Sản xuất “sống chung với lũ”
Bà Nguyễn Thị Ty ở xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh), cho biết: Càng ngày lượng mưa càng ít, đất cũng không còn màu mỡ như 5-10 năm trước. Nếu gia đình tôi vẫn giữ thói quen canh tác thủ công như cũ thì cầm chắc mất mùa. Để khắc phục, gia đình tôi mua máy bơm kéo nước về rẫy, dùng máy cày để làm đất, trồng những giống sắn, giống mía chịu được hạn… Nhờ đó mà sản lượng được duy trì, chi phí sản xuất giảm nên vẫn có cuộc sống ổn định từ làm nông.
Còn ông Huỳnh Văn Tánh ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa), bày tỏ: Gia đình tôi áp dụng kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp (ICM) trên cây lúa và quy trình VietGAP trên cây ăn trái nên người tiêu dùng ưa chuộng, bán được giá cao. Nhờ đó, những chi phí phát sinh do nắng nóng, sâu bệnh gây ra được giải quyết.
Hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng là một trong những cách nhiều đơn vị áp dụng để tăng thu nhập cho kinh tế hộ trong điều kiện thời tiết biến đổi ảnh hưởng xấu tới sản xuất nông nghiệp. Ông Phan Văn Hùng, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân), cho biết: Đơn vị quản lý 30ha đất sản xuất bị bỏ hoang nhiều năm liền do không trồng được lúa. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, HTX hướng dẫn bà con trồng cây đậu phộng trên diện tích này. Cây hợp đất cho sản lượng tốt, thu nhập gấp 2 lần cây lúa. Hiện cây đậu phộng cho năng suất đạt bình quân 2,7 tấn/ha, người trồng có thu nhập gần 73 triệu đồng/ha.
Chuyển đổi cây trồng, giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Phú Yên TV
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ứng phó với BĐKH trong sản xuất, như áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến, sử dụng hợp lý phân thuốc hóa học, đồng bộ cơ giới hóa các biện pháp kỹ thuật cày sâu, cày không lật đất (cày ngầm)... để hạn chế bốc hơi nước và xói mòn đất.
Cùng với đó là dùng các giống mới có năng suất cao, khả năng chống chịu tốt, thích ứng với mọi điều kiện khí hậu được khuyến khích; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ lúa sang cây trồng cạn ngắn ngày, dài ngày để tiết kiệm nước tưới hoặc cây trồng chịu ngập cho một số vùng ngập úng… Việc sử dụng đồng bộ các biện pháp cũng đã góp một phần duy trì sản lượng, nâng cao giá trị kinh tế, hạn chế tác động xấu của BĐKH tới sản xuất.
Tạo ra những cơ hội mới
Càng ngày người dân càng có xu hướng chuộng sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên để bảo vệ sức khỏe. Chính nhu cầu này đã thúc đẩy các nhà khoa học, người làm dịch vụ và cả nông dân bắt tay vào nghiên cứu, tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường để phục vụ chính mình, sinh hoạt gia đình và cho cả cộng đồng.
Nhiều người trẻ có cơ hội khởi nghiệp khi sản xuất và bán các sản phẩm sạch như Phan Xuân Danh (huyện Tuy An), Nguyễn Thị Nguyệt (huyện Sông Hinh)… Chị Nguyễn Thị Nguyệt cho biết: “Yêu thích thảo dược nên tôi luôn muốn tạo ra các sản phẩm phục vụ sinh hoạt thay thế các sản phẩm hóa học. Những tinh chất từ quế, bồ kết, vỏ cam, chanh, bưởi… vừa dễ kiếm vừa tốt cho sức khỏe. Hơn 3 năm trước, sản phẩm dầu gội bồ kết của tôi đã có mặt trên thị trường và được mọi người đón nhận.
Sản phẩm siro ho được làm từ các loại thảo dược được chị Nguyệt chia sẻ trên trang cá nhân. Ảnh: internet
Hiện tôi có thêm nhiều sản phẩm như siro ho, sữa rửa mặt, nước cất trầu không… tất cả đều được làm từ nguyên liệu dân gian với những cây thuốc, cây lá có trong vườn nhà. Sản phẩm của tôi đang bán online qua facebook, zalo, shoppe… và mang lại thu nhập bình quân 8-10 triệu đồng/tháng”. Ngoài ra thông qua mạng xã hội, chị Nguyệt cũng chia sẻ các video clip hướng dẫn mọi người cách làm các sản phẩm đơn giản như nước rửa chén, nước rửa tay… phục vụ sinh hoạt gia đình mình.
Hiện trên địa bàn tỉnh, nhiều tổ chức, cá nhân đã nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường gồm vật liệu mới phục vụ xây dựng thay thế nguồn tài nguyên cũ đã dần cạn kiệt; các chế phẩm sinh học và phân vi sinh thay thế phân, thuốc bảo vệ thực vật; dung dịch tẩy rửa vệ sinh, nước gội đầu… thay cho các sản phẩm hóa học, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng./.
Theo Phú Yên online