Theo dự thảo Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày, Nghị quyết gồm 5 chương với 19 điều, trong đó quy định chi tiết về thủ tục kỳ họp bất thường; kỳ họp theo hình thức trực tuyến hoặc kết hợp giữa hợp trực tuyến và trực tiếp; cũng như hồ sơ nhân sự, thể lệ bỏ phiếu kín…
Về kỳ họp bất thường, dự thảo Nghị quyết quy định chi tiết khoản 3 Điều 1 của Nội quy kỳ họp Quốc hội về kỳ họp bất thường theo hướng quy định cụ thể về cách thức xử lý yêu cầu của các chủ thể có thẩm quyền về việc tổ chức kỳ họp bất thường gồm Chủ tịch nước, Thủ tướng; đại biểu Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự mình yêu cầu hoặc khi nhận được yêu cầu của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ hoặc yêu cầu của ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội về việc tổ chức kỳ họp bất thường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu cơ quan, tổ chức chuẩn bị nội dung được đề nghị trình Quốc hội, trong đó có yêu cầu về thời hạn gửi hồ sơ đến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp.
Trên cơ sở xem xét hồ sơ tài liệu do các cơ quan có thẩm quyền trình, ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc triệu tập kỳ họp bất thường.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, theo Nội quy kỳ họp vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 4, tháng 10/2022 thì việc triệu tập kỳ họp bất thường phải trước 7 ngày khai mạc kỳ họp. Tuy nhiên, quy định như dự thảo không rõ yếu tố thời hạn.
“Phải quy định thế nào để đảm bảo quy định về thời gian. Vì nếu không quy định đúng, đại biểu Quốc hội lại thắc mắc và có cơ sở từ chối”, ông Vương Đình Huệ nói.
Tương tự, với quy định về thời hạn gửi hồ sơ đến các cơ quan Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cũng phải nghiên cứu quy định để đảm bảo khả thi. Kỳ họp bất thường liên quan nhân sự thì không thể đòi hỏi 7 ngày như bình thường được, do vậy, quy định phải làm sao chặt chẽ để có cơ sở pháp lý cho các cơ quan thực hiện.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, đến ngày 15/3/2023 là Nội quy kỳ họp Quốc hội chính thức có hiệu lực thi hành, do đó việc ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể chậm trễ hơn nữa.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm về tên của Nghị quyết có thể tên là Nghị quyết quy định chi tiết hướng dẫn một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và thống nhất về kỳ họp bất thường, tán thành với các quy định như trong dự thảo nghị quyết. Trong đó có quy định cụ thể về cách thức xử lý yêu cầu của các chủ thể có thẩm quyền về việc tổ chức kỳ họp bất thường theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Theo quy định, các chủ thể thẩm quyền khi yêu cầu tổ chức họp bất thường phải nêu rõ sự cần thiết, đề xuất nội dung xây dựng tiêu chí kỳ họp bất thường, thời gian dự kiến tổ chức kỳ họp bất thường.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm yêu cầu các cơ quan chuẩn bị nội dung gửi hồ sơ tài liệu đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra để xem xét, quyết định việc triệu tập kỳ họp bất thường để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Dự thảo Nghị quyết quy định trình tự, thủ tục tiến hành xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp bất thường được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan về kỳ họp Quốc hội.
Quy định cụ thể hình thức họp trực tuyến được thực hiện qua hệ thống hội nghị truyền hình giữa các điểm cầu tại Hà Nội và điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định việc áp dụng các hình thức họp trực tuyến khác trên cơ sở đề nghị của Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội để đảm bảo phù hợp với hình thức thực tế.
Về hồ sơ nhân sự và thể lệ bỏ phiếu kín, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị rà soát kỹ lưỡng các quy định về hồ sơ nhân sự do cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu phê chuẩn các chức danh trong bộ máy Nhà nước, tài liệu khác trong hồ sơ trình Quốc hội cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, bãi miễn đại biểu Quốc hội, miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết hướng dẫn một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội với 100% thành viên tham gia biểu quyết tán thành./.
Ngọc Thành/VOV.VN