Trong bài viết trước về chủ đề “Chung sức- đồng lòng vượt qua đại dịch”, phóng viên VOV đã làm rõ giải pháp tiên quyết để cả hệ thống chính trị thích ứng nhanh với tình hình mới, tăng tốc khôi phục kinh tế, xã hội là bao phủ vaccine. Thực tế, với những bước đi chiến lược từ ngoại giao vaccine cho tới huy động sức mạnh tổng lực xây dựng quỹ vaccine, nghiên cứu bào chế vaccine… Việt Nam đã và đang có những bước đà hanh thông cho mục tiêu này. Điều đó không có nghĩa là toàn hệ thống ở trong trạng thái bất động hoặc hoạt động cầm chừng, chờ thời điểm gần 100 triệu dân được tiêm phòng đạt chuẩn - Sars - Covi2 trở thành căn bệnh thông thường, mới tái thiết và thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Ngay từ khi Covid-19 xuất hiện, Đảng, Chính phủ đã xác định “mục tiêu kép” - vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội.
Trải qua nhiều đợt dịch, với những diễn biến khôn lường, phức tạp, tới nay, đây vẫn là quyết sách phù hợp, cần sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, để thích ứng linh hoạt, an toàn với bối cảnh mới, tạo nên những thành công mới trong lịch sử xây dựng, phát triển đất nước. Đây là nội dung phần cuối Loạt bài, nhan đề “Thích ứng linh hoạt với Covid19, tăng tốc phát triển kinh tế”.
Gần 2 năm Covid-19 xuất hiện, đặc biệt kể từ tác động đa chiều của đợt dịch lần thứ 4, tính bền vững của sàn an sinh, sức đề kháng của nền kinh tế rơi vào tình trạng báo động khi chỉ số sản xuất công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp suy giảm; tỉ lệ doanh nghiệp rời khỏi thương trường tăng cao kỷ lục; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ hàng hoá tiêu dùng giảm; vốn đầu tư công đạt mức thấp; người lao động mất việc-thất nghiệp gia tăng; nợ xấu ngân hàng tăng-tiềm ẩn rủi ro cho thị trường tài chính... Theo Chuyên gia kinh tế.Tiến sĩ Võ Trí Thành, đây là biến cố lớn nhất trong lịch sử kinh tế-xã hội của đất nước, kể từ những năm 60.
"Covid như một cơn bão tàn phá, càn quét nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt nam. Đến lần dịch lần thứ 4 này thì Việt Nam bị tác động nghiêm trọng nhất: làm đứt gãy chuỗi cung ứng phạm vi toàn cầu, giữa các quốc gia và trong lòng các quốc gia, ở gần như tất cả các lĩnh vực. Cũng là lần đầu tiên sau bao nhiêu năm kể từ khi chúng ta thực hiện Luật Doanh nghiệp, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường lớn hơn đáng kể so với số doanh nghiệp thành lập mới, đây là tác động vô cùng lớn. Theo dự tính, tăng trưởng năm nay sẽ là mức tăng trưởng thấp nhất 30 năm đổi mới ở Việt Nam. Các vùng dịch giã hoành hành như TP.HCM, Đông Nam Bộ, rồi trước đây Bắc Ninh, Bắc Giang đều cho thấy: đến ngưỡng chịu đựng"- ông Võ Trí Thành nhận định.
“Ngưỡng chịu đựng” theo cách nói của chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành không đơn thuần là những con số được thống kê và công bố. Bởi tác động của Covid19 hoàn toàn khác biệt so với những cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây, buộc Chính phủ phải thực hiện giãn cách xã hội diện rộng và đồng loạt. Bản chất của giãn cách xã hội, hay “cách ly”, “phong toả” - là “làm đau kinh tế”. Và thực tế, nền kinh tế đã chịu đau rất lớn, mất mát, thiệt hại rất nhiều, kéo theo nhiều hệ luỵ khác trong đời sống-xã hội. Tình trạng này nếu kéo dài, hậu quả sẽ lớn vô cùng. Nhiều chuyên gia, doanh nhân cho rằng, họ chạm ngưỡng áp lực có thể chịu đựng nếu chưa sớm có các biện pháp nới lỏng sản xuất. Thực hiện mô hình 3 tại chỗ, thời gian đầu cũng có những hiệu quả tích cực. Còn nếu bây giờ tiếp tục, doanh nghiệp kiệt quệ. Phải thay đổi chiến lược để khởi động lại nền kinh tế.
Xác định không thể để tình trạng kéo dài, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải thành lập ngay các Tổ Công tác về phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; Xây dựng các kịch bản phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương, đơn vị. Điều đó không có nghĩa là “mạnh ai nấy làm, mạnh tỉnh-thành-ngành nào, tỉnh-thành-ngành ấy thực hiện”. Điều quan trọng được Chính phủ quán triệt ngay sau khi đã có những bài học kinh nghiệm từ các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội kéo dài như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An…. ; sau khi đã có những trụ đỡ an toàn từ những vùng xanh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Phòng… là phải quan tâm tính kết nối vùng-miền; quan tâm chuỗi cung ứng zero Covid, chứ không chỉ là duy trì chiến lược zero Covid ở tầm vĩ mô.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: "Căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương xem xét việc mở cửa theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là những nơi có vùng xanh thì phải mở ra nhưng mà kiểm soát cho tốt, để nhân dân được sản xuất, nhân dân được đi lại - phải rất linh hoạt. Vẫn phải phòng là rất cơ bản - quyết định trong lúc mình chưa có độ bao phủ vắc xin. Một công thức để chúng ta làm đó là: 5K + vaccine + thuốc + công nghệ, rồi ý thức của người dân. Nắm chắc lý luận này, những cái nền tảng và vận dụng phù hợp với hoàn cảnh cụ thể nhưng phải trên cơ sở các hướng dẫn chung để tránh gây ách tắc cục bộ, tránh cát cứ. Điều này cần phải rút kinh nghiệm rất nhiều".
