Với quan niệm xuất phát điểm thấp, tỉnh nhỏ thì phải nuôi khát vọng lớn nên trong thời gian qua, nhất là trong hai mươi năm nay, Hậu Giang đã nỗ lực vượt qua bao khó khăn để vươn lên đạt những thành quả ấn tượng ở nhiều lĩnh vực.
Những ngày cuối tháng tư này, dọc hai bên tuyến Quốc lộ 61C từ Thành phố Cần Thơ xuôi về thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, bên cạnh sắc tím, sắc vàng rực rỡ của hoa bằng lăng, hoa hoàng yến, là những cánh đồng xanh mướt mắt cây lúa Hè thu. Bà con nông dân ở đây cho biết, nhờ vụ lúa Đông xuân vừa qua trúng múa, được giá, có thu nhập cao nên mọi người hồ hởi xuống giống vụ lúa mới này.
Lão nông Nguyễn Văn Thích ở xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy phấn khởi bộc bạch: “ Làm theo Chương trình 1 phải 5 giảm, 3 giảm 3 tăng của VnSat đã thực hiện cho cái vùng của tôi nên nông dân chúng tôi giảm được chi phí đầu vào từ giống, phân..., thành ra lợi nhuận cao hơn cách làm truyền thống. Vụ lúa Đông xuân năm nay trừ chi phí thì 1 ha như vậy thu lợi nhuận gần 60 triệu đồng. Nông dân năm nay rất phấn khởi tiếp tục vụ Hè thu đang sạ lúa được 10 ngày rồi ”
Không chỉ nông dân có thu nhập cao, không chỉ có lĩnh vực nông nghiệp phát triển mà nhiều lĩnh vực khác của tỉnh Hậu Giang đã thật sự bừng sáng trong thời gian gần đây. Ngay như năm ngoái, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, song với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân, Hậu Giang đã đạt và vượt 18/18 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, trong đó, nổi bật nhất là tăng trưởng kinh tế đạt 13,94%, đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ tư cả nước.
Riêng trong quý I năm nay, phát triển kinh tế của Hậu Giang tiếp tục là điểm sáng, duy trì đà tăng trưởng cao và đạt kết quả tích cực; hoạt động sản xuất, kinh doanh của hầu hết các lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng. So với cùng kỳ, giá trị sản xuất công nghiệp tăng gần 26,2%; sản xuất nông nghiệp duy trì tăng trưởng ổn định; tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh tăng hơn 7,3%. Đặc biệt, lần đầu tiên tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Hậu Giang được xếp đạt mức cao nhất cả nước.
Những kết quả ấn tượng này đã được Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn biểu dương khi gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri Hậu Giang trong những ngày vừa qua: “Hậu Giang là một tỉnh được chia tách, thành lập tháng Giêng tới là 20 năm, có nhiều nỗ lực cố gắng vươn lên, nhiều điểm sáng trong lĩnh vực kinh tế, xã hội nhưng nhìn chung thấy Hậu Giang phát triển về đầu tư kết cấu hạ tầng, đầu tư cho lĩnh vực kinh tế, lĩnh vực xã hội khá là tốt. Qua 3 tháng đầu năm 2023 thì Hậu Giang tăng trưởng kinh tế 12,67%, đây là lần đầu tiên tăng trưởng quí của tỉnh được xếp ở mức cao nhất cả nước".
Ông Đồng Văn Thanh- Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang khẳng định: Sự thành công này có công lao đóng góp rất lớn của các lãnh đạo tỉnh Hậu Giang ở các nhiệm kỳ trước. Chính những thành quả mà Hậu Giang đã gặt hái được trước đó đã đặt nền tảng vững chắc để lãnh đạo địa phương kế thừa, phát huy đưa Hậu Giang tiếp tục phát triển lên tầm cao mới trong nhiệm kỳ này. Với tinh thần "Đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng", Hậu Giang đã xây dựng các Nghị quyết, Chương trình, kế hoạch bài bản và tập trung tuyên truyền tạo sự lan tỏa trong cả hệ thống chính trị, trong cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Đặc biệt, Hậu Giang đã ban hành Nghị quyết tập trung phát triển 4 trụ cột, đó là công nghiệp, nông nghiệp, đô thị, du lịch để tập trung thực hiện. Trong đó, nông nghiệp là trụ đỡ và công nghiệp có vai trò nền tảng, dẫn dắt, lan tỏa - là trụ cột chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và gia tăng nguồn thu ngân sách.
