Từ quan điểm này, trong năm đầu hoạt động, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Sơn La đã phát huy được vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.
Phóng viên VOV phỏng vấn bà Quản Thị Dung, Phó Ban thường trực Ban Nội chính Tỉnh ủy Sơn La – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh xung quanh nội dung này.
PV: Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Sơn La đến nay đã trải qua 1 năm thành lập và đi vào hoạt động. Xin bà cho biết, với chức năng là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo, trong năm qua, Ban Nội chính Tỉnh ủy Sơn La đã tham mưu, giúp Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh hoạt động đạt những kết quả cơ bản như thế nào?
Bà Quản Thị Dung: Ban chỉ đạo phòng chống tham những tiêu cực tỉnh Sơn La đã được thành lập vào ngày 16/6/2022 theo Quy định 67 ngày 02/6/2022 của Ban Bí thư. Ban chỉ đạo Sơn La là 1 trong 20 Ban chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập sớm trên toàn quốc.
Sau 1 năm thành lập, Ban Nội chính Tỉnh uỷ với chức năng là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo đã tham mưu cho Ban chỉ đạo triển khai hoạt động đạt được những kết quả bước đầu.
Thứ nhất là căn cứ vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn gắn kết chặt chẽ giữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.
Thứ hai là tham mưu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, đặc biệt là các bài phát biểu cũng như kết luận của Tổng Bí thư về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn toàn tỉnh. Qua công tác quán triệt, triển khai này thì nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng và đặc biệt là vai trò của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn tỉnh cũng đã được nâng lên một bước.
Thứ ba là đã tham mưu giúp cho Ban chỉ đạo trong công tác chuẩn bị các nội dung, điều kiện để tổ chức được 9 cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo, 4 phiên họp Ban chỉ đạo và tham mưu cho Ban chỉ đạo ban hành 21 thông báo kết luận, 25 báo cáo, 45 văn bản để lãnh đạo chỉ đạo thống nhất công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn.
Thứ tư là đã tham mưu cho Ban chỉ đạo đưa vào diện Ban chỉ đạo theo dõi 8 vụ án và 3 việc. Hiện nay, Ban chỉ đạo đã chỉ đạo giải quyết xong 1 vụ án đưa ra khỏi diện Ban chỉ đạo theo dõi.
Thứ năm là đã tham mưu cho Ban chỉ đạo ban hành chương trình kiểm tra giám sát và thực hiện được 1 cuộc giám sát, 1 cuộc kiểm tra đối với 10 huyện ủy, thành uỷ về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
PV: Có thể thấy trong thời gian gần đây, nhất là trong năm vừa qua, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở Sơn La có những chuyển biến rất rõ nét, không xảy ra các vụ việc tham nhũng, tiêu cực quy mô lớn, có tổ chức. Những yếu tố nào giúp địa phương có được các kết quả như vậy?
Bà Quản Thị Dung: Thực tế qua công tác theo dõi và tổng kết 10 năm trong việc chỉ đạo nâng cao sự lãnh đạo Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng thì thấy rằng với Sơn La, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là công tác phòng ngừa đã được các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm.
Thứ hai là Ban chỉ đạo thì đã được thành lập rất sớm ngay sau khi có chỉ đạo của Trung ương và đi vào hoạt động một cách nền nếp, có chiều sâu. Đặc biệt là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được sự vào cuộc của cấp ủy, tổ chức Đảng, gắn trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Sự vào cuộc Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị và sự giám sát của người dân trong việc giám sát các cấp, cơ quan, tổ chức và các cá nhân trong việc thực hiện pháp luật, nhất là trong việc thực hiện các nhiệm vụ, công vụ.
PV: Với những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Sơn La tiếp tục xác định phương hướng, mục tiêu hoạt động như thế nào?
Bà Quản Thị Dung: Trong thời gian tới, Ban Nội chính Tỉnh uỷ Sơn La sẽ tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp mà Ban chỉ đạo Trung ương cũng như kết luận của Tổng Bí thư.
Cụ thể, chúng tôi sẽ tham mưu tăng cường công tác quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đẩy mạnh nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Hai là tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh theo dõi, chỉ đạo và tiếp tục rà soát, đưa các vụ việc thuộc diện theo dõi, chỉ đạo để tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm những vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp mà hiện nay dư luận đang quan tâm.
Ba là tham mưu tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra các lĩnh vực hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng.
Thứ tư là tiếp tục tham mưu nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp. Thế rồi giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, của các tổ chức chính trị - xã hội, của các cơ quan báo chí và của nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
PV: Đối với Ban Nội Chính Tỉnh ủy – cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo sẽ chủ động sáng tạo và quyết liệt đổi mới cách làm, cũng như phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng ra sao, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương?
Bà Quản Thị Dung: Trước hết, chúng tôi phải xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn để tham mưu với Tỉnh ủy và Ban chỉ đạo tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đạt kết quả theo mục tiêu về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đề ra.
Thứ hai là phối hợp tốt với các cơ quan chức năng để tham mưu tổ chức thực hiện, quán triệt, triển khai các văn bản lãnh đạo của Trung ương; phối hợp tốt với Ban Tuyên giáo trong việc định hướng cho cơ quan báo chí, truyền thông tuyên truyền đúng những nội dung cũng như kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ba là, sẽ tiếp tục tham mưu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chuyên đề và phải thực hiện thường xuyên, có chất lượng, hiệu quả, gắn chặt chẽ với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, để làm sao hạn chế đến mức thấp nhất các sai phạm về tham nhũng xảy ra, đặc biệt là không để xảy ra những vụ tham nhũng lớn, có tổ chức mà chúng ta không kiểm soát được.
PV: Xin cảm ơn bà!
Thu Thùy/VOV-Tây Bắc