Ngày 20/6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), trong đó, quy định nhiều nội dung liên quan đến sản xuất, tiêu dùng bền vững. Các quy định này sẽ là căn cứ pháp lý để thúc đẩy, khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân nâng cao hiệu quả sản xuất, tiêu dùng bền vững tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Uỷ ban cạnh tranh quốc gia, Bộ Công Thương cho biết, nỗ lực của các doanh nghiệp trong thời gian qua đối với việc thay đổi vận dụng đổi mới sáng tạo để sản phẩm của mình theo hướng xanh, thân thiện với môi trường đã được quan tâm, chú trọng. Cùng đó người tiêu dùng cũng thay đổi nhận thức của mình hướng tới tiêu dùng bền vững.
“Sản xuất tiêu dùng bền vững là xu hướng của thời đại và là trách nhiệm không chỉ của cơ quan quản lý nhà nước khi đưa vào những chính sách đó, mà nó là trách nhiệm của doanh nghiệp và của người tiêu dùng. Tới đây, chúng tôi cũng sẽ đưa ra nhiều Chương trình thay đổi nhận thức của người tiêu dùng đưa những sản phẩm hướng tới bền vững”, bà Nguyễn Quỳnh Anh cho biết.
Sản xuất xanh giúp các doanh nghiệp đón đầu xu hướng tiêu dùng mới, tạo ra sự tăng trưởng đáng kể trong kết quả kinh doanh. Doanh nghiệp có thể đẩy mạnh tạo lập giá trị thương hiệu và nâng cao hiệu quả kinh doanh bằng cách xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng thông qua các cam kết về trách nhiệm xã hội và môi trường, đặt vấn đề sức khỏe người tiêu dùng vào trọng tâm của việc phát triển sản phẩm.
Để thực hiện yêu cầu này, thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố đã quan tâm chú trọng đến nội dung này. Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Đến nay, Chương trình đã hỗ trợ khoảng 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối được hướng dẫn, áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; giảm 65% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và các trung tâm thương mại, siêu thị; 70% các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; 80% doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn.
“Thành phố Hà Nội tập trung hỗ trợ các đối tượng là các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có quy mô nhỏ và vừa để hình thành chuỗi sản xuất sạch theo từng lĩnh vực như mây tre đan, dệt may, sơn mài, xây dựng, hàng tiêu dùng, cơ khí chế tạo, điện – điện tử... với hệ thống các siêu thị, trung tâm phân phối bán lẻ. Từ đó, hình thành mối liên kết chặt chẽ là sản xuất xanh - phân phối xanh - tiêu dùng xanh”, bà Trần Thị Phương Lan cho biết thêm.
Nguyễn Hằng/VOV.VN