Kết luận số 14 của Bộ Chính trị được TP.HCM cụ thể hóa bằng Kế hoạch số 124 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Việc này nhằm xây dựng một đội ngũ cán bộ lãnh đạo đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với những khó khăn thách thức, nỗ lực vì hành động chung. Để sớm đưa kết luận của Bộ Chính trị vào cuộc sống thì vấn đề đặt ra là cần cơ chế bảo vệ cán bộ, cơ chế khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Thể chế hóa quy định bảo vệ cán bộ có sáng kiến, sáng tạo
Theo Kế hoạch 124 của Thành ủy TP.HCM, sự đổi mới, sáng tạo phải trên cơ sở thực tiễn và khoa học, không trái với chủ trương, quan điểm, đường lối, Hiến pháp, nguyên tắc và Điều lệ Đảng, nhận diện rõ những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không còn phù hợp với thực tiễn. Phát huy tư duy dám nghĩ, dám làm, dám đột phá không có nghĩa là làm liều, không có tính toán.
Khi xuất hiện tình huống trong thực tế đòi hỏi phải giải quyết sớm nhưng chưa có trong quy định, cần đưa ra nhiều phương án giải quyết; chọn phương án có tính đột phá, được tính toán cân nhắc cẩn thận, dự báo được những tình huống xấu nhất có thể xảy ra để chuẩn bị biện pháp khắc phục. Các ý tưởng sáng tạo, đột phá phải được cấp có thẩm quyền thông qua và đồng ý về chủ trương, hỗ trợ về mọi mặt. Trong quá trình thí điểm thực hiện ý tưởng, cách làm sáng tạo, cấp có thẩm quyền phải tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi kịp thời…
Theo ông Nguyễn Quyết Thắng - Bí thư Huyện ủy Củ Chi, thực tiễn tại cơ sở cho thấy, việc cán bộ lãnh đạo chuyên môn thực hiện đúng quy định pháp luật đã khó, trong khi đòi hỏi của cuộc sống có những việc bắt buộc vượt qua quy định pháp luật, vì một số quy định có độ trễ so với thực tiễn.
Vì vậy, khi Thành phố ban hành quy định như vậy là có lợi cho dân khi vận dụng các quy định pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên áp dụng vào thành phố thì được nhưng khi Thanh tra Trung ương vào cuộc thì khó chấp nhận vì cơ quan thanh tra căn cứ vào thông tư, nghị định chứ không căn cứ vào quy định của thành phố. Do vậy, cần thể chế hóa bằng các quy định của Đảng, để khuyến khích cán bộ mạnh dạn hơn trong đổi mới, sáng tạo và đột phá hơn trong công việc.
Còn theo ông Lê Thanh Phong - Chánh án Tòa án Nhân dân TP.HCM, để Kết luận số 14 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng sớm đi vào cuộc sống, thành phố cần phát động đợt cao điểm tại các sở, ban ngành để tìm ra những điểm nghẽn. Trên cơ sở đó để phân loại điểm nghẽn nào thuộc chức trách của thành phố, điểm nghẽn nào thuộc cấp Trung ương, từ đó đề ra giải pháp tháo gỡ.
Hiện nay, ngoài các quy chế, quy định, lực lượng cán bộ, công chức hoạt động theo quy định của pháp luật. Bởi vậy, để khuyến khích đổi mới, sáng tạo, ông Lê Thanh Phong cho rằng, cần phải có thông tư liên ngành cấp Trung ương giữa cơ quan công an, Viện kiểm sát, Tòa án để áp dụng Kết luận số 14.
"Ví dụ như đối với việc thực hiện theo tinh thần Kết luận này, nếu có sai phạm thì không bị xử lý. Đó là hành lang pháp lý vững chắc. Đặt ra vấn đề là cố ý hay không cố ý thì đã đủ pháp lý chưa? Do đó, chúng ta cũng phải thận trọng làm sao cho chặt, để đảm bảo khơi dậy được tinh thần sáng tạo" - ông Lê Thanh Phong cho biết.
Cần cơ chế khuyến khích cán bộ dám đổi mới
Ông Trần Chí Dũng, Phó Bí thư Thường trực Quận 7 cho biết, trong thực tế không phải việc gì cũng tuân thủ theo quy định vì chờ đợi sẽ chậm trễ, hỏng việc. Dẫn ví dụ về công tác phòng chống dịch COVID-19 vừa qua, ông Dũng cho hay, nếu chờ quy định, làm theo quy trình sẽ rất khó khăn khi người dân đang đứng ở ranh giới của sự sống và cái chết. Quy trình là điều kiện cần nhưng cần phải có quy định về công tác cán bộ liên quan vấn đề này.
Hiện nay đang tồn tại 3 dạng cán bộ, công chức. Đó là: Cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm, dám đột phá. Dạng thứ hai là cứ bình bình không dám đương đầu, không dám đột phá, giao việc nào thì làm việc đó. Dạng thứ ba là cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất.
Với cán bộ thoái hóa, biến chất, pháp luật đã có quy định xử lý. Với dạng cán bộ bình bình, không có bất kỳ hành động nào, cần có quy định cụ thể, như cân nhắc 1-2 năm phải điều chuyển. Riêng với cán bộ sáng tạo dám vượt qua quy định vì lợi ích chung, cần phải có quy định cân nhắc, khen thưởng, quy hoạch, có như vậy mới khuyến khích được cán bộ. Ngoài ra, cần có hành lang quy định để tạo sự chủ động cho cán bộ.
"Cần có quy định để tạo ra sự chủ động cho cán bộ. Trường hợp nào thì chúng ta tự quyết. Trong xử lý có hậu quả ngoài mong muốn nhưng vì tận tâm phục vụ nhân dân thì cần có quy định rõ ràng hơn để xử lý vấn đề này. Có như vậy cán bộ mới yên tâm ra sức thi đua dám nghĩ, dám làm và dám đột phá" - ông Trần Chí Dũng cho biết thêm.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, Kết luận số 14 sẽ tháo gỡ được tâm lý của một bộ phận cán bộ đang có tâm lý e dè, sợ vướng các quy định của pháp luật, không dám quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình. Kết luận cũng khẳng định sự đồng hành của chính quyền, của tổ chức với những cán bộ, công chức làm đúng, có động cơ trong sáng. Chờ đợi luật hóa, thể chế hóa quy định từ Trung ương sẽ rất khó khăn, làm mất cơ hội giải quyết vấn đề tồn đọng. Song điều khiến ông băn khoăn là quy định pháp luật xử lý các khung pháp lý thì chỉ xử lý cá nhân và tổ chức chứ không xử lý theo hướng chủ trương. Ông đề xuất, việc giải quyết một số vấn đề cần công khai từ ý kiến của Ban Thường vụ.
Không chỉ khuyến khích mà còn bảo vệ. Đấy là cơ sở để phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, công chức trong tình hình mới. Song để Kết luận số 14 sớm đi vào đời sống, rất cần sự vận dụng một cách sáng tạo của cấp ủy, người đứng đầu tại các địa phương, đặc biệt nâng cao vai trò giám sát trong thực hiện, triển khai các ý tưởng. Bởi ranh giới giữa đổi mới, sáng tạo và làm trái quy định là rất mong manh./.
Việt Đức/VOV-TPHCM