Yếu tố để Hậu Giang thành công trong quá trình triển khai thực hiện các mặt công tác là tỉnh luôn chú trọng xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, trong đó có phân công, giao việc, có giao thời gian và có những cơ chế, chính sách về nguồn nhân lực, về kinh phí để hỗ trợ cho từng kế hoạch đã ban hành. Bên cạnh đó, tỉnh còn thành lập Ban chỉ đạo, các tổ giúp việc để triển khai, theo dõi thực hiện các kế hoạch và có sơ kết, đánh giá thường xuyên.
Chủ tịch UBND tỉnh, ông Đồng Văn Thanh cho biết: “ Đặc biệt là những nội dung mà qua quá trình triển khai thực hiện mà còn vướng mắc thì chúng tôi kịp thời trao đổi trong tập thể Thường trực, thậm chí chúng tôi tổ chức hàng ngày có buổi trao đổi riêng để xử lý những vướng mắc đó giúp đỡ cho các tập thể, cá nhân kịp thời hoàn thành được những nội dung công việc được giao. Chúng tôi cũng ban hành kế hoạch khen thưởng cho thực hiện những nhiệm vụ đột xuất, qua đó tạo được tinh thần phấn khởi trong cán bộ và nhân dân trong toàn tỉnh.”
Có thể nói, một trong những “điểm son” của Hậu Giang là việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Cách nay hơn 3 năm, Hậu Giang đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất của Chủ tịch nước vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020. Hiện Hậu Giang đã có 37/51 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn Nông thôn mới. Nông thôn mới đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn của tỉnh, chất lượng cuộc sống của người dân ở nông thôn được cải thiện và ngày càng nâng cao, cảnh quan môi trường nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp, ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng lên… Đến cuối năm ngoái, thu nhập bình quân đầu người cả năm của tỉnh đạt gần 66 triệu đồng, tăng gần 12 triệu đồng so với năm trước đó.
Trung tướng Nguyễn Xuân Xinh- Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục V, Bộ Công an- người con của vùng đất Long Mỹ, Hậu Giang bồi hồi xúc động khi mỗi lần về thăm quê được tận mắt chứng kiến sự đổi thay rõ nét trên mảnh đất nghèo, từng bị bom cày, đạn xới trong chiến tranh.
“Thành phố Vị Thanh, rồi huyện Long Mỹ, Vị Thủy và thị xã Long Mỹ, bốn địa phương này là của Long Mỹ hồi xưa. Sau khi chia tách, thành lập tỉnh thì phát triển rất rõ, rất ấn tượng. Nói tóm lại là khi về quê hương Long Mỹ xưa thì thấy bộ mặt thay đổi rõ về tăng trưởng kinh tế rất là ấn tượng; cái thứ hai là cái chính sách đền ơn đáp nghĩa của chính quyền địa phương rất là tốt và cái thứ ba là phong trào xây dựng Nông thôn mới, phải nói đặc biệt là phong trào xây dựng Nông thôn mới có khí thế. Nếu như không có thực hiện xây dựng Nông thôn mới thì bộ mặt nông thôn bây giờ cũng chưa có phát triển rõ ”- Trung tướng Nguyễn Xuân Xinh bày tỏ.
Những ngày này, Hậu Giang đang hân hoan tổ chức nhiều hoạt động, phong trào thi đua kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước và hướng tới kỷ niệm 20 năm ngày thành lập tỉnh.
Đón tuổi 20 đầy sức sống và khát vọng, Hậu Giang đang tiếp tục kế thừa, phát huy cao độ truyền thống yêu nước, tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết; biến khó khăn, thách thức thành động lực để vươn lên.
Tấn Phong/VOV- ĐBSCL