1. Chuẩn mực quốc tế: Quyền tự do ngôn luận cũng cần có giới hạn
Quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của con người được ghi nhận trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (UDHR, 1948) và Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR, 1966). Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền nêu rõ: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến; kể cả tự do bảo lưu quan điểm mà không bị can thiệp; cũng như tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền bá các ý tưởng và thông tin bằng bất kỳ phương tiện truyền thông nào, và không có giới hạn về biên giới” (Điều 19, UDHR).
Tuy nhiên, tự do ngôn luận, hay tự do biểu đạt cũng phải có giới hạn của nó. Nếu bạn tạo ra một mối “nguy hiểm rõ ràng” cho người khác thông qua biểu đạt của bạn, biểu đạt đó không được bảo vệ[1]. Do đó, quyền luôn đi đôi với trách nhiệm. Thực hiện quyền tự do ngôn luận phải gắn với “nghĩa vụ đối với cộng đồng”, bảo đảm “quyền và tự do của người khác” cũng như “đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ” (Điều 29, UDHR). Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị khẳng định “việc thực hiện quyền tự do ngôn luận có thể phải chịu một số hạn chế nhất định và những hạn chế này cần được quy định bởi pháp luật nhằm a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội” (Điều 19, ICCPR). Nói như vậy để thấy rằng quyền tự do ngôn luận được quy định trong tất cả các văn bản quốc tế không phải là quyền tuyệt đối, việc thực hiện tự do ngôn luận cũng phải có giới hạn nhằm tránh hiện tượng lợi dụng tự do ngôn luận vì mục đích cá nhân, gây phương hại đến quyền, lợi ích của người khác, đến đạo đức xã hội, trật tự công cộng và an ninh quốc gia.
2. Các quốc gia trên thế giới: Quyền tự do ngôn luận được giới hạn như thế nào?
Ngay tại nước Mỹ, nơi tự do ngôn luận được xem là giá trị hiến định không thể xâm phạm và không bị hạn chế bởi bất cứ luật nào thì quyền tự do ngôn luận cũng không hoàn toàn là quyền tuyệt đối. Sự giới hạn của tự do ngôn luận ở Mỹ được thể hiện chủ yếu qua án lệ của các Toà án, đặc biệt là Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, cho phép chính quyền ngăn chặn và trừng phạt các phát ngôn có tính chất khiêu dâm, tục tĩu, phỉ báng, xúc phạm và gây hấn mà không bị xem là vi hiến.
Các quốc gia Châu Âu có phản ứng mạnh mẽ với việc lạm dụng tự do ngôn luận. Ví dụ như ở Pháp, pháp luật về tự do ngôn luận đưa ra các giới hạn, chế tài nghiêm khắc trừng trị hành vi lạm dụng quyền tự do ngôn luận làm ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, bao gồm việc bảo vệ nhân phẩm con người, chống lại việc vu khống, bôi nhọ; chống phân biệt chủng tộc, tôn giáo; chống kích động bạo lực, gây hận thù (Luật tự do báo chí 1881); chống lại việc xâm phạm đời tư (Bộ luật dân sự); cấm xuất bản một số tài liệu liên quan đến an ninh quốc gia (Luật hình sự).Việc bày tỏ quan điểm cá nhân trên mạng Internet cũng chịu sự điều chỉnh của Luật tự do báo chí 1881. Chẳng hạn, vào năm 2010, Tòa lao động vùng Boulogne-Billancourt đã xử công nhận quyết định sa thải nhân viên của một công ty sau khi những nhân viên này vu khống, chê bai công ty trên Facebook (theo báo Le Monde ngày 19-11-2010[2]). Ngoài Pháp, nhiều nước châu Âu khác cũng có thái độ hà khắc nhằm chống lại mọi hình thức tuyên truyền kích động, tiến hành xử lý hình sự đối với những phát ngôn thù ghét và kích động. Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kì cũng hình sự hóa các hành vi phỉ báng, xúc phạm danh dự của Tổng thống, thành viên Hoàng gia. Bên cạnh đó, trongnỗ lực chung nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng tự do ngôn luận để phát ngôn thù ghét, phỉ báng trên Internet, Liên minh Châu Âu (EU) đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên Internet với sự cam kết hành động của bốn công ty mạng lớn nhất thế giới bao gồm Facebook, Twitter, Youtube và Microsoft trong việc kiểm soát và hạn chế những phát ngôn thù ghét trên Internet. Những động thái này là nhằm “bảo đảm quyền tự do ngôn luận đúng nghĩa của người dân và tạo cơ sở để xây dựng một xã hội thực sự dân chủ, văn minh”[3].
