã chỉ ra những biểu hiện cụ thể của chạy chức chạy quyền để chống chạy chức chạy quyền, chống tiếp tay bao che, dung túng cho chạy chức chạy quyền; thì bây giờ xác định những tiêu cực trong công tác cán bộ là gì. Chạy chức chạy quyền chỉ là một biểu hiện cụ thể của tiêu cực, ngoài ra còn có những biểu hiện khác nữa, thì anh kể ra, chỉ ra được tất cả những biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ để chúng ta phải đấu tranh, xử lý những sai phạm đó.
PV: Như vậy, việc bổ sung quy định về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ tại Quy định 114 có lẽ xuất phát từ tình hình thực tiễn đặt ra thời gian qua, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Hà: Quy định lần này chỉ ra cụ thể những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Có thể nói, một trong những biểu hiện thường xảy ra và khá phổ biến về công tác cán bộ, như dư luận xã hội thường nói là “lộng quyền, lạm quyền, vượt quyền”. Anh có thẩm quyền đến mức này nhưng anh vượt quá cả thẩm quyền của anh. Ví như, công tác cán bộ phải đưa ra tập thể thảo luận và quyết định theo đa số nhưng anh với tư cách người đứng đầu, anh quyết định, tức là anh đã vượt quyền, lộng quyền; hay mình chỉ là cấp dưới nhưng mình quyết định, thế là tiếm quyền, vượt quyền, lộng quyền. Thứ hai, là làm thiếu trách nhiệm, đáng nhẽ quy định anh là người đứng đầu, phải chịu trách nhiệm và quyết định nhưng anh lại đùn đẩy lên cấp trên, hoặc dựa dẫm, không dám chịu trách nhiệm, anh không làm cũng là vi phạm. Chúng ta phải hiểu là có cả trường hợp lộng quyền, vượt quyền, nhưng lại có cả trường hợp bỏ quyền, thực chất là thiếu trách nhiệm. Việc của mình mà không làm, trách nhiệm mà không làm, là không được.
Ngăn chặn tình trạng "gia đình trị"
PV: Liệu Quy định 114 có ngăn chặn được tình trạng đi tìm người nhà, chứ không cần tìm người tài?
Ông Nguyễn Đức Hà: Có thể nói, đến bây giờ, cùng với việc chúng ta tiếp tục bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nên việc lựa chọn người thân, người nhà đã giảm đi, dân chủ được mở rộng hơn. Nơi nào thực sự phát huy được dân chủ thì ý kiến của đa số vẫn phản ánh đúng. Chúng ta phải thừa nhận như vậy, còn hãn hữu có chỗ nọ chỗ kia, mới là một chiều, nội bộ không được tốt, có thể có những biểu hiện không đúng. Còn nói chung, đa số cũng phản ánh khách quan, chính xác hơn, nên dần dần khắc phục được mặt chủ quan, ý kiến cá nhân, ý kiến của người đứng đầu, biến ý kiến của người đứng đầu, ý chí của người đứng đầu thành ý kiến, ý chí của tập thể.
PV: So với Quy định 205, Quy định 114 đã chỉ rõ hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp môi giới đưa và nhận hối lộ nhằm giúp cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi. Có thể thấy, chưa khi nào quy định của Đảng có những điểm mới như quy định lần này?
Ông Nguyễn Đức Hà: Vấn đề này cũng rất phổ biến, dẫn dắt, môi giới, nhờ vả dựa vào quan hệ này khác. Quy định 114 lần này nêu rất rõ, tôi cho rằng vấn đề môi giới, hối lộ không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, không chỉ ở chuyến bay giải cứu, mà cả trong công tác tổ chức cán bộ cũng có chuyện đó. Thực tế chúng ta đã xử lý kỷ luật nhiều cán bộ trong trường hợp này rồi, bây giờ phải đưa vào quy định, như Tổng Bí thư nói, phải kiểm soát quyền lực, phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế là vì thế. Chúng ta phải ban hành thật nhiều quy định, quy chế, hướng dẫn, cơ chế chính sách cụ thể để anh muốn tham nhũng cũng không tham nhũng được, muốn lợi dụng cũng không lợi dụng được.
PV: Nhìn từ thực tế, việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 114 có ý nghĩa như thế nào, đặc biệt là quy định không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đứng đầu các cơ quan ở 13 bộ ngành nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan?
Ông Nguyễn Đức Hà: Quy định 114 là quy định rất cụ thể, trước hết chúng ta phải thấy ở 2 khía cạnh.
Thứ nhất là những ngành nhạy cảm, hay những ngành, lĩnh vực rất dễ phát sinh tiêu cực, chỉ liên quan đến công tác cán bộ nhưng lại có nhiều vấn đề dễ phát sinh. Cho nên phải chủ động đề phòng, trước hết là những ngành, lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, mang tính nhạy cảm cao.
Thứ hai, ở đây có vấn đề hạn chế tối thiểu những trường hợp trong một gia đình làm những nghề này. Ví dụ trong Ban Thường vụ tỉnh có thể có 11 người hay 13 người, biết đâu bố là Bí thư, mẹ là Trưởng ban Tuyên giáo, con là Trưởng Ban Tổ chức, cháu họ là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra… chẳng hạn như thế là rất nguy hiểm. Loanh quanh là “gia đình trị”.
