Nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu
Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam đã nhập siêu 1,47 tỷ USD giá trị hàng hóa trong 6 tháng đầu năm 2021 và thực tế đó trái ngược với xu hướng xuất siêu diễn ra trong mấy năm gần đây. Tiếp đó, trong nửa đầu tháng 7-2021, Tổng cục Hải quan công bố, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 12,78 tỷ USD, giảm 13,9% so với nửa cuối tháng 6-2021. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu tăng 4,8%, đạt 14,61 tỷ USD. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15-7, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 345 tỷ USD; trong đó xuất khẩu hơn 171 tỷ USD, nhập khẩu hơn 174 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam đã nhập siêu hơn 3 tỷ USD.
Đáng chú ý, có tới 31 mặt hàng nhập khẩu trị giá trên 1 tỷ USD trong khi chỉ có 25 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Song, cơ cấu hàng nhập khẩu tập trung vào nhóm nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất (chiếm hơn 88% tổng kim ngạch nhập khẩu). Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, việc tăng cường nhập khẩu nguyên, phụ liệu cho thấy nhiều lĩnh vực sản xuất đang hồi phục nhanh chóng. Nhiều đơn vị sản xuất hàng xuất khẩu đã có đơn hàng tới hết quý III hoặc cả năm 2021, lý giải vì sao nhập siêu là tất yếu...
Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, một số doanh nghiệp đã tranh thủ nhập khẩu nguyên liệu tại thời điểm giá phải chăng để dự trữ nhằm chủ động trong sản xuất nếu dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Khi nhập khẩu tập trung vào nguyên liệu phục vụ sản xuất, trong đó có cả những đơn hàng xuất khẩu, cộng với việc nhiều thị trường lớn đang hồi phục mạnh mẽ, chắc chắn kim ngạch xuất khẩu những tháng cuối năm sẽ gia tăng và cán cân thương mại sớm được cân bằng.
Tận dụng cơ hội, tăng cường xuất khẩu
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, hoạt động xuất khẩu thường tăng cao vào dịp cuối năm, khi doanh nghiệp dồn sức hoàn thành các đơn hàng đã ký kết. Song để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2021 tăng 4-5% so với năm 2020 cũng như có thặng dư, nền kinh tế phải tiếp tục bứt phá mạnh mẽ hơn. Trong đó, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin các thị trường, tận dụng ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm gia tăng xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin thêm, các FTA thế hệ mới là cơ hội, điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng quy mô, tăng kim ngạch xuất khẩu. Một số mặt hàng truyền thống như nông sản, dệt may... đang phát huy khá tốt lợi thế từ các FTA. Bộ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đối tác; tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh thương mại điện tử cũng như tháo gỡ rào cản về thủ tục hành chính. Đồng thời, Bộ cũng tiếp tục theo dõi sát hoạt động nhập khẩu, hạn chế việc nhập khẩu nhóm hàng không khuyến khích để chủ động cân bằng cán cân thương mại.
Cùng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) nhận định, việc tăng cường nhập khẩu những tháng đầu năm là điều kiện để tăng trưởng cao hơn trong thời gian tới. Vấn đề đặt ra là chủ động nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu bên cạnh việc tận dụng triệt để ưu đãi, cam kết trong các FTA để gia tăng xuất khẩu.
Về phía doanh nghiệp, mỗi đơn vị đều tập trung các nguồn lực, giải pháp để đạt kết quả cao nhất trong sản xuất hàng xuất khẩu. Đây là vấn đề gắn liền với cách thích ứng và bản lĩnh của mỗi doanh nghiệp. Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 - CTCP Thân Đức Việt, khái niệm “bình thường mới” bao gồm những thay đổi về mọi mặt trong đời sống kinh tế - xã hội cần phải làm quen, vượt qua để tồn tại. Đối với Tổng công ty May 10 - CTCP thì đó là tăng cường khả năng phân tích, phản ứng nhạy bén trước những diễn biến nhanh, phức tạp trên thị trường, cũng như các yếu tố liên quan, để bảo đảm sản xuất thông suốt, an toàn. Nếu trước kia việc lập kế hoạch theo quý, theo tháng, thậm chí cho cả năm thì bây giờ có thể thay đổi từng ngày, tùy diễn biến thực tế.
Là đơn vị chuyên gia công linh kiện cho một số doanh nghiệp nước ngoài, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí chính xác Hà Nội CNC Nguyễn Minh Châu cho rằng, cần phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ để gia tăng năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của các hãng lớn; từ đó từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Trở thành vệ tinh cung cấp linh kiện cho doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cũng chính là xuất khẩu tại chỗ, đồng thời thay thế cho hàng nhập khẩu.
Từ thực tế và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, những nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, hy vọng kết quả xuất khẩu sẽ gia tăng với tốc độ cao hơn, thật sự bứt phá để sớm cân bằng cán cân thương mại quốc gia.
Theo Hanoimoi.com.vn