Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Việt Nam cần xây dựng, ban hành thêm những khung pháp lý, chính sách khuyến khích sản xuất và tiêu dùng bền vững, hướng tới xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn.
Triển khai Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, hơn 2 năm qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động, giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách, nâng cao nhận thức của cộng đồng, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xanh, hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Bối cảnh mới đang đặt ra những cơ hội, thách thức mới đối với hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững, đặc biệt là cam kết của Việt Nam với quốc tế về phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 tại Hội nghị COP26.
Ông Cù Huy Quang, Phó Chánh Văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng bền vững, Bộ Công Thương cho biết, sản xuất, tiêu dùng bền vững là một trong những xu hướng trên thế giới, nhất là trong bối cảnh các nguồn nguyên vật liệu sơ cấp ngày càng cạn kiệt. Do vậy, các doanh nghiệp cần xác định, quá trình chuyển đổi sang nền xuất xanh, tiêu dùng bền vững là con đường chiến lược để doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững.
“Nhà nước cần phải hoàn thiện những chính sách, những khung pháp lý làm sao để hỗ trợ được các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi sang nền sản xuất xanh, hướng đến quá trình phát triển bền vững. Từ đó có thể ưu tiên cho những lĩnh vực, những ngành áp dụng công nghệ xanh, sạch để khuyến khích các doanh nghiệp khác chuyển đổi mô hình, phương pháp, phương thức xanh hóa trong quá trình sản xuất cũng như trong quá trình tiêu dung” - ông Cù Huy Quang nói.
Nhìn nhận ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Huân, Công ty CP Tin học, Công nghệ, môi trường - Vinacomin nêu thực tế, quá trình triển khai sản xuất xanh, sạch hơn, các doanh nghiệp nói chung cũng như các doanh nghiệp sản xuất than nói riêng có cơ hội được tiếp cận với công nghệ, phương pháp khai thác, chế biến hiện đại để từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như tiết kiệm năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường một cách tốt hơn.
Theo ông Nguyễn Hoàng Huân, trong quá trình triển khai sản xuất, các doanh nghiệp có cơ hội được tiếp cận với công nghệ, phương pháp khai thác, chế biến hiện đại nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn. Do vậy, cần có những cơ chế, chính sách giúp các doanh nghiệp sản xuất xanh, bền vững tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.
“Một trong những giải pháp đầu tiên đó là phải cần có những giải pháp về cơ chế, chính sách và ưu tiên và khuyến khích việc nghiên cứu khoa học, phát triển các công nghệ hiện đại để áp dụng vào sản xuất, làm sao tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải cũng như đáp ứng mục tiêu tiết kiệm năng lượng cũng như nâng cao sản lượng và hiệu quả của trang thiết bị đầu tư. Thứ hai quan trọng nhất là cần có những cơ chế, chính sách giúp các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi vì chi phí của nó rất lớn” - ông Nguyễn Hoàng Huân nói.
Theo các chuyên gia, để có thể đạt được các mục tiêu đã đề ra, Việt Nam sẽ cần xây dựng, ban hành thêm những khung pháp lý, chính sách khuyến khích sản xuất và tiêu dùng bền vững, hướng tới xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, tiêu dùng. Đặc biệt, cần chú trọng việc kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững hình thành liên kết chuỗi từ khâu sản xuất đến phân phối và tiêu dùng các sản phẩm.
Bá Toàn/VOV1