Mới đây nhất, giữa bão tin giả về tình hình dịch bệnh Covid-19, một loạt các quốc gia trên thế giới đã tiến hành nhiều biện pháp xử phạt từ cảnh cáo, phạt tiền cho đến bỏ tù những kẻ tung tin đồn thất thiệt. Ở Trung Quốc, hành vi tung tin sai sự thật về dịch bệnh bị phạt tiền, giám sát công cộng, hoặc phạt tù từ 3-7 năm nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Ở Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in tuyên bố việc lan truyền thông tin bịa đặt về dịch bệnh là “hành vi phạm tội nghiêm trọng”. Trong khi đó, ở Malaysia, Chính phủ đã bắt giữ 6 người vì đăng tải thông tin sai lệch về virus corona. Singapore áp dụng Đạo luật Chống Thông tin sai trái và Thao túng trên mạng để kiểm soát việc lan truyền tin giả về Covid-19.Cảnh sát Iran cũng bắt giữ một người vì đăng tải video giả mạo, loan tin một bệnh nhân Covid-19 nhập viện lên mạng xã hội. Tại Anh, một “đơn vị kiểm soát thông tin sai lệch” đã được thành lập nhằm tiến hành xác định tin giả về Covid-19 và liên lạc với các công ty truyền thông để loại bỏ nó.[4]
3. Việt Nam không ngoại lệ: Quyền tự do ngôn luận - không phải nói gì cũng được!
Luật nhân quyền quốc tế nhìn chung giới hạn tự do ngôn luận chủ yếu là nhằm bảo vệ nhân phẩm, danh dự (đời tư) của người khác, bảo vệ bí mật kinh doanh, chống kỳ thị, phân biệt đối xử, chống kích động bạo lực, chiến tranh. Những chỉ trích, phê phán chính quyền, bày tỏ quan điểm về chính sách cũng sẽ bị giới hạn nếu kêu gọi bạo loạn, đe doạ đến trật tự công cộng và an ninh quốc gia.
Hiện tượng tung tin giả mạo, sai sự thật, đặc biệt trong thời đại bùng nổ của Internet và mạng xã hội, khiến tình hình càng trở nên khó kiểm soát. Gần đây nhất, đã có nhiều đối tượng tung tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh Covid-19, về các ca nhiễm bệnh tại Việt Nam, gây hoang mang trong nhân dân, đồng thời trục lợi bất chính[5]. Thông tin thất thiệt đã khiến người dân lo sợ, đổ xô đi mua khẩu trang, lương thực tích trữ, dẫn đến tình trạng găm hàng, thổi giá, làm giàu trên chính nỗi sợ của cộng đồng.Những hành vi như thế không thể dùng tự do ngôn luận để biện hộ. Trên thực tế, Chính phủ Việt Nam cũng đã xử lý hàng loạt các vụ việc tung tin giả liên quan đến dịch bệnh Covid-19. Đến nay, công an các địa phương trong cả nước đã xử lý hơn 650 vụ việc, xử phạt vi phạm hành chính hơn 140 người. Ở Hà Nội, hơn 40 người đã bị xử phạt từ 10 đến 15 triệu đồng. Đặc biệt từ 9/3 đến 13/3/2020, 15 trường hợp tung tin bịa đặt về "bệnh nhân 17" và "bệnh nhân 21" mắc Covid- 19 cũng đã bị xử phạt[6]. Hà Tĩnh, Huế, Bình Phước, Cần Thơ cũng như nhiều địa phương khác cũng đã phạt tiền một số đối tượng tung tin bịa đặt, sai sự thật về dịch bệnh.
Trong bối cảnh hỗn loạn thông tin như hiện nay, truyền thông, đặc biệt là các kênh không chính thống và mạng xã hộinhiều khi có xu hướng thổi phồng thông tin, thêm thắt quá đà, cốt sao thu hút được người xem. Những kẻ cơ hội thì sẵn sàng đổ dầu vào lửa, tát nước theo mưa, bỏ qua hết những giá trị đạo đức, miễn sao đạt được mục đích. Đám đông thì cả tin, bồng bột, dễ bị xoay chuyển và dắt mũi. Do đó, mỗi người dân phải hết sức tỉnh táo, mỗi cư dân mạng phải là một bộ lọc trước các thông tin được lan truyền. Chúng ta, với tư cách là những người tiếp nhận thông tin thụ động, khi không có đủ căn cứ xác đáng để khẳng định tính đúng sai của sự việc, thì không nên dễ dàng tin theo hay phán xét điều gì, để rồi tự biến mình trở nạn nhân và cũng gián tiếp gây ảnh hưởng đến người khác, đến cộng đồng xã hội và đất nước.
[2]Vũ Văn Tính, “Tự do ngôn luận và các giới hạn về tự do ngôn luận”, báo Nhân dân điện tử, ngày 16/9/2012, https://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/21221802-.html
[3]Vũ Công Giao, Nguyễn Đình Đức, “Chống phát ngôn thù ghét, phỉ bang trên Internet ở Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và những giá trị tham khảo cho Việt Nam”, tạp chí Nghiên cứu lập pháp, 1/9/2018, http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=207415
[4]Thảo Thu, “Phạt tiền, bỏ tù và cách các nước chống tin giả trong dịch Covid-19”, báo điện tử Tri thức trực tuyến, 15/3/2020, https://news.zing.vn/phat-tien-bo-tu-va-cach-cac-nuoc-chong-tin-gia-trong-dich-covid-19-post1059499.html
[5]Hà Thanh, “Liên tiếp xử lý 6 đối tượng tung tin giả về dịch Covid-19”, báo điện tử Kinh tế và đô thị, 8/3/2020, http://kinhtedothi.vn/lien-tiep-xu-ly-6-doi-tuong-tung-tin-gia-ve-dich-covid-19-377097.html
[6]Danh Trọng, “Hơn 654 người bị xử lý vì đăng tin thất thiệt về COVID-19”, báo Tuổi trẻ Online, ngày 15/3/2020, https://tuoitre.vn/hon-654-nguoi-bi-xu-ly-vi-dang-tin-that-thiet-ve-covid-19-20200315095026411.htm
Hồ Trương