Tự tay hái và thưởng thức những trái mận chín đỏ, căng mọng, còn nguyên lớp phấn trắng là một trong những trải nghiệm thú vị với du khách khi tới cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Bởi vậy mà từ cuối tháng 4 đến nay, khi vào chính vụ thu hoạch, những thung lũng mận như Nà Ka, Mu Náu, các bản Pa Phách, Pa Khen... ở thị trấn Nông trường Mộc Châu luôn rộn ràng, tấp nập.
Chị Vũ Thị Nga, du khách đến từ Hải Phòng chia sẻ: “Từ khi lên Mộc Châu tôi không mua quả mận nào bên ngoài, mà đợi để được vào tận vườn hái làm quà cho gia đình, bạn bè. Những quả mận mới hái tươi ngon, thực sự rất thích. Vào vườn mình cũng choáng ngợp luôn, không nghĩ nhiều như vậy, quả to ngon”.
Khung cảnh nên thơ của những vườn mận có tuổi đời gần 30 năm, với nhiều cây cổ thụ thân to, cành toả, sai trĩu... khiến không ít du khách muốn hoá thân thành những cô sơn nữ, anh nông dân, gùi lu cở hay xách giỏ trên tay, vừa hái quả, vừa lưu lại những khung hình độc đáo.
Để đem lại những trải nghiệm ấn tượng cho du khách, các hộ trồng mận ở Mộc Châu đã dành thời gian, tâm sức chăm sóc vườn cây và tạo nên những sản phẩm an toàn, chất lượng.
Chia sẻ của anh Nguyễn Văn Sơn, chủ vườn mận tại tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu: “Khi bắt đầu thu hoạch trái, vườn sẽ phải chống đỡ những cành cổ thụ để giữ cho cây chắc khoẻ, không bị gãy cành. Thời điểm này chủ yếu nhà mình chăm cây, dưỡng cây, nuôi trái, phân thuốc lên cây đúng thời gian, lịch trình, bởi vườn có mở du lịch nên theo dõi đầy đủ để mọi người còn vào vườn tham quan, trải nghiệm”.
Hàng chục năm bén rễ và phủ xanh mảnh đất cao nguyên, cây mận hậu đã gắn bó và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào các dân tộc Mộc Châu. Từ chỗ để cây mận phát triển tự nhiên, bà con đã từng bước thay đổi phương pháp canh tác theo quy trình, nâng cao chất lượng, đem lại giá trị kinh tế cao.
Ông Tô Đăng Năm, tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu cho biết: “Tôi trồng cây mận 30 năm rồi, chúng tôi làm theo tiêu chuẩn VIETGAP, từ chăm sóc cây đến hái quả, đảm bảo quả mận sạch 100% cho khách trải nghiệm, hái quả, ăn quả. Nhà có 2ha, sản lượng tuỳ theo từng năm, được mùa thì được 15-20 tấn/ ha; chúng tôi thu mỗi ha được 300 - 400 triệu đồng”.
Không chỉ là một trong những “vựa” mận lớn của cả nước, với diện tích hơn 3.500 ha; Mộc Châu ngày càng được du khách trong nước cùng bạn bè quốc tế biết đến bởi những sản phẩm nông sản, du lịch hấp dẫn. Đặc biệt là từ khi địa phương này triển khai chủ trương phát triển “nông nghiệp tương hỗ cho du lịch”.
Ông Trần Xuân Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La thông tin: “Mộc Châu luôn xác định nông nghiệp đa dạng và phục vụ cho du lịch, mùa nào thức nấy, hiện nay cũng đang trải dài trong cả năm. Từ những cánh đồng rau an toàn đã xây dựng thương hiệu, đến những mùa quả theo thời vụ, từ mận hậu, vườn xoài, nhãn, hồng, cam... đều có sản phẩm. Trong những năm qua, chúng tôi đã vận động các HTX, hộ gia đình xây dựng những mô hình để du khách trải nghiệm, qua đó thúc đẩy tiêu thụ qua nhiều kênh khác nhau”.
Tới đây vào ngày 18/5, ngày hội hái quả sẽ được tổ chức tại thung lũng mận Nà Ka – thủ phủ mận hậu của Mộc Châu, trong khuôn khổ Lễ công bố Khu Du lịch Quốc gia Mộc Châu. Đây cũng là cơ hội để du khách gần xa trải nghiệm những sản vật đặc trưng, nét đẹp văn hoá, khám phá miền đất, con người tại “điểm đến thiên nhiên hàng đầu thế giới”.