Cập nhật kịp thời, hoàn thiện ở mức cao
Quy định số 37-QĐ/TƯ (Quy định 37) ra đời trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Quy định số 47-QĐ/TƯ ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Những điều đảng viên không được làm”. Nhưng không chỉ kế thừa quy định cũ, Quy định 37 còn cho thấy sự hoàn thiện ở mức cao về nội dung và hình thức. Trong đó, Quy định 37 vẫn bao gồm 19 điều như quy định cũ, nhưng đã thêm chữ “Điều” vào trước các số, giúp tạo điểm nhấn cho nội dung chính. Việc bố trí, sắp xếp thứ tự các điều cũng được cho là đúng trình tự và tư duy lô gíc, đi từ vấn đề chung gắn với sinh mệnh của Đảng đến các vấn đề cụ thể.
Theo đó, Quy định 37 đã cập nhật những chủ trương, đường lối, những văn bản điều chỉnh hành vi cán bộ, đảng viên quan trọng nhất được Đảng, Nhà nước ban hành trong vòng 10 năm qua, nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, XIII của Đảng, Điều lệ Đảng, Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Quy định số 08-QĐi/TƯ ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”...
Kết luận số 14-KL/TƯ ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung” cũng đã được đưa vào Điều 11, cụ thể là đảng viên không được “Lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.
Quy định 37 cũng đã cải tiến mạnh mẽ với việc đưa nội dung của 2 điều trong quy định cũ vào bổ sung hoàn thiện cho các điều khác. Đặc biệt, Trung ương đã đưa thêm 2 điều mới là Điều 3 và Điều 13. Đây là sự bổ sung kịp thời, cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và cuộc chiến đấu phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đang được đặt ra ngày càng cấp bách.
Có thể khẳng định, Quy định 37 là một dẫn chứng sinh động, thuyết phục về tinh thần quyết tâm đổi mới của Đảng.
Đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Quy định 37 được thông qua tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) và được ban hành cùng với Kết luận số 21-KL/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" (Kết luận 21).
Đây là văn bản có ý nghĩa quan trọng không chỉ thúc đẩy, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác xây dựng Đảng mà còn xác định một mức độ cao hơn. Kết luận 21 có phạm vi bao quát rộng hơn so với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, khi không chỉ đặt vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà cả hệ thống chính trị. Nội dung nhận diện tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng được mở rộng. Các nhiệm vụ, giải pháp được cập nhật, bổ sung tăng thêm.
Trong Kết luận 21, Trung ương đã nêu rõ: “Chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, đề cao trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp; thực hiện nghiêm các quy định nêu gương của Đảng, quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, cán bộ giữ cương vị càng cao càng phải tiên phong, gương mẫu”.
Yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng tiếp tục được đặt ra ở mức độ cao hơn. Sự ra đời của Quy định 37 đúng lúc, kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đó. Đây có thể coi là "mảnh ghép" hoàn chỉnh cùng với Kết luận 21 và các văn bản quan trọng khác góp phần đẩy mạnh toàn diện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong tình hình mới.
Quy định 37 với nội dung và hình thức tiến bộ như phân tích nêu trên là cơ sở thuận lợi cho việc triển khai, tổ chức thực hiện và hướng đến kết quả tích cực hơn so với quy định cũ. Và để quy định thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu lực, hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh đòi hỏi phải có cơ chế kiểm tra, giám sát thường xuyên, khen thưởng kịp thời, kỷ luật nghiêm minh.
Việc ban hành 19 điều đảng viên không được làm thật sự là cơ hội để các cấp ủy, tổ chức Đảng huy động sức mạnh nhân dân tham gia giám sát hành vi của cán bộ, đảng viên; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đảng viên; góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Nguồn VTV