Vì thế lần này quy định phải chỉ rõ những ngành cụ thể. Nếu thực sự có tài thì bố trí chỗ khác, việc khác.
PV: Đầu tháng 1/2021, dư luận quan tâm theo dõi vụ nữ đại gia khai với cơ quan công an đã đưa 150.000 USD cho một cục trưởng để chạy chức. Không chỉ vậy, người chạy chức còn khai đã bỏ ra hơn 27 tỷ đồng cùng nhiều tài sản khác để mua chức Phó Vụ trưởng tại một cơ quan cấp Bộ. Từ thực tế này, với Quy định 114 liệu có ngăn chặn được hành vi tương tự? Ông nghĩ sao về quyết tâm xây dựng hệ thống chính trị công bằng, trung thực của Đảng ta?
Ông Nguyễn Đức Hà: Trong những tiêu cực như vậy, cái mất lớn nhất chính là chúng ta không chọn được người tài. Nói một cách khác, nó làm triệt tiêu động lực, làm mất đi động lực phấn đấu, động lực cống hiến của những người có nhân cách. Hệ lụy của nó chính là chúng ta không chọn được người tài, ảnh hưởng đến cái chung, chính vì thế việc “mua quan bán chức” trở thành câu chuyện cửa miệng trong xã hội. Rõ ràng là có câu chuyện đó, dần chúng ta đã ban hành được các quy định, quy chế cụ thể hơn như những điều đảng viên không được làm, quy định về công tác cán bộ, quy trình công tác cán bộ, điều kiện bổ nhiệm cán bộ… Khi chúng ta càng hoàn thiện được cơ chế bao nhiêu thì những tiêu cực sẽ dần giảm đi bấy nhiêu. Cơ chế, thể chế đầy đủ rồi, có muốn lợi dụng cũng không được, có muốn lạm dụng cũng không ai cho… dần dần sẽ trong sạch hơn, tốt hơn thôi.
Muốn "lồng cơ chế" bền chắc, cả hệ thống phải cùng tham gia đan lồng
PV: Quy định 114 rất rõ ràng, nhưng thực tiễn việc áp dụng liệu có dễ dàng?
Ông Nguyễn Đức Hà: Bộ Chính trị ban hành dù quy định mới hay quy định bổ sung, sửa đổi, quy định về lĩnh vực gì chúng ta cũng phải hiểu rằng nó không phải là liều thuốc tiên, mà quy định này phải cùng với nhiều quy định, quy chế khác nữa; rồi không chỉ có sự cố gắng của Trung ương, của tất cả các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, mà đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tổng Bí thư có nói “phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế” nhưng “lồng cơ chế” này phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị đan lồng này, có vậy cái lồng mới chắc, mới bền và hiệu quả.
PV: Trong Quy định 114 có một điều rất mới, đó là quy định rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, đứng đầu cơ quan tham mưu, cán bộ tham mưu và nhân sự, điều này có ý nghĩa thế nào?
Ông Nguyễn Đức Hà: Những cá nhân nào có thẩm quyền trong công tác cán bộ càng phải nghiên cứu, quán triệt một cách sâu sắc và thực hiện cho nghiêm, bởi tất cả các cấp ủy, các tổ chức Đảng, thành viên lãnh đạo, các cơ quan tham mưu đều có trách nhiệm trong công tác cán bộ. Phải có nhận thức, từ nhận thức mới ra hành động được. Nhận thức đúng mới có hành động đúng. Nghị quyết Đại hội XIII có nhấn mạnh “đặc biệt chú trọng lựa chọn, bố trí đúng người đứng đầu cơ quan tổ chức cán bộ các cấp” là thế. Người đề xuất, tham mưu rất quan trọng.
PV: Có thể thấy, Quy định 114 chính là “lá chắn” bảo vệ những cán bộ, đảng viên biết đặt quyền lợi của Đảng, của dân, của nước lên trên hết. Điều này có ý nghĩa như thế nào khi mà chúng ta đã đi qua nửa nhiệm kỳ khóa XIII?
Ông Nguyễn Đức Hà: Chúng ta đang ở nửa sau của nhiệm kỳ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt chính là công tác chuẩn bị cho đại hội nhiệm kỳ tới. Chúng ta lại phải thấy Đại hội Đảng các cấp là sự kiện chính trị lớn nhất, quan trọng nhất vì nó quyết định rất nhiều vấn đề quan trọng, và vấn đề quan trọng nhất là nhân sự, lại là cấp ủy, lại là Ban Chấp hành của nhiệm kỳ tới. Chính vì thế lần này ban hành Quy định 114 để làm cơ sở để tới đây lựa chọn, giới thiệu, cùng với lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ và cuối nhiệm kỳ, để đánh giá và lựa chọn cho đúng cán bộ. Lần này chúng ta phải quyết tâm hơn trong công tác lựa chọn, chuẩn bị nhân sự, nhất là nhân sự cấp cao và người đứng đầu các cấp.
PV/VOV1