Một doanh nghiệp tại khu chế xuất Tân Thuận tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang trên đà phục hồi và phát triển, tuy nhiên lại đang vấp phải 2 vấn đề đó là đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế thế giới đang chững lại, cùng với đó là rủi ro về bất ổn kinh tế vĩ mô; trong đó, lạm phát là rất lớn...
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng dù "vấp" phải lực cản nhưng chương trình phục hồi kinh tế không trở nên lạc hậu. Và quan trọng là chính sách phát huy được tính kịp thời, có như vậy mới đạt được mục tiêu phục hồi kinh tế.
Xác định những điểm nghẽn
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng trong 2 năm qua, Việt Nam đã hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, khiến nền kinh tế đạt mức tăng trưởng thấp.
Nhưng kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" nhằm thích ứng an toàn với dịch COVID-19 vào tháng 10/2021, nền kinh tế đã bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi. Tăng trưởng GDP quý 4/2021 đạt 5,22%; quý 1/2022 ước đạt 5,03% so với cùng kỳ năm trước; kỳ vọng tăng trưởng tiếp tục đà tích cực trong quý 2 và cả năm 2022. Qua đó, tạo niềm tin vào các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, theo ông Võ Trí Thành, đà phục hồi kinh tế của Việt Nam đang gặp phải 2 vấn đề. Đầu tiên đó là, phục hồi và tăng trưởng kinh tế thế giới đang chững lại. Cụ thể, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trước đó dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 đạt 4,9%, nhưng tháng 1/2022 đã giảm xuống 4,4% và khả năng dự báo giảm tiếp trong tháng này do những bất ổn của xung đột chính trị, nhiều nước phát triển điều chỉnh lại chính sách tiền tệ và gói hỗ trợ đã “co” lại.
Vấn đề thứ 2 mà Việt Nam “vấp” phải đó là rủi ro về bất ổn kinh tế vĩ mô, nhất là lạm phát, điều này đã bắt đầu xuất hiện vào năm 2021. Sang năm 2022, khi nghiên cứu và triển khai Chương trình phục hồi phát triển kinh tế trong 2 năm (2022-2023), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán, ngoài tác động tích cực từ các gói hỗ trợ hỗ trợ về an sinh xã hội, doanh nghiệp cũng có thể mang đến những rủi ro như lạm phát, thâm hụt ngân sách, nợ công hoặc doanh nghiệp có thể chuyển tiền hỗ trợ vào các kênh đầu tư tài chính...
Theo đó, ngay cả khi thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế thật tốt, thì tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022 vẫn có thể giảm so với tính toán vào thời điểm đầu năm nay; đồng thời, lạm phát cũng rất khó để kiểm soát dưới 4% theo yêu cầu đặt ra…
Cùng với đó, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine sẽ có tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế như đứt gãy chuỗi cung ứng, gia tăng chi phí sản xuất đầu vào...
Do vậy, việc thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế có ý nghĩa quan trọng hơn, cấp thiết hơn vì chương trình khi được thiết kế nhằm hỗ trợ kịp thời những khó khăn của doanh nghiệp. Đặc biệt, việc thực hiện chương trình phục hồi kinh tế nhanh, triển khai các gói hỗ trợ kịp thời cũng tạo cho doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách hỗ trợ thuận lợi, đúng thời điểm.
Sản xuất giày xuất khẩu sang thị trường châu Âu tại Công ty giày Trường Xuân, Ba Vì, Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cũng cho rằng, khi xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế, đã có tính toán đến các yếu tố bất ổn khác của dịch COVID-19, nên khi thiết kế chương trình thực hiện đã có dự liệu các giải pháp. Một trong những giải pháp đó là kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ để phù hợp với biến động về vĩ mô.
Đẩy nhanh thực thi
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay từ khi ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình (Nghị quyết 11), đến nay, nhóm các cơ chế, chính sách đã được ban hành và đang được triển khai; đặc biệt là các chính sách của Bộ Tài chính liên quan đến miễn giảm thuế đã thực hiện khoảng 9.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, một số chính sách mới được ban hành gần đây như Quyết định 08/2022/QĐ của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/3/2022 về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường về cơ chế đặc thù khai thác mỏ làm vật liệu thông thường phục vụ cho các dự án hạ tầng quan trọng, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc-Nam.
Cùng với đó, dự thảo Nghị định hướng dẫn hỗ trợ lãi suất cho vay thông qua các ngân hàng thương mại; dự thảo Nghị định hướng dẫn liên quan đến cơ chế đặc thù về chỉ định thầu; dự thảo Quyết định phê duyệt về hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu của Ngân hành Chính sách Xã hội cũng đã được trình Chính phủ. Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Phương yêu cầu các địa phương thực hiện phải bảo đảm yếu tố vừa nhanh, vừa đúng quy định pháp luật vừa hiệu quả.
Tiến sỹ Võ Trí Thành cho rằng tiến độ triển khai đã tốt hơn rất nhiều, nhất là sự phối hợp nhịp nhàng giữa Quốc hội và Chính phủ trong xây dựng, triển khai Chương trình. Để chương trình phục hồi kinh tế phát huy được vai trò và tính kịp thời, cần phải giải quyết ngay vấn đề thực thi, thực hiện tốt chính sách tiền tệ và tài khóa.
Cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội giao dịch ở xã Thanh Luông, huyện Điện Biên. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)
Trên thực tế, ông Phan Đức Hiếu cho rằng Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt trong thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế. Điều này thể hiện, trong vòng 20 ngày sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ đã ban hành chương trình chi tiết về phục hồi kinh tế.
“Tuy nhiên, bên cạnh những chính sách đã được thực thi sớm, rất nhiều chính sách hiện nay vẫn đang trong quá trình xây dựng và chờ để triển khai. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả của chương trình phục hồi kinh tế, đồng thời ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của khu vực doanh nghiệp,” ông Hiếu cho biết.
Dưới góc độ là đối tượng chịu tác động trực tiếp từ các chính sách hỗ trợ phục hồi, ông Nguyễn Đức Thiện, Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc cũng đồng tình cho rằng, chính sách đã đúng, trúng rồi nhưng nếu thực thi không tốt thì người hưởng lợi sẽ bị thiệt thòi và không có sự lan tỏa cho nền kinh tế.
Ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận trong giai đoạn trước có nhiều chính sách, doanh nghiệp phản ánh không tiếp cận được, ví dụ như chính sách thuế, tín dụng, chính sách cho người lao động… Tuy nhiên, hiện nay đã có những đánh giá tổng kết, các cơ quan đã số hóa một phần, bỏ điều kiện đầu vào, đối tượng được hưởng cũng rõ ràng hơn và đặc biệt sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương đã có sự chuyển mình lớn.
"Hy vọng những chính sách được triển khai trong thời gian tới sẽ không còn xảy ra những tồn tại trên," ông Hùng cho biết.
Để Chương trình phục hồi kinh tế mang lại hiệu quả tích cực, bên cạnh sự quyết liệt, linh hoạt, cần sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành liên quan. Đặc biệt, cần có sự thống nhất của các cấp, ngành, địa phương trong triển khai chương trình, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ.
“Sắp tới khi có nhiều chính sách triển khai, cần phải tổ chức thực thi hướng đến sự minh bạch, công bằng dễ tiếp cận và đừng biến chính sách trở thành áp lực ngược lại mới đáp ứng được mục tiêu phục hồi hiện nay,” ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh./.
Thúy Hiền (TTXVN/Vietnam+)