Cùng với đó, Chính phủ xác định, giải pháp thích ứng với dịch bệnh phải dựa trên nguyên tắc “Y tế là trụ cột, trung tâm; Kinh tế là cơ sở, nền tảng; Dữ liệu, khoa học, công nghệ là then chốt; Ổn định chính trị, xã hội là trọng yếu, thường xuyên; vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức của người dân là tiên quyết; An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Không chỉ là giảm đau kinh tế, nhiều doanh nhân, chuyên gia cũng coi đây là giải pháp giúp tăng sức đề kháng - sớm đưa kinh tế đất nước phục hồi, trong bối cảnh chưa thể đoán định được điểm dừng của đại dịch.
Ông Nguyễn Quang Huân – Đại biểu Quốc hội khoá XV, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam khẳng định: "Ông cha ta từ chiến tranh còn cử người đi nước ngoài học để sau này hoà bình xây dựng kinh tế. Giờ dịch giã chỉ 1,2 năm, nếu chỉ chăm chăm chống dịch, không nghĩ đến phát triển kinh tế, sau dịch thế nào? Ngày xưa là tự cung tự cấp, còn nay là liên kết toàn cầu. Cứ một nước có dịch thì nước khác bị ảnh hưởng chứ không gói gọn bối cảnh trong nước. Nếu để chuỗi cung ứng đứt gãy, quay lại sẽ rất khó. Đó là doanh nghiệp FDI. Các DN trong nước cũng như vậy. Nếu không duy trì phát triển, sẽ đứt gẫy, tái cấu trúc rất khó, rồi thất nghiệp, cần tiền trợ cấp - với Chính phủ lại là gánh nặng. Cho nên, lúc đầu chúng ta nghĩ rằng có thể dập dịch - đưa về số 0, vừa rồi Thủ tướng đã có quan điểm rõ ràng là phải sống lâu dài, chấp nhận phát triển kinh tế trong thời kỳ dịch bệnh. Quan điểm sẽ làm tư duy chống dịch khác đi: tính mạng sức khoẻ của người dân vẫn là trước hết, trên hết, nhưng phải xây dựng kinh tế".
Đau đáu với mối nguy của đất nước, nỗi đau của người dân, không chỉ dựa vào ý chí chủ quan từ quan sát thực tiễn, không chỉ thông qua những báo cáo từ các bộ, ngành, địa phương,…để đưa ra những chỉ đạo, quyết sách – thay đổi chiến lược, Chính phủ đã tôn trọng, lắng nghe ý kiến, khuyến nghị từ nhiều chuyên gia, doanh nhân, đại diện các Hiệp hội, ngành hàng… để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động từ đại dịch.
Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII bế mạc ngày 07/10 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã đánh giá lại hiệu quả thực tiễn, cùng những bất cập triển khai các chủ trương, chính sách giai đoạn phòng, chống dịch. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Yêu cầu tiếp tục rà soát, tính toán kỹ lưỡng, chuẩn xác hóa lại các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trình Quốc hội xem xét. Tập trung ưu tiên thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh; đồng thời xử lý những hạn chế, yếu kém tồn đọng từ lâu của nền kinh tế, nhất là trong việc giải ngân vốn đầu tư công; cải cách doanh nghiệp nhà nước và xử lý vấn đề các dự án thua lỗ... Tăng cường các giải pháp bảo đảm quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại trong tình hình mới; tăng cường sự thống nhất, đồng thuận của nhân dân cùng chia sẻ, khắc phục những khó khăn chung của đất nước".
Nhìn lại, đánh giá tổng quát những mặt được, chưa được và nỗ lực tìm giải pháp ở tầm vĩ mô - là trách nhiệm, cũng là quyết tâm rất lớn của Đảng, Chính phủ trong bối cảnh kinh tế xã hội chịu tác động mạnh mẽ, đa chiều từ đại dịch suốt gần 2 năm qua.
Khi từ bộ máy lãnh đạo cấp cao thể hiện rõ nỗ lực-quyết tâm cao nhất có thể, vì người dân-doanh nghiệp, thì người dân, doanh nhân, doanh nghiệp cũng nhận diện được và nỗ lực thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình, trong công cuộc phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế.
Chuyển trạng thái từ Zero Covid sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, Chính phủ cũng đã xác định chuyển giai đoạn nhưng phải tránh cả 2 xu hướng: một là mở cửa nhưng lại mất cảnh giác; hai là bi quan, lo lắng, thực hiện những biện pháp cực đoan. Hy vọng, cả nước, với tinh thần quyết liệt, sẽ vượt lên những nỗi đau thời Covid, tiếp tục là động lực dẫn dắt dự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Gần 700 ngày chống dịch chính là thước đo tinh thần - là “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, là sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng - “tương thân, tương ái” của Đảng, Nhà nước, nhân dân và các doanh nhân-doanh nghiệp. Cuộc chiến chống đại dịch Covid 19 ở nước ta đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực, nhưng phía trước vẫn còn nhiều gian nan, thách thức, cần sự thích ứng linh hoạt của toàn hệ thống chính trị. Nếu tất cả cùng quyết tâm, kiên định thực hiện những giải pháp đồng bộ, sáng tạo – được chỉ đạo thông suốt từ Đảng, Chính phủ, “mục tiêu kép” chắc chắn sẽ hiệu quả tối đa – kinh tế, xã hội đất nước sẽ sớm đạt tới trạng thái được kỳ vọng./.
Thúy Ngà/VOV1